Giá đất mua bán trên thị trường cao hơn nhiều so với giá đất do UBND tỉnh quy định

Cập nhật, 15:06, Thứ Tư, 17/05/2023 (GMT+7)

(VLO) Theo BCĐ Đề án “Chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản” (BĐS), bước đầu thực hiện đề án đạt kết quả nhất định, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đặt ra nhiều vấn đề phát sinh. Thực hiện đề án chống thất thu thuế, việc thu thuế chuyển nhượng BĐS tăng, nhưng hậu kiểm gặp nhiều khó khăn, như việc thu thập chứng cứ để xử lý vi phạm đối với trường hợp các bên tham gia chuyển nhượng thỏa thuận ghi trong hợp đồng thấp hơn thực tế.

Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng BĐS.

Ngành thuế chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu bộ tiêu chí quản lý phân tích rủi ro; Tổng Cục Thuế chưa có văn bản hướng dẫn quy trình các bước thực hiện hậu kiểm…

Trong khi đó, giá đất mua bán trên thị trường BĐS thực tế cao hơn rất nhiều so với giá đất do UBND tỉnh quy định, nên khi ký hợp đồng chuyển nhượng BĐS thường xảy ra trường hợp bên mua và bán thỏa thuận ghi giá thấp hơn giá thực tế nhằm giảm số tiền thuế, phí phải nộp.

Cụ thể, theo BCĐ đề án, kết quả thực hiện từ 1/6-31/12/2022, trong tổng số 30.423 hồ sơ phát sinh trong kỳ báo cáo, qua phân tích, nhận định có rủi ro 922 hồ sơ.

Qua số lượt hồ sơ có rủi ro qua làm việc đã kê khai bổ sung là 220 hồ sơ cho thấy, chênh lệch tăng doanh thu kê khai lần 2 so với lần 1 trên 71,9 tỷ đồng; chênh lệch tăng doanh thu kê khai bổ sung lần 2 so với bảng giá đất của UBND tỉnh trên 70,1 tỷ đồng và số thuế truy thu trên 1,7 tỷ đồng.

Vì thế, BCĐ đề án cho rằng, để quản lý thuế một cách có hiệu quả đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, ngoài quy định về quản lý thuế cần có quy định đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và công tác phối hợp của các đơn vị liên quan phải được tăng cường.

LÝ AN