Nối dài "đôi cánh" giao thông đồng bằng

Cập nhật, 06:46, Chủ Nhật, 11/02/2024 (GMT+7)

(VLO) Những chiếc cầu mang tầm vóc thế kỷ, vắt ngang những khúc sông vùng đất chín rồng đã thay thế sứ mệnh lịch sử cho những chuyến phà tồn tại trăm năm để miền Tây khởi sắc. Hạ tầng giao thông từng ngày chuyển mình, “đường băng” mới là những tuyến cao tốc “đâm ngang, xẻ dọc” lắp dần các mảnh ghép để hình thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh…

Điểm nghẽn giao thông dần khơi thông

“Ví dầu cao tốc miền Tây, xây đi xây lại xây hoài không xong”. Đó là hình ảnh từng được ví von trong hơn thập kỷ trước về hệ thống giao thông, khi mà cuối năm 2020 nơi đây chỉ có hơn 40km trên tổng số gần 1.200km đường cao tốc trên cả nước.

Người đi làm ăn xa về quê mỗi dịp lễ tết luôn ám ảnh cảnh lụy phà. Chặng đường TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Long chưa đầy 200km sao quá trắc trở, bởi “sang sông thì phải lụy phà”. Hồi ấy, toàn vùng ĐBSCL không có cây cầu vĩnh cửu nào để vượt qua sông Tiền, sông Hậu…

Nút thắt hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đang được tháo gỡ.
Nút thắt hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đang được tháo gỡ.

Thế nên, khách phải lên xe rồi lại xuống xe… chờ phà. Mỗi lần qua sông Tiền ở phà Mỹ Thuận hay sông Hậu ở phà Cần Thơ ô tô xếp hàng nối nhau cả cây số, chờ năm ba tiếng đồng hồ mới qua được sông. Thế rồi, cầu Mỹ Thuận được xây dựng hoàn thành đã đi vào lịch sử về kỹ thuật cầu dây văng mới nhất được áp dụng.

Còn nhớ những ngày khánh thành, từ đêm hợp long người dân các nơi tụ về đứng kín cả cầu. Ngược thời gian để thấy rằng, có được chiếc cầu mở rộng cửa ngõ miền Tây Nam Bộ này là cả một hành trình rất dài, để từ đó cư dân vùng ĐBSCL vỡ òa trong niềm vui sướng cho khát vọng ngàn đời đã trở thành hiện thực. Nó đã đánh dấu son đậm nét trong bức tranh giao thông đồng bằng.

Cầu Mỹ Thuận 2, cùng cầu Mỹ Thuận hiện hữu sẽ phát huy hiệu quả liên kết giao thông trong thời gian tới. Ảnh: Tấn Tân
Cầu Mỹ Thuận 2, cùng cầu Mỹ Thuận hiện hữu sẽ phát huy hiệu quả liên kết giao thông trong thời gian tới. Ảnh: Tấn Tân

Rồi cả thập niên sau đó, từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cần Thơ và sau này “liên hoàn” cầu Cao Lãnh rồi Vàm Cống nối đôi bờ, niềm vui ấy như được nâng lên gấp bội. Có người đã rơi nước mắt vì vui mừng khi rảo bước qua những chiếc cầu thế kỷ…

Nối dài “đôi cánh” giao thông đồng bằng là nhiệm vụ cấp bách cho vùng kinh tế trọng điểm với nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt về nông nghiệp, thủy hải sản và du lịch.

Đó không chỉ là những chiếc cầu, mà còn cả một hệ thống cao tốc đồng bộ được đầu tư bài bản. Những khó khăn từ tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận sau 10 năm ngưng trệ dần được “cởi trói”.

Nghị quyết chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công với nhiều dự án cao tốc là minh chứng sự quyết tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhằm vực dậy giao thông vùng.

Hệ thống giao thông ĐBSCL đang được triển khai.
Hệ thống giao thông ĐBSCL đang được triển khai.

Để rồi từ đó, hàng loạt dự án trọng điểm tại phía Nam đã được khơi thông thủ tục. Từ cuối năm 2020 đến nay, liên tục những tin vui liên quan việc quyết định chủ trương, bố trí vốn, khởi công và chạy nước rút các công trình giao thông trọng điểm ở ĐBSCL, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, tạo nhiều kỳ vọng cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Chỉ trong nửa nhiệm kỳ, ngành giao thông vận tải đã làm nên một kỳ công”.

Đó là tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời thể hiện ý chí “vượt nắng, thắng mưa” để hệ thống giao thông đồng bằng hôm nay “thay áo mới”, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, hội tụ đủ các điều kiện đột phá tương lai.

Giao thông “đâm ngang xẻ dọc”

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô 4-6 làn xe. Trong đó, có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang.

Hệ thống giao thông kết nối, chính quyền các tỉnh, thành ĐBSCL đã có thể chủ động xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để “đón sóng” đầu tư. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thành phố đã quy hoạch những khu vực để phát triển kinh tế. Khi cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ hoàn thành, thời gian di chuyển lên TP Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn còn hơn 2 giờ, giao thương sẽ thuận lợi, góp phần cho việc phát triển cụm cảng Cái Cui. Bên cạnh, cao tốc trục ngang Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng cũng sẽ là động lực cho địa phương phát triển KCN Vĩnh Thạnh đang hình thành với quy mô khoảng 900ha.

Tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông được kỳ vọng tạo động lực phát triển cho toàn vùng ĐBSCL.
Tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông được kỳ vọng tạo động lực phát triển cho toàn vùng ĐBSCL.

Là tỉnh có chiều dài tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ đi qua nhiều nhất với kỳ vọng sẽ có nhiều lợi thế trực tiếp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết đã quy hoạch 2 khu công nghiệp trên trục tuyến cao tốc này với tổng diện tích hơn 800ha, mở cửa sẵn sàng đón đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong một lần kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án giao thông trọng điểm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng giao thông với phát triển kinh tế- xã hội khu vực ĐBSCL. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo “không được chần chừ mà phải bắt tay vào làm ngay”.

Giao thông ĐBSCL sẽ thuận lợi, góp phần tiến nhanh hơn cùng cả nước.
Giao thông ĐBSCL sẽ thuận lợi, góp phần tiến nhanh hơn cùng cả nước.

Trong nhiệm kỳ này, đến nay, Chính phủ đã bố trí được khoảng 480.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước, từ nhiều nguồn gồm đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội.

Quyết tâm làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa, Thủ tướng cũng cho biết ý tưởng sẽ phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam, trong đó dự kiến sẽ làm trước đoạn TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, chiến lược, giàu truyền thống cách mạng; là vùng đất rất trù phú, giàu tiềm năng, là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước, vì vậy phát triển giao thông khu vực là “không bàn lùi, không do dự, phải làm bằng được, đạt kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được”.

Sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, Bộ GT-VT và các địa phương vùng ĐBSCL, rất kỳ vọng trong vòng 5- 10 năm tới, các tuyến cao tốc “đâm ngang, xẻ dọc” từ trong đất liền tới vùng biên giới sẽ hình thành liên hoàn, kết nối. Giao thông ĐBSCL sẽ thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội miền Tây tiến nhanh hơn cùng cả nước! 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH