Thủ tướng cũng đã có chuyến khảo sát các điểm sạt lở và làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL để có giải pháp tháo gỡ.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát điểm sạt lở tại TP Vĩnh Long. |
“Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra nghiêm trọng, đáng báo động ở ĐBSCL. Trong khi đó, một số công trình phòng, chống sạt lở đầu tư chưa phát huy hiệu quả, chưa bảo đảm bền vững, công tác duy tu bảo dưỡng chưa được chú trọng, chưa huy động được nguồn lực ngoài xã hội…”- đó là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước tình trạng sạt lở, sụt lún tại ĐBSCL.
Thủ tướng cũng đã có chuyến khảo sát các điểm sạt lở và làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL để có giải pháp tháo gỡ.
Sụt lún, sạt lở, ngập úng đang diễn ra nghiêm trọng
Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thiếu bền vững về kinh tế- xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng ĐBSCL.
Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, kết cấu hạ tầng của Nhà nước, các công trình phòng chống thiên tai, kết cấu hạ tầng vùng ven sông, ven biển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Tình hình sạt lở tại đồng bằng có một số điểm đáng lưu ý. Mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng; trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây mỗi năm mất trên 350ha. Đồng thời, xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn.
“Tình hình sạt lở sông, kênh rạch ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi của các đợt sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn thường lớn hơn hạ nguồn sông (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long). Xói lở bờ chủ yếu xảy ra vào mùa lũ, lũ càng lớn lòng dẫn càng bị xói mòn nhanh, diễn biến lòng dẫn càng mạnh.
Ví dụ, gần đây nhất là vụ sạt lở tại Vĩnh Long ngày 5/12/2022 trên sông Cổ Chiên chiều dài khoảng 500m, chiều rộng 200m, ước tính tổng thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng” - Thứ tưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn chứng.
Theo lãnh đạo nhiều địa phương, sạt lở trong khoảng 2 năm gần đây tăng rõ rệt. Cụ thể, 7 tháng qua, tại TP Cần Thơ xảy ra 37 đợt sạt lở có tổng chiều dài hơn 2km, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng; tại Vĩnh Long xảy ra 98 điểm sạt lở làm mất gần 3,1km bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao,… thiệt hại trên 8,4 tỷ đồng (gấp 2,23 lần so cùng kỳ).
Về các nguyên nhân cơ bản gây sạt lở, theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, đối với tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, hầu hết các khu vực sạt lở thường xảy ra mạnh, phổ biến ở những vị trí tại đỉnh các khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư…
Lưu lượng dòng chảy trên hệ thống sông Tiền lớn hơn sông Hậu. Khu vực đoạn sông cong, phân nhập lưu cũng nhiều hơn sông Hậu. Đây là những vị trí sinh ra vận tốc dòng chảy lớn phức tạp. Do vậy số điểm xói ở bờ, lòng sông thuộc hệ thống sông Tiền xảy ra nhiều hơn, mức độ cũng lớn hơn sông Hậu.
Các khu vực sông ảnh hưởng của cả lũ lẫn triều (vùng giao thoa), thường là có hướng, vận tốc dòng chảy rất phức tạp, đặc biệt là vào thời điểm triều rút, vận tốc dòng chảy tăng lên đột ngột tác động gây xói lòng dẫn và sạt lở bờ sông là rất lớn (điển hình là các sông ở khu vực tỉnh Vĩnh Long). Ngoài ra, có nguyên nhân khác từ các hoạt động kinh tế, xã hội thiếu kiểm soát.
Trước tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch trên hệ thống sông ở ĐBSCL nói chung và dọc sông Tiền và sông Hậu nói riêng ngày một nghiêm trọng, nhiều năm qua hàng loạt công trình bảo vệ bờ đã được xây dựng nhằm giảm bớt thiệt hại do sạt lở bờ gây ra.
Hình thức kết cấu các công trình bảo vệ bờ khá đa dạng, phong phú, qua thống kê cơ bản có 3 loại công trình chính bảo vệ bờ gồm công trình dân gian, thô sơ; công trình bán kiên cố; công trình kiên cố.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát khu vực nguy cơ sạt lở tại Phường 1, TP Vĩnh Long. |
Cấp bách bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân vùng sạt lở
Sau khi đi khảo sát thực tế tại 8 tỉnh, thành ĐBSCL gồm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ và Vĩnh Long, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL về tình hình, công tác khắc phục sạt lở.
Nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của khu vực ĐBSCL, Thủ tướng nêu rõ, muốn ĐBSCL phát triển bền vững thì phải nhận diện đúng khó khăn, thách thức, từ đó có giải pháp hiệu quả. Đó là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng có nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra nghiêm trọng, đáng báo động ở ĐBSCL.
Vẫn còn một số khó khăn cần khẩn trương có giải pháp xử lý: tập quán sinh sống ven sông, rạch, ven biển, nhiều hoạt động kinh tế- xã hội chủ yếu dựa vào sông nước. Do vậy, khi xảy ra sạt lở là ảnh hưởng trực tiếp người dân, giao thông.
Theo Thủ tướng, sạt lở diễn biến mạnh, phức tạp, nhanh, quy mô rộng, trong khi khả năng ứng phó không kịp thời, không hiệu quả; thiếu nguồn lực để đầu tư phòng ngừa; nhiều địa phương đã xác định khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhưng không có kinh phí để đầu tư, khi xảy ra sạt lở rồi mới di dời dân cư, đầu tư công trình khắc phục sự cố sạt lở rất tốn kém, có nghĩa là chưa chủ động. Một số công trình phòng ngừa chưa căn cơ, bền vững.
Bên cạnh đó, chưa huy động được nguồn lực phòng chống sạt lở, chủ yếu trông chờ vào hỗ trợ của Trung ương. Công tác duy tu bảo dưỡng sau đầu tư chưa được chú ý, đầu tư thỏa đáng.
Đến nay còn 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng đến người dân và kết cấu hạ tầng quan trọng cần xử lý với tổng chiều dài 204km, nhu cầu đầu tư gần 14.000 tỷ đồng nhưng chưa có nguồn để xử lý. Các chủ trương, chính sách đều đã có, nhưng thực hiện vẫn là khâu yếu…
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến gặp gỡ, thăm hỏi, động viên người dân và các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở. |
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nâng cao nhận thức về sự nguy hại, hậu quả của sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quản lý, thực hiện của cấp ủy, chính quyền. Huy động tổng thể nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất vào công tác phòng, chống.
Đặc biệt, “cần phải rà soát lại những điểm nào cấp bách ảnh hưởng tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân thì phải ưu tiên làm ngay, không được để dàn trải, với phương châm suy nghĩ phải chín, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt. Quan trọng nhất là phải ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở; chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và kết cấu hạ tầng quan trọng.
Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt công tác quy hoạch; đánh giá chính xác nguyên nhân sạt lở để có giải pháp phù hợp, bảo đảm hiệu quả, bền vững, tránh tốn kém. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao…
Từ năm 2016 đến nay, vùng ĐBSCL xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km. Trong đó bờ sông có 666 điểm (744km), bờ biển có 113 điểm (390km). Từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh trong vùng hơn 16.000 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, chiều dài 324km. Dù vậy, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Hiện toàn vùng còn 561 điểm sạt lở, trong đó, bờ sông có 513 điểm (602km); bờ biển có 48 điểm (208km). Đáng chú ý, trong vùng còn 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm (bờ sông 39 điểm, bờ biển 24 điểm) với tổng chiều dài 204km.
|
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin