Thúc đẩy phát triển đô thị bền vững

Cập nhật, 05:44, Thứ Sáu, 02/12/2022 (GMT+7)
Hạ tầng đô thị được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hạ tầng đô thị được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

(VLO) Trong khuôn khổ Hội nghị Đô thị (ĐT) toàn quốc năm 2022, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức 3 hội thảo chuyên đề về phát triển ĐT bền vững nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch (QH), xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06) và triển khai Nghị quyết số 148 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06.

Tính đến hết tháng 10/2022, toàn quốc có 888 ĐT, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước. Trong đó có 2 ĐT loại đặc biệt, 22 ĐT loại I, 33 ĐT loại II, 47 ĐT loại III, 94 ĐT loại IV và các ĐT loại V.

Tỷ lệ ĐT hóa cả nước hiện ước đạt khoảng 41%. Khu vực ĐT đã và đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm cũng là nơi tập trung nhiều ĐT lớn, chỉ tính riêng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hàng năm đã đóng góp khoảng 50% tổng thu ngân sách cả nước.

Tại hội thảo chuyên đề 1 “Nâng cao chất lượng QH ĐT hướng đến phát triển bền vững”, Chủ tịch Hội QH phát triển ĐT Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hệ thống ĐT Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, ĐT hóa và phát triển ĐT vẫn còn hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức.

Trong đó, tỷ lệ ĐT còn thấp, phát triển ĐT còn dàn trải, gây lãng phí về đất đai. Hạ tầng ĐT chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực ĐT. Các mô hình ĐT phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều…

Ở địa phương, chất lượng đồ án QH ĐT còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn, dự báo còn thiếu tính khoa học và khả thi…

Theo đó, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, cần phân tích, đánh giá và tìm ra những giải pháp chủ yếu cho công tác lập QH, xây dựng, quản lý và phát triển ĐT bền vững theo quan điểm và tinh thần của Nghị quyết số 06.

Bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Nghị quyết số 06 và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 06 chính là những bước đầu tiên, có tính định hướng quan trọng trong thời gian tới. Cần nhận thức đúng, đầy đủ về các nội dung chỉ đạo, định hướng này và tiếp tục xác định các nhiệm vụ, giải pháp, cách thức tổ chức và các việc cụ thể cần triển khai để thực hiện tốt mục tiêu đã được đặt ra.

Tại hội thảo chuyên đề 2 “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết ĐT”, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, ngành xây dựng đã tập trung quan tâm công tác quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về QH, đầu tư xây dựng và khai thác quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật ĐT được chú ý, hoàn thiện phù hợp giai đoạn phát triển.

Trong các đồ án QH ĐT, nội dung hạ tầng kỹ thuật cũng đã từng bước được chú ý. Đặc biệt, công tác đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật đã được các cấp từ Trung ương đến chính quyền ĐT quan tâm.

Còn tại hội thảo chuyên đề 3 “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển ĐT”, bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết: Tại Việt Nam, các cấp, các ngành, các địa phương đang quyết liệt hành động để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tiếp tục tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030).

Trong đó, phát triển ĐT trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước, với trên 70% GDP.

Theo bà Nguyễn Phương Thủy, những kết quả đạt được trong phát triển ĐT là do thể chế chính sách về QH, phát triển ĐT ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ hơn.

Nhiều luật có liên quan tới công tác quản lý phát triển ĐT cùng với hệ thống các văn bản dưới luật được ban hành đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương quan điểm chỉ đạo của Đảng và tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác QH, đầu tư và phát triển ĐT.

Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về phát triển ĐT cũng vẫn còn những hạn chế như chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nhất là về QH, phân loại ĐT, cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng và mô hình chính quyền ĐT, mô hình liên kết và quản trị vùng ĐT.

Thông qua các hội thảo chuyên đề, hội nghị thu nhận các ý kiến thiết thực và hiệu quả, gợi mở tháo gỡ những bất cập, hạn chế trong phát triển ĐT, tạo cơ sở, căn cứ để nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống ĐT bền vững, phù hợp với đặc điểm của các vùng miền, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cuộc sống ĐT ngày càng cao của người dân cả nước.

Đến nay, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật ĐT đã được cải thiện đáng kể góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư ĐT cả nước. Trong đó, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng ĐT dao động từ 10% đến trên 20%. Cả nước có trên 750 hệ thống cấp nước ĐT với tổng công suất theo thiết kế đạt khoảng 11,6 triệu m3/ngày đêm (tăng 5,4 triệu m3/ngày đêm so năm 2010); tỷ lệ dân cư ĐT được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 92% (tăng 16% so năm 2010)… Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ĐT đạt khoảng 91%. Cả nước có khoảng 50 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ĐT tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 9.500 tấn/ngày. Hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đáp ứng bình quân khoảng 64% nhu cầu thoát nước của các ĐT…

Bài, ảnh: SÔNG HẬU