Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới

Cập nhật, 12:55, Thứ Ba, 22/11/2022 (GMT+7)

 

Nụ cười Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nụ cười Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Từ năm 1940, khi tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long, rồi Khu ủy Tây Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định rồi TP Hồ Chí Minh, cho đến khi giữ cương vị Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có nhiều đóng góp to lớn, cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đưa sự nghiệp cách mạng của cả nước giành những thắng lợi to lớn, vẻ vang như hôm nay.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là từ khi đất nước thống nhất, trong những bước đi đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đối mặt với muôn vàn thử thách, khó khăn, trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có nhiều đóng góp đổi mới, quan trọng, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng khoảng.

Trong 10 năm đầu giải phóng, tình hình kinh tế của TP Hồ Chí Minh lâm vào khủng hoảng, dân đói, lạm phát phi mã, sản xuất đình trệ. Đồng chí Võ Văn Kiệt - khi đó là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy, đã giải quyết hàng loạt vấn đề mang tính trước mắt của thành phố, nhưng cũng vừa mang tầm chiến lược của quốc gia.

Theo đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tập trung lo “chạy gạo” cho dân, tìm mọi cách cải thiện đời sống nhân dân. Một mặt, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo thành phố gặp gỡ trao đổi với ông Lữ Minh Châu (Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh), bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Ngọc Ẩn (Giám đốc Sở Tài chính),… đồng thời giao nhiệm vụ xuống các tỉnh ĐBSCL mua lúa theo sát giá thị trường (bấy giờ Nhà nước áp giá là 5,2 hào/kg, trong khi thị trường lúa bán là 1,5 đ/kg, nên dân không chịu bán cho Nhà nước).

Trên cương vị lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt trực tiếp ra Trung ương báo cáo, thuyết phục Bộ Chính trị; Tổng Bí thư Lê Duẩn đã ủng hộ cách làm về việc điều chỉnh giá. Với đóng góp lớn này, đồng chí không chỉ được gọi là “Chủ tịch gạo”, mà còn góp phần từng bước xóa bỏ cơ chế thu mua bất hợp lý, xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ” giữa các địa phương, tạo sự vận hành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Đi sâu tìm hiểu và đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp quốc doanh, cởi trói cho lực lượng sản xuất, góp phần quan trọng về cơ sở thực tiễn để Trung ương Đảng đưa ra chủ trương. Bài học về sức mạnh dân tộc càng thấm sâu vào máu thịt của đồng chí: “Còn dân là còn tất cả. Có dân sẽ làm nên tất cả”, ngược lại, “nếu Đảng xa dân thì đó là một nguy cơ”.

Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và các nhà khoa học bàn về thủy lợi cho cả ĐBSCL.Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và các nhà khoa học bàn về thủy lợi cho cả ĐBSCL.Ảnh: TTXVN

Trong tình trạng các xí nghiệp quốc doanh ở TP Hồ Chí Minh đều “ngắc ngoải”, không có đường ra, nhiều giám đốc doanh nghiệp trăn trở muốn đề đạt ý kiến, Bí thư Thành ủy - Võ Văn Kiệt thành lập “CLB giám đốc”, quy tụ các giám đốc, bí thư tổ chức Đảng, phụ trách công đoàn các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh do ông Võ Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm Chủ nhiệm. CLB đã đóng góp những thực tiễn quan trọng để hình thành tư duy đổi mới.

Bí thư Thành ủy - Võ Văn Kiệt còn được nhắc đến là người dám sử dụng đội ngũ trí thức của chế độ cũ. “CLB thứ sáu” có đến 25 người, trong đó có những người đã làm Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa như TS Nguyễn Xuân Oánh, TS Nguyễn Văn Hảo,… để lập Tổ cố vấn, tư vấn cho Thành ủy và Bí thư Thành ủy. Thái độ “dám nghe” và bình tâm suy xét thấu đáo, cũng như dám sử dụng những người từng ở “phía bên kia” để cố vấn, tư vấn cho mình lại càng không dễ dàng nhưng Bí thư Võ Văn Kiệt đã làm được. Đó chính là cái Tâm, cái Tầm của một người cộng sản đã lĩnh hội sâu sắc tư tưởng vì nước, vì dân của Bác Hồ.

Năm 1979, BCH Trung ương 6 khóa IV đã chỉ đạo cho “sản xuất bung ra”, mở đầu dấu mốc tư duy lý luận của Đảng về tìm tòi, khảo nghiệm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nhưng đó cũng là lúc, nhiều ngành sản xuất của TP Hồ Chí Minh đang lâm vào đình đốn vì thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, vật tư,… Ngân hàng Ngoại thương thì lại bị ứ đọng vốn, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo các ngân hàng thành phố nghiên cứu cho vay vốn sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất, có hàng hóa phục vụ nhân dân, kinh tế dần khởi sắc, đời sống dần được cải thiện.

Từ năm 1982 - 1997, đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu vào Bộ Chính trị, đảm đương cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ từ năm 1991 - 1997.

Chặng đường đầu trước khi đổi mới, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, lạm phát phi mã (đến 774 %/năm); nạn thiếu đói khá nghiêm trọng; bất ổn định trong đời sống chính trị - xã hội; đất nước bị bao vây cấm vận; tác động bất lợi từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã cùng lãnh đạo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, dưới ánh sáng chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đồng chí Võ Văn Kiệt đi tiên phong trong việc phá thế bị bao vây, cấm vận, đưa Việt Nam hội nhập với thế giới, mở đường cho quá trình chuyển biến của Việt Nam từ tình trạng bị cô lập sang một thời kỳ quan hệ ngày càng rộng mở với bạn bè quốc tế.

Khi là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đưa ra ý kiến cần thiết “cải tiến quản lý, phá vỡ lối hành chính, quan liêu, bao cấp thật mạnh mẽ”. Đó là những đóng góp thiết thực trong giai đoạn “tiền đổi mới” với tư duy vừa làm vừa tìm tòi, vừa rút kinh nghiệm, đã góp phần từng bước hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới. Từ năm 1986, toàn Đảng, toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng - an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế (trong đó có mở ra quan hệ với Mỹ từ năm 1995).

Nói về Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã đánh giá: “Ông Võ Văn Kiệt là người đóng vai trò động lực trong công cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam khởi đầu hồi cuối những năm 1980, và đã mở đường cho quá trình chuyển tiếp của Việt Nam từ tình trạng nghèo khổ sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng”.

Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU