Không chủ quan với dịch tả heo châu Phi

11:10, 31/10/2023

Theo ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn xảy ra rải rác. Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, ngành chức năng, địa phương đã khoanh vùng, chủ động phòng ngừa, dập dịch và hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại để bảo vệ đàn vật nuôi.

 

 

Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.
Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.

Theo ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn xảy ra rải rác. Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, ngành chức năng, địa phương đã khoanh vùng, chủ động phòng ngừa, dập dịch và hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại để bảo vệ đàn vật nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản từng bước được kiểm soát tốt, những hộ nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang phương thức nuôi công nghiệp, góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cũng như cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi tái đàn heo chậm, chưa mạnh dạn tái đầu tư. Nguyên nhân do giá heo hơi ở mức thấp, giá con giống, thức ăn chăn nuôi ở mức cao, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước và sức tiêu thụ sản phẩm thịt heo giảm nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp, trong đó, bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn xảy ra rải rác. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 7 ổ dịch tả heo châu Phi xảy ra, tất cả các ổ dịch đều được ngành chăn nuôi, thú y địa phương phát hiện kịp thời và có những biện pháp xử lý hiệu quả.

Mới đây, tại xã Long Phước (Long Hồ) xảy ra một ổ dịch tả heo châu Phi tại hộ bà Nguyễn Thị Thu Nga. Theo kết quả giám định mẫu bệnh phẩm từ Chi cục Thú y Vùng VII, kết luận đàn heo của hộ này dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi, tổng số heo đến thời điểm hiện tại bị nhiễm bệnh, đã chết và tiến hành tiêu hủy là 63 con. Trước đó, ngay khi phát hiện nghi nhiễm, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã thực hiện các biện pháp quyết liệt ngăn chặn. Để khống chế dịch bệnh, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo nuôi mắc bệnh, thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực phát sinh ổ dịch; tiêu độc khử trùng tập trung ở các ổ dịch và vệ sinh, sát trùng các hộ nuôi xung quanh, tăng cường giám sát dịch bệnh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bao vây ổ dịch không để lây lan ra diện rộng. Đến nay, ổ dịch đã được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga cho hay: “Tôi thấy đàn heo có dấu hiệu bỏ ăn, tôi cũng chích thuốc điều trị 3 ngày nhưng đàn heo không hết bệnh nên tôi báo thú y địa phương đến lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả là đàn heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi nên buộc phải tiêu hủy”.

Bà Võ Thị Thu Thủy- nhân viên thú y xã Long Phước, cho biết: Sau khi hủy đàn heo tại ổ dịch thì lực lượng thú y tiến hành phát thuốc sát trùng và hướng dẫn cho những hộ dân xung quanh thực hiện tiêu độc sát trùng, đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi cho heo ngủ mùng, tăng cường sức đề kháng cho đàn heo. Bên cạnh đó, khuyến cáo các hộ dân không nhập heo không rõ nguồn gốc để tái đàn.

Thời gian qua, để chủ động phòng ngừa dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi cũng nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Năm (xã Long Phước, huyện Long Hồ) cho hay: “Khi tái đàn tôi cũng chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Cán bộ thú y cũng tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Theo đó, tôi cho heo ngủ mùng ban ngày lẫn đêm, hạn chế người lạ vào trại, các dụng cụ chăn nuôi được sát trùng kỹ lưỡng trước khi ra vào trại, cung cấp thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cho heo uống nước sạch, đồng thời, thường xuyên tiêu độc sát trùng khu vực chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh”.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để bảo vệ đàn heo, các hộ chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc, tiêm vaccine đầy đủ để phòng bệnh cho heo, thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng ngừa, không chủ quan với dịch. Khi phát hiện heo có biểu hiện bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi cần báo ngay đến cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, khống chế, ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, tai xanh, viêm da nổi cục để dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Nhanh chóng phát hiện và xử lý các ổ dịch theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, định kỳ tiêu độc khử trùng. Đồng thời, khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp tái đàn và chăn nuôi an toàn sinh học”- ông Nguyễn Văn Liêm cho hay.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh