Các mô hình khí tượng nhiều quốc gia cho thấy khoảng đầu tháng 12 miền Nam khả năng đón một cơn bão có cường độ mạnh. Dự báo bão sẽ đi vào khu vực Nam Bộ.
Cơn bão dự báo sẽ ảnh hưởng đến Nam Bộ vào đầu tháng 12 - Ảnh: WINDY |
Các mô hình khí tượng nhiều quốc gia cho thấy khoảng đầu tháng 12 miền Nam khả năng đón một cơn bão có cường độ mạnh. Dự báo bão sẽ đi vào khu vực Nam Bộ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết mô hình dự báo của Úc, Nhật đều có nhận định về cơn bão này.
Theo bà Lan, cơn bão xuất phát điểm từ phía đông của Philippines rồi vào Biển Đông, sau đó di chuyển theo hướng tây hướng về đất liền Nam Bộ. Thời điểm này không khí lạnh sẽ suy yếu khiến bão đổi hướng di chuyển thành tây tây bắc đi chếch lên một chút so với hướng di chuyển ban đầu.
"Về thời điểm xuất hiện, bão có nét tương đồng với cơn bão Durian xảy ra vào năm 2006 nhưng hướng di chuyển có chút khác biệt. Bão Durian từ miền Trung của Philippines đi ngang qua đảo Phú Quý, Bình Thuận rồi dọc theo đó xuống Nam Bộ. Còn cơn bão sắp tới khả năng sẽ đi trực diện vào", bà Lan phân tích.
Bà Lan cảnh báo thêm cơn bão này trước khi ảnh hưởng đến Nam Bộ thì tác động mạnh đến khu vực phía đông đông nam quần đảo Trường Sa. Thời điểm hiện tại nơi đây đang tập trung nhiều tàu cá hoạt động đánh bắt và trú gió mùa đông bắc, do đó người dân phải theo dõi thường xuyên.
"Từ nay đến thời điểm bão vào gần Nam Bộ còn hơn một tuần, diễn biến bão còn có thể thay đổi do các tác động thời tiết nên cần theo dõi thêm. Tuy nhiên khả năng cơn bão này ảnh hưởng đến Nam Bộ là rất cao, dù không phải siêu bão nhưng đây là cơn bão mạnh", bà Lan nói thêm.
Ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cũng xác nhận dự báo sẽ có cơn bão trên. Tuy nhiên do thời điểm bão xuất hiện còn xa, dự báo vẫn còn phân tán chưa thống nhất được hướng di chuyển, vùng ảnh hưởng.
Mùa mưa năm nay tại Nam Bộ dự báo sẽ kết thúc vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Tuy nhiên theo dự báo của các cơ quan khí tượng trên thế giới, trạng thái La Nina (pha lạnh gây mưa nhiều) đang hoạt động và tiếp tục kéo dài đến tháng 2-2023 với xác suất trên 90%. Sau đó, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, khả năng chuyển sang pha trung tính.
Do đó dù kết thúc mùa mưa nhưng mưa vẫn không dứt ngay, mà còn một số đợt mưa xảy ra, đây là mưa trái mùa (hay mưa trong mùa khô). Dự báo năm nay mưa trái mùa tại Nam Bộ sẽ nhiều.
Trạng thái La Nina duy trì cũng chính là nguyên nhân xuất hiện các cơn bão muộn cuối năm hoặc đầu năm.
Theo LÊ PHAN/Tuổi Trẻ online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin