Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi

Cập nhật, 10:47, Thứ Năm, 23/03/2023 (GMT+7)
Các công trình cống góp phần ứng phó xâm nhập mặn hiệu quả.
Các công trình cống góp phần ứng phó xâm nhập mặn hiệu quả.

Theo ngành chức năng, việc hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt đã góp phần hạn chế thiệt hại đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cung ứng nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trải qua những thiệt hại nặng nề từ đợt hạn mặn lịch sử của mùa khô năm 2015- 2016, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng thành công các kịch bản ứng phó với diễn biến xâm nhập mặn theo từng cấp độ khác nhau, trong đó có cả giải pháp công trình và phi công trình.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ Trung ương và địa phương trong mùa khô năm nay, nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt được đầu tư đã phát huy hiệu quả rõ rệt, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nông dân ngay trong giai đoạn đang bước vào cao điểm mùa khô.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, để ứng phó với hạn, mặn, ngành nông nghiệp đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan, địa phương để thực hiện các dự án, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Tại các khu vực bị ảnh hưởng mặn, tập trung công tác quản lý vận hành công trình kết hợp nạo vét công trình thủy lợi để tiếp nước ngọt và bơm tát chống hạn do thiếu nguồn nước.

5 năm một lần, vào thời điểm vừa thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, bà con nông dân ở ấp Hồi Lộc (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) rất phấn khởi vì được tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện nạo vét các tuyến kênh nội đồng kết hợp nâng cấp các đoạn đê bao.

Điều này đã giúp cho bà con bảo vệ an toàn diện tích lúa Hè Thu không bị ảnh hưởng trong các đợt cao điểm của khô hạn và mặn xâm nhập.

Chú Nguyễn Văn Tươi- xã Xuân Hiệp cho hay: “Nhờ có kênh được nạo vét mà nước thoát nhanh, nước mặn không xâm nhập được, lúa được bảo vệ tốt”.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hiệp cho biết: Toàn xã hiện nay đã khép kín kênh nội đồng, đê bao vườn đạt gần 100%. Những tuyến đã làm rồi đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao.

Theo ngành chức năng, hệ thống công trình thủy lợi hoàn chỉnh được xem là cơ sở hạ tầng quan trọng đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân nhất là trong thời điểm hạn, mặn diễn biến phức tạp, thời gian qua, tỉnh luôn tập trung đầu tư nâng cấp, xây mới nhiều công trình thủy lợi.

Riêng trong năm nay, ngoài đề nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT hỗ trợ kinh phí hơn 405 tỷ đồng thực hiện 2 dự án thủy lợi tại cồn Thanh Long (huyện Vũng Liêm) và đê bao dọc sông Cổ Chiên (huyện Mang Thít) còn bố trí kinh phí hơn 37 tỷ đồng thực hiện 30 công trình thủy lợi và tu sửa cống bộng dẫn nước, trữ ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn.

Tại Vũng Liêm, bên cạnh sự chủ động ứng phó hạn mặn của người dân thì các công trình thủy lợi cũng đã phát huy hiệu quả.

Theo đó, nhiều người dân tại xã Thanh Bình, Quới Thiện cho hay, hệ thống cống khu vực 2 xã đã gần như hoàn chỉnh, vận hành kịp thời trữ nước ngọt để cho người dân an tâm sản xuất.

Anh Lê Thanh Phong- Trưởng ấp Phước Thạnh (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) cho biết: Cây sầu riêng rất nhạy cảm với nước mặn.

Các hệ thống thủy lợi đã đầu tư vận hành đồng bộ và hiệu quả, giúp bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.
Các hệ thống thủy lợi đã đầu tư vận hành đồng bộ và hiệu quả, giúp bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.

Độ mặn 1‰ đã làm cho cây bị ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí làm chết cây. Giai đoạn hiện nay, nhiều vườn sầu riêng đang cho trái, ra hoa cần rất nhiều nước.

Do đó, các công trình cống ngăn mặn kịp thời xây dựng đưa vào sử dụng giúp nông dân giảm chi phí rất lớn trong sản xuất.

Nông dân có thể lấy nước ngọt trữ lại trong mương vườn để tưới cho cây, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tưới tiết kiệm nước, giúp nông dân giảm chi phí, vườn cây được chăm sóc tốt trong mùa hạn mặn.

Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm cho hay: Địa phương tập trung vận động nạo vét tuyến kênh nội đồng, mương ao vườn để trữ được nước ngọt trong mùa khô và kết hợp việc vận hành đồng bộ và hiệu quả các hệ thống thủy lợi đã đầu tư trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: “Trước đây chúng ta có công trình đê bao chống lũ, thì hiện nay chúng ta có những công trình cống để ngăn mặn, giữ ngọt, giúp bảo vệ đất sản xuất.

Khu vực bên trong các công trình ngăn mặn đã chủ động trữ nước ngọt phục vụ cho đời sống, sản xuất của người dân”.

Có thể thấy, giải pháp công trình thủy lợi ứng phó với hạn, mặn đã phát huy được hiệu quả. Ngoài những công trình, dự án phòng, chống xâm nhập mặn đã, đang và sắp được triển khai, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kịch bản mang tính thích ứng lâu dài với hạn, mặn theo từng thời điểm khác nhau; trong đó, ưu tiên cho giải pháp khống chế mặn, tăng năng lực trữ ngọt để ứng phó với xu thế hạn mặn mùa khô đang có những biểu hiện gay gắt, khó lường hơn theo từng năm.

Bài, ảnh: TRÀ MY