Vĩnh Long giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám

09:09, 02/09/2023

Ngày 21 và 22/1/1941, xứ ủy Nam Kỳ mở hội nghị với các liên tỉnh ủy tại xã Đa Phước (huyện Cần Giuộc- Chợ Lớn) đề ra các nhiệm vụ, đồng thời nắm lại lực lượng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, trong đó có địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

 

Nhà việc Long Châu (nay là nhà làm việc UBND TP Vĩnh Long) nơi giành chính quyền đầu tiên trong ngày 25/8/1945.
Nhà việc Long Châu (nay là nhà làm việc UBND TP Vĩnh Long) nơi giành chính quyền đầu tiên trong ngày 25/8/1945.

Tại tỉnh Vĩnh Long và Nam Bộ, Đảng ta từng bước gây dựng lại cơ sở, nắm lại số quần chúng chí cốt. Ngay sau tháng 12/1940 những xứ ủy viên còn lại sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã gặp nhau, đánh giá, rút kinh nghiệm và chia nhau đi nắm lại tình hình cơ sở.

Ngày 21 và 22/1/1941, xứ ủy Nam Kỳ mở hội nghị với các liên tỉnh ủy tại xã Đa Phước (huyện Cần Giuộc- Chợ Lớn) đề ra các nhiệm vụ, đồng thời nắm lại lực lượng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, trong đó có địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Gầy dựng cơ sở cách mạng đầy khó khăn ở Vĩnh Long

Giai đoạn 1941-1942, về tổ chức Xứ ủy Nam Kỳ lập lại 2 liên tỉnh ủy miền Tây và miền Đông là Liên Tỉnh ủy Hậu Giang và Liên Tỉnh ủy Tiền Giang. Hội nghị Liên Tỉnh ủy miền Tây bầu đồng chí Phan Văn Khỏe làm Bí thư Xứ ủy và đồng chí Trần Văn Bảy làm Phó Bí thư Xứ ủy, kiêm Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Xứ ủy chủ trương xây dựng căn cứ U Minh (thuộc 2 tỉnh Rạch Giá và Bạc Liêu) để chuẩn bị cho khởi nghĩa lần 2.

Liên Tỉnh ủy Hậu Giang (trong đó có chỉ đạo địa bàn Vĩnh Long) đã chủ trương gom một số cán bộ bị lộ, đứng chân rải rác ở các nơi về căn cứ U Minh để củng cố lực lượng, phân công chuyển vùng tiếp tục hoạt động (trong đó có đồng chí Võ Văn Kiệt ở tỉnh Vĩnh Long).

Để phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục gây dựng lại cơ sở, ngay từ đầu năm 1941, Xứ ủy chủ trương xuất bản tờ báo Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy do ông Nguyễn Văn Kỉnh- Xứ ủy viên, phụ trách; cơ sở in ấn tờ báo đặt tại Hố Bần (Quận 8, TP Hồ Chí Minh ngày nay). Báo Giải phóng xuất bản mỗi tháng 1 kỳ, đến tháng 11/1941, ông Nguyễn Văn Kỉnh bị địch bắt, tờ báo mới phải tạm đình bản.

Vào lúc này, một số cán bộ lãnh đạo phải tạm ẩn mình bám trụ một số nơi như: Ung Văn Khiêm ở Cờ Đỏ (Cần Thơ), Nguyễn Văn Tây ở An Biên (Rạch Giá), Trần Văn Giàu sau vượt ngục ở Tà Lài về trụ ở Xẻo Bần, sau đó qua Thứ Mười Một (U Minh Thượng). Dung Văn Phúc (Năm Đông) cùng vượt ngục Tà Lài về gây dựng cơ sở ở một số nơi khác (Sài Gòn, Vĩnh Long, Trà Vinh).

Trong thời gian gây dựng lại cơ sở, lãnh đạo ở Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, trong đó có Tỉnh ủy Vĩnh Long tìm cách móc nối lại liên lạc với Trung ương. Đầu năm 1942, các đồng chí Ngô Thị Huệ (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long), Nguyễn Xung Phong, Nguyễn Oanh, Hà Văn Nam của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang bắt liên lạc được với đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến- liên lạc của Trung ương Đảng vào Nam.

Các tài liệu Việt Minh do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến đưa vào được phổ biến trong một số quần chúng lao động, công chức, tiểu thương...

Cuộc họp đầu năm 1942 tại Lái Thiêu (Thủ Dầu Một) bàn việc thành lập Ban Vận động phục hồi Xứ ủy, có mặt đồng chí Bùi Dự, Phú (không rõ họ), Hà Văn Nam, Nguyễn Văn Tam (Chợ Lớn), Ngô Thị Huệ... nhưng đến tháng 8/1942 cơ sở Liên Tỉnh ủy Hậu Giang lại bị bể, nhiều đảng viên bị bắt trong đó có Nguyễn Hữu Xuyến, chỉ còn lại các đồng chí Bùi Dự, Nguyễn Oanh, Ngô Duy Liên, v.v...(1).

Nhìn chung vào thời kỳ này, cơ sở cách mạng tại Vĩnh Long và Liên Tỉnh ủy Hậu Giang còn lại rất ít, có nơi còn bị bọn nội gián chui vào tổ chức và đánh phá liên tục, mặc dù vậy, các đảng viên còn lại không chịu bó tay, xoay trở mọi cách khôi phục lực lượng cách mạng. Vào tháng 8/1945, khí thế tiền khởi nghĩa càng dâng cao, Xứ ủy Tiền Phong, Xứ ủy Giải Phóng đã gặp để bàn việc thống nhất tổ chức và hoạt động.

Tháng 7/1945, Thường vụ Trung ương Đảng cử đồng chí Bùi Lâm vào nắm tình hình, truyền đạt ý kiến Trung ương về việc thống nhất Đảng bộ Nam Kỳ; đề nghị mỗi xứ ủy cử 2 đại diện tham gia, với nhiệm vụ phối hợp hành động toàn Đảng bộ Nam Kỳ chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa.

Đêm 16 rạng ngày 17/8/1945, Xứ ủy Tiền Phong tổ chức Hội nghị Xứ ủy mở rộng tại Chợ Đệm, để nhận định tình hình. Tại tỉnh Vĩnh Long lúc đó, Tỉnh ủy tiếp tục chờ ý kiến chỉ đạo của Xứ ủy khi tình hình đã chín muồi tại các cơ sở, nhiều cán bộ chí cốt còn lại sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, đưa về cơ sở chỉ đạo sâu sát.

Chớp thời cơ giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân Vĩnh Long

Sáng ngày 23/8, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) khởi nghĩa thắng lợi, Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba của Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức rất ngắn vì không còn có ý kiến khác nhau về thời điểm khởi nghĩa ở Nam Bộ: dự kiến sáng ngày 24/8 phát lệnh, 0 giờ sáng ngày 25/8 sẽ xong, sáng ngày 25/8 tổ chức biểu tình.

Trong thời gian này, các tỉnh, thành khắp Nam Bộ (cấp tỉnh, thành đến quận, xã) đều thành lập ủy ban khởi nghĩa, xúc tiến mọi việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa(2).

Tại tỉnh Vĩnh Long tháng 4/1945, một số đảng viên ở Bà Rá được thả về, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Thiệt, cùng các đảng viên bám trụ, tích cực hoạt động. Dần dần các cơ sở đảng được xây dựng lại, tỉnh thành lập một chi bộ đặc biệt ở tỉnh lỵ Vĩnh Long do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm bí thư.

Chi bộ tập trung các cán bộ trung kiên, là Nguyễn Văn Thiệt, Phan Văn Sử, Diệp Ngọc Côn, Khuất Duy Trì và Nguyễn Hữu Thế, để chuẩn bị khẩn cấp lãnh đạo phong trào đi vào khởi nghĩa giành chính quyền.

Lúc đó, ở Vĩnh Long có 2 đoàn thể quần chúng chí cốt với cách mạng: tổ chức Nông dân cứu quốc phát triển mạnh ở Phước Hậu, Ngã tư Long Hồ, Cái Ngang, Ba Càng, Tam Bình, Vũng Liêm,… và tổ chức Thanh niên Tiền phong do Đảng gián tiếp lãnh đạo quy tụ hầu hết thanh niên ở tỉnh lỵ Vĩnh Long, Châu Thành, Vũng Liêm...

Tháng 5/1945 tổ chức Thanh niên Tiền phong do bác sĩ Trương Ngọc Quế đứng đầu, người đại diện của Tỉnh ủy là Lê Minh Hữu, Tỉnh ủy viên, lấy danh nghĩa của tổ chức Thanh niên Tiền phong để làm bình phong phát triển phong trào. Ban đầu, tổ chức này thành lập tại làng Long Châu (nay thuộc Phường 1), quy tụ tới 7.000 thanh niên yêu nước để sẵn sàng tham gia khởi nghĩa.

Vào sáng 25/8, phong trào của Thanh niên Tiền phong, cùng nhân dân các quận, các xã lân cận đã lên cao, nhất là tại tỉnh lỵ Vĩnh Long, hàng ngàn người đã đến Nhà việc Long Châu (nay là khu nhà làm việc UBND TP Vĩnh Long), để đi tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào 10 giờ trưa ngày 25/8/1945.

Những đặc thù của tỉnh Vĩnh Long đi đến tổng khởi nghĩa: Thứ nhất, lúc này, vùng nông thôn như: quận Tam Bình, Trà Ôn, Long Hồ… cơ sở Việt Minh và các tổ chức cứu quốc vận động của Thanh niên Tiền phong mở rộng đến phong trào các xã. Ngoài ra, tổ chức đảng còn xây dựng cơ sở hoặc đưa người vào các cơ quan công sở của kẻ địch, kể cả ở Sở Cảnh sát và Trại lính Vĩnh Long.

Tại Vĩnh Long lúc đó, có khoảng 1 trung đoàn lính Nhật đóng quân. Trước ngày khởi nghĩa, lực lượng cách mạng đã nắm toàn bộ lính cảnh sát và phần lớn lính bảo an, công khai treo cờ Việt Minh, tổ chức mít tinh, biểu tình nêu cao khẩu hiệu “Việt Nam độc lập”, trung đoàn quân lính Nhật đóng tại đây đã án binh bất động.

Thứ hai, trước áp lực của nhân dân vùng lên khắp toàn tỉnh, ngày 25/8/1945, đoàn đại biểu cách mạng gồm 3 người, đến gặp tỉnh trưởng Vĩnh Long yêu cầu đầu hàng và giao chính quyền cho cách mạng.

Tỉnh trưởng Lương Khắc Nhạc cuối cùng phải chấp nhận, nhưng khi ta yêu cầu tỉnh trưởng lệnh cho mật thám, trung đoàn lính Nhật đầu hàng, nộp vũ khí thì ông ta lưỡng lự, lấy cớ là phải chờ lệnh của cấp trên. Ta kiên quyết đấu tranh, giằng co mãi đến trưa 25/8/1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền mới kết thúc thắng lợi.

Tiếp đó, sáng ngày 27/8, quân đội Nhật tại tỉnh lỵ Vĩnh Long đã nộp toàn bộ vũ khí cho chính quyền cách mạng tại tỉnh. Cuộc khởi nghĩa ở các quận, thị trấn đồng loạt nổ ra, lần lượt giành thắng lợi nhiều nơi. Riêng tại quận Tam Bình nổ ra đúng ngày 25/8, tại Trà Ôn ngày 27/8/1945 (tên quận là trong thời kỳ thuộc thực dân Pháp).

Thứ ba, ngày 28/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa Vĩnh Long đã tổ chức cuộc mít tinh lớn, gồm hàng vạn người tập trung tại sân vận động (nằm giữa 4 con đường lớn Pasquier (Hoàng Thái Hiếu), Saint En France (Trưng Nữ Vương), Petrust ký (Nguyễn Thị Minh Khai) và Catidelle (Hưng Đạo Vương), đã ra mắt Ủy ban lâm thời tỉnh Vĩnh Long do đồng chí Nguyễn Văn Phát là chủ tịch(3).

Thứ tư, khí thế đồng lòng của nhân dân (đa số là nông dân), Vĩnh Long hoàn toàn giành chính quyền cách mạng trưa 25/8, trong khi đó vẫn còn một trung đoàn lính Nhật đóng quân đầy đủ vũ khí. Chính yếu tố chớp thời cơ khi Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba của Xứ ủy Nam Kỳ đã tạo điều kiện cho các tỉnh, thành ủy tự tranh thủ để đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Thứ năm, một yếu tố lớn là Tỉnh ủy Vĩnh Long đã tranh thủ chớp thời cơ và huy động lực lượng cách mạng rất rầm rộ tại các quận, thị trấn đồng loạt ra quân, tạo sức mạnh quần chúng cách mạng rất to lớn, lấy thế áp đảo chính quyền bù nhìn đối với tỉnh trưởng Vĩnh Long, nhằm áp đảo buộc cho Tỉnh trưởng Lương Khắc Nhạc, phải đầu hàng ngay vào buổi trưa ngày 25/8/1945, trong lúc các tỉnh trong vùng vẫn đang đi vào tổng khởi nghĩa.

Sáng ngày 25/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa tại tỉnh Vĩnh Long hoàn toàn thắng lợi, đã tránh đổ máu, đưa lại cuộc sống độc lập, tự do cho nhân dân toàn tỉnh, do có sự chỉ đạo kiên quyết, sáng tạo của Tỉnh ủy và chi bộ đặc biệt tại tỉnh nhà. Đây là yếu tố bảo đảm sự toàn thắng những ngày Tháng Tám mùa Thu tại Vĩnh Long vào 78 năm trước.


(1) Theo bà Ngô Thị Huệ, cuộc họp diễn ra tại nhà ông Sáu Sính ở Lái Thiêu (Thủ Dầu Một).

(2) Hội đồng biên soạn- Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập I (1945-1954), NXB CT-QG Hà Nội 2011, tr.152.

(3) Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập I (1945-1954), SĐD, tr.172.

ThS PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh