Đề phòng xâm nhập mặn trong những ngày Tết

Cập nhật, 09:56, Thứ Ba, 17/01/2023 (GMT+7)

 

Cần theo dõi chặt chẽ độ mặn trong những ngày đón Tết để lấy nước tưới phù hợp.
Cần theo dõi chặt chẽ độ mặn trong những ngày đón Tết để lấy nước tưới phù hợp.

 

Ở các tỉnh Nam Bộ, những ngày Tết Nguyên đán hàng năm là thời kỳ đầu mùa khô, nước thượng nguồn về giảm và thường chịu tác động của kỳ triều cao 30 tháng Chạp, riêng các tỉnh miền Tây Nam Bộ còn chịu gió chướng nên mặn từ phía biển xâm nhập sâu vào đất liền gây ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn nước sinh hoạt.

Tại Vĩnh Long, những năm gần đây thường ghi nhận mặn xâm nhập đến sớm, trong tháng 1, tháng 2, nên các ngày Tết Nguyên đán đều bị ảnh hưởng.

Cụ thể: trong mùa khô năm 2019 - 2020 (năm xâm nhập mặn cao kỷ lục), mặn xuất hiện rất sớm vào ngày 8 - 9/12/2019, độ mặn 3,5‰ đã ghi nhận ở huyện Vũng Liêm (cách cửa biển khoảng 60km). Trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý (từ ngày 21 - 29/1/2020), độ mặn ở huyện Vũng Liêm và Trà Ôn lên rất cao: tại cống Nàng Âm 9,8‰, Quới An 6,1‰ và Tích Thiện 6,5‰.

Còn dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, độ mặn cao nhất xuất hiện vào ngày 9/2/2021 (nhằm ngày 28 tháng Chạp) tại cống Nàng Âm lên mức 1,8‰, vàm Quới An 0,6‰, vàm Trà Ôn 0,2‰, Tích Thiện 0,6‰ và tại vàm Cái Muối 0,2‰.

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mùa khô năm nay xâm nhập mặn không gay gắt như những năm cực đoan 2015 - 2016 và 2019 - 2020 do một phần ảnh hưởng của hiện tượng La Nina (pha lạnh).

Tuy nhiên, khả năng mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện thượng nguồn. Tháng 1, tháng 2, mặn với nồng độ 4‰ ở các vùng ven sông Tiền, sông Hậu có thể xâm nhập sâu 45 - 55km; nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50 - 60km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Vì vậy, các địa phương trong tỉnh không nên lơ là, chủ quan, cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của triều cường, xâm nhập mặn trên các sông, kinh, rạch tại địa bàn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, để thông tin kịp thời đến xã, phường, thị trấn và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân cần quan trắc nguồn nước trước khi quyết định chế độ lấy nước phù hợp, tránh để cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại trong những ngày vui Xuân đón Tết.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH