Hiệu quả từ các giải pháp phi công trình

12:05, 17/05/2023

Những năm gần đây, khí tượng, thủy văn (KTTV), thiên tai ở Vĩnh Long có nhiều thay đổi, bất thường hơn. Bên cạnh triển khai mạnh mẽ giải pháp công trình, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã linh hoạt áp dụng giải pháp phi công trình đem lại hiệu quả thiết thực trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN), góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Treo pano tuyên truyền về phòng chống thiên tai năm 2022 tại xã Thanh Bình (Vũng Liêm).
Treo pano tuyên truyền về phòng chống thiên tai năm 2022 tại xã Thanh Bình (Vũng Liêm).

(VLO) Những năm gần đây, khí tượng, thủy văn (KTTV), thiên tai ở Vĩnh Long có nhiều thay đổi, bất thường hơn. Bên cạnh triển khai mạnh mẽ giải pháp công trình, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã linh hoạt áp dụng giải pháp phi công trình đem lại hiệu quả thiết thực trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN), góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất trong công tác PCTT, làm sao để mọi người hiểu biết tốt nhất về thiên tai, PCTT từ đó có ý thức tự bảo vệ mình và có trách nhiệm cùng cộng đồng trong PCTT.

Nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên được các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh quan tâm.

Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, UBND tỉnh đã 3 lần ban hành kế hoạch thực hiện đề án này trên địa bàn tỉnh trong 3 giai đoạn năm 2013-2015 và 2016-2020, 2021-2030 và kế hoạch tuyên truyền về Tuần lễ Quốc gia PCTT hàng năm (từ ngày 15-22/5).

Trên cơ sở đó, ban chỉ huy PCTT- TKCN các cấp và ngành chức năng đã triển khai thực hiện, tổ chức các hoạt động như: diễn tập, tập huấn, huấn luyện, văn nghệ hưởng ứng ngày PCTT, tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCTT (treo pano, băng rôn; thông tin, truyền thông qua hệ thống truyền hình, truyền thanh, cơ quan báo chí địa phương và mạng xã hội…), trang bị kiến thức cơ bản cho cán bộ làm công tác PCTT và cho giáo viên, học sinh, một bộ phận nhân dân nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác PCTT, sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai.

Kết quả, trong giai đoạn 2011-2022, có 6.191 lượt người được tập huấn, huấn luyện, trong đó cấp tỉnh có 4.980 lượt người, cấp huyện có 1.211 lượt người. Năm 2022, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin-TT tổ chức hội thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về PCTT và biến đổi khí hậu” có 116 đơn vị đăng ký dự thi với tổng số 3.172 thí sinh dự thi.

Theo đánh giá, đến nay, toàn tỉnh đã có 100% cán bộ trực tiếp làm công tác PCTT được tập huấn nâng cao năng lực, trình độ về PCTT; 68 xã có nguy cơ cao xảy ra thiên tai xây dựng được kế hoạch PCTT, có hệ thống thông tin liên lạc và xây dựng được lực lượng nòng cốt có chuyên môn, nghiệp vụ về giảm nhẹ thiên tai và lực lượng để hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong PCTT; 70% số dân tại 68 xã thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai và 30% các vùng còn lại được phổ biến kiến thức về PCTT; kiến thức phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai được lồng ghép vào chương trình đào tạo của trường học phổ thông và chương trình phát thanh, truyền hình của tỉnh; tỷ lệ dân ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao được di dời theo quy hoạch được phê duyệt đạt 100%.

Chuẩn bị tốt các kế hoạch, phương án ứng phó

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, rút kinh nghiệm từ những năm có thiên tai bất thường như lũ lớn năm 2011, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016, trên cơ sở dự báo sớm của các cơ quan chuyên môn về KTTV, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đều chuẩn bị rất sớm các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai.

Từ đó đề ra các biện pháp phi công trình, công trình cụ thể và là cơ sở huy động các nguồn lực, vật tư, phương tiện để ứng phó, khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.

Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch PCTT ngay từ đầu năm, kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn được ban hành từ cuối năm trước; đối với những năm có thiên tai lớn đều có đề ra phương án ứng phó.

Các kế hoạch, phương án được triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh. Theo đó, các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch riêng.

UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, phương án dài hạn như: Phương án phòng, chống, ứng phó khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, kế hoạch PCTT- TKCN giai đoạn 2021-2025… Đây là công cụ quan trọng để triển khai công tác PCTT hàng năm.

Có thể thấy rõ nhất là nhờ chuẩn bị sớm kế hoạch, phương án ứng phó mà thiệt hại do hạn, mặn gay gắt trong mùa khô năm 2019-2020 giảm đáng kể so với mùa khô năm 2015-2016, hay thiệt hại do triều cường lịch sử năm 2022 giảm nhiều so với triều cường kỷ lục năm 2019.

Hiệu quả của giải pháp phi công trình trong PCTT trong những năm qua khó định lượng bằng những con số, nhưng giải pháp này đã tác động tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người dân, doanh nghiệp trong công tác PCTT, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, góp phần ổn định kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt dự báo, cảnh báo thiên tai

Xác định vị trí quan trọng của công tác dự báo, cảnh báo quyết định phần lớn thành công của công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai, ngành chức năng của tỉnh rất quan tâm công tác này. Trong thời gian qua, tỉnh khai thác tốt các dự báo, cảnh báo KTTV, thiên tai từ các cơ quan chuyên môn KTTV trong và ngoài tỉnh, từ đó thông tin, phổ biến rộng rãi để các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, phương án và huy động các nguồn lực ứng phó hay điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt... phù hợp để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra.

Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã xây dựng 21 công trình dự báo, cảnh báo thiên tai (trạm đo mưa, mực nước, mặn), phối hợp với Đài khí KTTV tỉnh Vĩnh Long quan trắc về KTTV, độ mặn, nguồn nước… Các công nghệ mới, tiên tiến từng bước được áp dụng trong đo đạc, thông báo, dự báo KTTV, thiên tai. Việc dự báo dài hạn (tháng, mùa, năm), dự báo sớm được thực hiện trong nhiều năm qua, kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn và mạng internet), hệ thống chuyển tải nhanh SMS cho 1.792 đầu số điện thoại di động... hỗ trợ rất tích cực cho chính quyền, nhân dân trong PCTT.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh