Từ câu nói "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?"

Học tập về tác phong gần dân, trọng dân của Bác Hồ

Cập nhật, 09:57, Thứ Bảy, 02/09/2023 (GMT+7)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.

Trong thời khắc thiêng liêng của buổi sáng ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời, đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã hỏi hàng vạn nhân dân đang dự buổi công bố Tuyên ngôn độc lập là: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Một câu hỏi đặt ra trước sự ngỡ ngàng của triệu triệu con người dường như làm xóa mờ mọi ranh giới của một vị chủ tịch nước với quần chúng nhân dân.

Câu nói ấy thể hiện tấm lòng trân trọng của Bác đối với toàn thể nhân dân, thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Người. Bởi theo Bác, trên đời này không có gì quý bằng nhân dân, không có gì to lớn mạnh mẽ bằng nhân dân, không có gì thay thế được nhân dân.

Người chỉ rõ: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc ấm no, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Người thường dành thời gian đi cơ sở, đi thăm nhân dân ở các địa phương. Trong vòng 10 năm, từ năm 1955-1965, theo một thống kê chưa đầy đủ, Người đã về địa phương, cơ sở, đã đến với nhân dân hơn 700 lần. Đặc biệt, vì muốn mắt thấy, tai nghe những việc thật, thông tin thật, người thật từ cơ sở, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tránh báo trước, tránh những nghi thức rườm rà, nghi lễ đón tiếp, khẩu hiệu chào mừng, hàng rào danh dự... và nhất là rất ít khi ăn cơm ở những cơ sở, địa phương nơi Người đến.

Người từng nói như một lời tâm sự: “Dân ta có câu há miệng mắc quai, về cơ sở mà ăn uống, nhận quà thì làm sao có thể phê bình được cơ sở? Hiện tượng “khách ba, chủ nhà bảy” không chỉ gây tốn kém mà còn mang tiếng với dân”…

Bác là tấm gương mẫu mực của người lãnh đạo suốt đời làm công bộc tận tụy, làm đầy tớ trung thành của nhân dân, thấu hiểu cuộc sống của dân và luôn thấu cảm lòng dân; luôn gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nêu gương trước quần chúng.

Tấm gương đạo đức của Người, phong cách lãnh đạo của Người tỏa sáng, trở thành giá trị chuẩn mực và định hướng giá trị trong giáo dục đạo đức, rèn luyện đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là lực lượng cán bộ, đảng viên.

Phong cách làm việc gần dân, trọng dân của Bác đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể để khơi dậy, quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và dựng xây đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta đã được lĩnh hội, hấp thụ từ phong cách làm việc đó của Người và có những cống hiến to lớn cho cơ quan, đơn vị, địa phương trên mỗi cương vị, chức trách được giao.

Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không quản khó khăn, vất vả, bám sát thực tiễn đơn vị, tích cực với những phong trào của quần chúng, hăng hái đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, giữ vững bản chất, truyền thống của người cán bộ, đảng viên thắng không kiêu, bại không nản, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bị những tác động mặt trái của cơ chế thị trường chi phối, điều khiển; luôn lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng, giải quyết thấu tình, đạt lý những băn khoăn của nhân dân.

Học tập và làm theo tư tưởng gần dân, trọng dân của Bác, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay phải luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của mình; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân, phải gương mẫu trong mọi lời nói, hành động, nói đi đôi với làm, đề cao tự phê bình và phê bình, thường xuyên đổi mới phong cách, phương pháp, thái độ, tác phong tiếp xúc với nhân dân, phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe dân nói và biết nói cho dân nghe, thực sự “là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, đem lại lợi ích cho dân, làm cho dân thực sự tin yêu Đảng, mà trước hết là tin yêu mình.

Đối với công việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải tận tâm, tận lực, không ngại khó khăn, gian khổ, tránh biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm khi tiếp xúc với dân. Trong mọi mặt công tác, phải quán triệt nguyên tắc:

Đối với mình, không tự cao, tự đại, kiêu ngạo; cầu thị, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, bao dung và tận tình chia sẻ, giúp đỡ; đối với việc, phải dĩ công vi thượng; tận tâm, tận lực trên tinh thần: việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh; không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, tri thức khoa học, phong cách làm việc và nêu gương trước quần chúng để quần chúng tin tưởng, làm theo.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu rõ quyền hạn, lợi ích gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, làm cơ sở thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động; làm cho nhân dân luôn tin tưởng, đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh của nhân dân, kết thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, cùng chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PHƯỢNG QUYÊN