Đề nghị quan tâm mở rộng chính sách hưu trí xã hội toàn dân

02:10, 25/10/2022

Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp về kết quả thực hiện của Chính Phủ.

 

 

Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp về kết quả thực hiện của Chính Phủ.

Vào những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, bằng nhiều giải pháp tài khóa, tiền tệ, và gói hỗ trợ an sinh xã hội của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương trên cả nước đã nỗ lực kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19, đưa nền kinh tế bước vào quỹ đạo phục hồi, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng trở lại. Kết quả 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm 2022 Việt Nam tăng 2 bậc, đứng vị trí 77 các quốc gia hạnh phúc trên thế giới.

Từ thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, tôi xin đề cập đến một số vấn đề còn thấy trăn trở, đề xuất Trung ương có giải pháp tập trung tháo gỡ trong giai đoạn hiện nay như sau:

Trên lĩnh vực kinh tế: Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ quản tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, tình hình lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam, để xây dựng kịch bản điều hành giá cả phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Chú trọng đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để kịp thời có giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, nhằm chủ động, linh hoạt trong điều hành bình ổn giá, nhất là giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giá điện, xăng dầu nhằm thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững, đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Về phát triển kinh tế vùng, cấp ủy, chính quyền và cử tri ĐBSCL vô cùng phấn khởi khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để hiện thực hóa nhanh nhất, hiệu quả nhất Nghị quyết 13, đề nghị Chính phủ, Bộ GT - VT tiếp tục rà soát, đánh giá, căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các tỉnh ĐBSCL, để tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông vùng, từ đó ưu tiên huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm cơ cấu lại thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển.

Ngoài ra, hiện nay du lịch cộng đồng ở các tỉnh ĐBSCL đang có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh với nhiều mô hình đa dạng, hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch của quốc gia và người dân tại các địa phương. Song nhìn chung đến nay, loại hình này vẫn đang tồn tại ở dạng tiềm năng, chưa có đủ sự tự tin để phát triển như một loại hình mới vì chưa được hoạch định, quản lý, khai thác bài bản, thực tế đã xuất hiện tình trạng tự phát làm du lịch... Vì thế, đề nghị ngành chủ quản tiếp tục nghiên cứu đề ra thêm nhiều giải pháp khả thi giúp ngành du lịch các địa phương quản lý, khai thác có hiệu quả để loại hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững, chất lượng đóng góp vào mục tiêu phát triển ngành du lịch quốc gia thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trên lĩnh vực xã hội: Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp; những tác động tiêu cực của xã hội hậu COVID-19 đã làm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tâm lý người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương. Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm mở rộng chính sách hưu trí xã hội toàn dân, để trong trường hợp có các cú sốc hoặc rủi ro thì các chương trình an sinh này sẽ được kích hoạt để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, đảm bảo tất cả các nhóm đối tượng đều được thụ hưởng, nhất là nhóm người hết tuổi lao động, mất sức lao động, người cao tuổi… để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xã hội hóa, cơ chế tự chủ tài chính, cơ chế đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng như sớm triển khai các cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân người lao động, khắc phục nhanh nhất tình trạng cán bộ y tế, giáo dục khu vực công xin nghỉ việc, thôi việc (từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã có trên 39.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục... là con số quá lớn trong một giai đoạn ngắn sau đại dịch). Đồng thời, giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

TÂM HUỲNH (ghi)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh