Đóng góp ý kiến Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần có những hướng dẫn kịp thời, đầy đủ đối với hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài, vì hiện nay các quy định này chưa hoàn thiện.
Đóng góp ý kiến Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần có những hướng dẫn kịp thời, đầy đủ đối với hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài, vì hiện nay các quy định này chưa hoàn thiện.
Song song đó, cần quy định một chương riêng đối với loại hình Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), bảo đảm đầy đủ khuôn khổ pháp lý, cũng như tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện tốt hơn vai trò của mình, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang- Cần hoàn thiện quy định hoạt động kinh doanh của TCTD nước ngoài
Hơn 12 năm có hiệu lực thực thi, Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống NH, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống các TCTD.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thành các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… đã khiến cho một số nội dung điều, khoản quy định tại Luật Các TCTD bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, việc nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa là cần thiết để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và phù hợp với thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn của hệ thống và thực tiễn hoạt động của TCTD.
Một số góp ý cụ thể như sau:
Thứ nhất, thống nhất với nội dung quy định tại Điều 96 về giao dịch điện tử trong hoạt động NH: “TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được thực hiện các hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN về các hoạt động NH, hoạt động kinh doanh khác của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”. Và việc bổ sung quy định về trường hợp ngừng các giao dịch bằng phương tiện điện tử tại khoản 5, Điều 10 dự báo cũng sẽ góp phần làm gia tăng trách nhiệm của các TCTD đối với việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, quy định này phù hợp với thực tiễn hoạt động NH bằng phương tiện điện tử thời gian qua.
Song, đề nghị NHNN cần có những hướng dẫn kịp thời, đầy đủ đối với hoạt động kinh doanh khác của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, vì hiện nay các quy định này chưa hoàn thiện.
Thứ hai, quy định về NHCS tại Điều 17, sau khi sửa đổi, bổ sung có 5 khoản quy định, đảm bảo có thể áp dụng chung cho cả hai mô hình NHCSXH hiện nay.
Trong đó, dự thảo luật tiếp tục quy định giao Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, cơ chế tài chính, tổ chức lại, giải thể và các nội dung khác có liên quan đến NHCS tại khoản 5. Song, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể... để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết. Đồng thời cũng cần tiếp tục nghiên cứu sớm bổ sung, hoàn thiện các quy định về NHCSXH theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn để bảo đảm không vướng mắc và đủ căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện. Song song đó, phát huy những thành tựu, hiệu quả của tín dụng CSXH thông qua NHCSXH trong hỗ trợ đối tượng yếu thế của xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Thứ ba, tổ chức quản trị, điều hành của TCTD, sau khi sửa đổi, bổ sung như quy định tại chương III có nhiều nội dung tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu theo hướng khắc phục sự chồng chéo, gây lúng túng cho các TCTD khi áp dụng pháp luật hiện hành trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật chứng khoán.
Song, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ thêm các quy định về cơ chế, trách nhiệm của thành viên ban kiểm soát từ ngày thành viên nộp đơn từ chức tới ban kiểm soát cho tới ngày được đại hội đồng cổ đông phê duyệt để giúp các bên áp dụng đúng pháp luật và thành viên ban kiểm soát rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình. Đồng thời, mở rộng đối tượng người có liên quan phải phù hợp với thực tế, bảo đảm khả năng thực hiện; xem xét lại quy định về giao dịch giữa TCTD với người có liên quan của TCTD.
Thứ tư, các quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (từ Điều 181 - 189) sau khi bổ sung, sửa đổi trên cơ sở thực tiễn và kết quả đạt được trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD theo quy định tại Nghị quyết 42, giúp hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD. Tuy nhiên, cần phải có các quy định cụ thể hơn nữa đối với quy định về thu giữ tài sản bảo đảm; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; chuyển nhượng tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự… thì mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để có thể tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi.
Thứ năm, Luật Các TCTD (sửa đổi) là luật chuyên ngành, có nhiều vấn đề quan trọng, cốt lõi của dự án luật nhưng còn chưa đủ cụ thể, chưa phù hợp cần phải tiếp tục có thời gian nghiên cứu hoàn thiện. Đặc biệt, cần nghe thêm góp ý của các đối tượng chịu tác động, từ tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân; đến các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia, để khi ban hành luật bảo đảm tính toàn diện, khả thi và có tuổi thọ dài hơn, thống nhất với đề xuất của cơ quan chủ trì thẩm tra cần xem xét, cân nhắc thông qua dự án luật theo quy trình 3 kỳ họp.
* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- bảo đảm đầy đủ khuôn khổ pháp lý để NHCSXH thực hiện tốt hơn vai trò của mình
Thống nhất việc đưa NHCSXH vào dự thảo Luật Các TCTD, và quy định một số nội dung cơ bản tại Điều 17 của dự thảo luật. Điều này là kế thừa quy định về NHCSXH tại luật hiện hành, theo đó, quy định NHCSXH là loại hình TCTD thuộc phạm vi điều chỉnh để khẳng định vị trí pháp lý của tổ chức tín dụng này cụ thể hóa Kết luận 06 năm 2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH.
Trong dự thảo chỉ bổ sung 3 nội dung: NHCSXH được Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; NHCSXH không phải thực hiện dự trữ bắt buộc; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, cơ chế tài chính, tổ chức lại, giải thể và các nội dung khác có liên quan đến NHCSXH thực hiện theo quy định tại điều này và quy định của Chính phủ.
Đề nghị cần quy định một chương riêng đối với loại hình NHCSXH, bảo đảm đầy đủ khuôn khổ pháp lý cũng như tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện tốt hơn vai trò của mình, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bởi, tiền thân của NHCSXH là ngân hàng phục vụ người nghèo, đây là một tổ chức tín dụng đặc biệt của Nhà nước; mô hình tổ chức và phương thức hoạt động đặc thù đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực; thực hiện tốt vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong 20 năm qua, tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đạt gần 298.000 tỷ đồng, tăng 41,9 lần so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,4%. Qua đó nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học…
Đề nghị nghiên cứu bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể, cơ chế chính sách liên quan đến huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tín dụng CSXH, cơ chế trích lập dự phòng rủi ro... để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết; bổ sung, hoàn thiện các quy định về ngân hàng chính sách theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng, có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ các vấn đề về giảm nghèo, an sinh xã hội. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động, tránh ban hành mà không thực hiện được.
B.THANH-N.THANH (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin