Nơm nớp nỗi lo sạt lở bờ sông

Cập nhật, 08:15, Thứ Sáu, 22/07/2022 (GMT+7)

 

Điểm sạt lở tại Vũng Liêm dài hơn 40m.
Điểm sạt lở tại Vũng Liêm dài hơn 40m.

Những năm gần đây, người dân sinh sống dọc các con sông trên địa bàn tỉnh rất lo lắng trước tình trạng sạt lở xảy ra liên tục và có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, có một số điểm sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào nhà dân, đất sản xuất, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản và đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân.

Bất an bên bờ sông sạt lở

Nhiều người dân sống ven sông cho hay, không chỉ ở các tuyến sông lớn xảy ra sạt lở mà thời gian gần đây các tuyến sông nhánh, sông nhỏ cũng sạt lở ngày càng nhiều hơn. Đáng nói là, đang vào mùa mưa nên sạt lở ngày càng nghiêm trọng và ở mức báo động. Theo đó, có nhiều điểm sạt ăn sâu vào đất liền, nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Mới đây, vào khoảng 2 giờ ngày 17/7, trên tuyến sông Vũng Liêm, thuộc Tổ 7, ấp Trung Tín, thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm) đã xảy ra một điểm sạt lở dài 40m, rộng 4- 7m, sâu đến 12m. Đoạn sạt lở đã làm ảnh hưởng đến 4 hộ dân, với 21 nhân khẩu, gây thiệt hại đoạn đường đan dài 40m, rộng 1,5m, thiệt hại bờ kè do dân tự xây dựng tại vị trí đoạn sạt lở (bị lật ra sông); làm trôi mất 50 con gà thịt. Sự cố không gây thiệt hại về người, nhưng đoạn sạt lở trên đã cắt đứt giao thông nội bộ trong khu vực, ước tổng thiệt hại trên 230 triệu đồng.

Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng của điểm sạt lở trên, bà Lê Thị Tuyết Mai, 70 tuổi, cho hay: “Tôi sống ở ven sông này gần 50 năm rồi nhưng chưa bao giờ xảy ra sạt lở nghiêm trọng như vầy. Sạt lở lúc nửa đêm nên trở tay không kịp. Lúc đầu chỉ lở tuyến đường đan trước nhà, hôm sau đã lở đến sân, mà còn có thể sạt lở tiếp. Tôi lo quá”.

Nhà cạnh bên, sạt lở đã “nuốt” 50 con gà xuống sông, cô Tạ Thị Năm, cũng bày tỏ: “Nửa đêm nghe mọi người kêu, tôi chạy ra thì hoảng hồn, chuồng gà 50 con đã “lặn” không thấy tăm hơi, đường đan cùng một số cây ăn trái lớn cũng trôi theo dòng nước. Tôi cũng đã di dời đồ đạc ra tuốt phía sau nhà, nhưng vẫn nơm nớp lo
sạt lở tiếp”.

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua xác định sơ bộ, nguyên nhân khiến xảy ra sạt lở trên tuyến sông Vũng Liêm do đây là đoạn sông cong, dòng nước tác động trực tiếp vào bờ tạo hàm ếch, gây sạt lở. Hiện tại, sát hành lang nhà dân đã xuất hiện các vết nứt, có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

Còn tại Mang Thít, chỉ trong vòng 1 tuần từ 11- 18/7, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 150m. Cụ thể, tại ấp Tân An- xã Chánh An, đã xảy ra điểm sạt lở trên tuyến đê bao sông Măng dài 40m, rộng 10m, sâu 7m; tại vàm Ngọc Sơn Quang- ấp An Hội, xã Tân An Hội xảy ra điểm sạt lở 70m, rộng 6m. Mới đây nhất là vào lúc 2 giờ đêm 18/7, xảy ra điểm sạt lở tại hộ ông Bùi Văn Tấn, ấp Thanh Phong, xã Tân Long Hội, chiều dài 35m, rộng 8m, sâu 4- 6m.

Chung tay hỗ trợ khắc phục sạt lở

Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, cho hay: Sau khi xảy ra sạt lở, Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với các xã đã đến hiện trường, hướng dẫn di chuyển người dân và tài sản đến nơi an toàn; lắp đặt cảnh báo giao thông và rào chắn. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp- PTNT và đơn vị thi công, khảo sát tình hình đề xuất giải pháp khắc phục bảo vệ sản xuất và lưu thông cho người dân.

Ngành chức năng tiến hành khảo sát, đo đạc để đề ra biện pháp xử lý, khắc phục.
Ngành chức năng tiến hành khảo sát, đo đạc để đề ra biện pháp xử lý, khắc phục.

Tại điểm sạt lở ở thị trấn Vũng Liêm, ông Tạ Văn Rỗi- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũng Liêm, cho biết: Địa phương cùng ngành chức năng đã khẩn trương thực hiện phương châm “4 tại chỗ” huy động lực lượng hỗ trợ người dân tháo dỡ mái nhà, hàng rào, di dời đồ đạc vật dụng đến nơi an toàn. Đồng thời, thông báo cho người dân trong khu vực biết về tình hình sạt lở và thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở tại khu vực này để có biện pháp ứng phó kịp thời. Vận động người dân không ở lại các ngôi nhà trong phạm vi sạt lở vì rất nguy hiểm (nhất là vào ban đêm). Làm rào chắn hai đầu đoạn sạt lở nhằm cắt giao thông đoạn này không để người dân và phương tiện lưu thông qua lại, đồng thời cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm.

“Trước tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, thị trấn rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành bổ sung kinh phí để địa phương tiếp tục xây dựng công trình kè chống sạt lở, giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống”- ông Tạ Văn Rỗi kiến nghị.

Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm- Lê Thị Thanh Vân, cho hay: “Sạt lở ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của 4 hộ dân, cũng như việc đi lại và sản xuất của 16 hộ dân trong khu vực. Để tiến hành khắc phục trong thời gian sớm nhất, Phòng Nông Nghiệp- PTNT huyện đã cho đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế, lập tờ trình xin chủ trương của UBND huyện, triển khai gia cố bằng cơ giới”.

Điểm sạt lở có dấu hiệu sạt lở tiếp.
Điểm sạt lở có dấu hiệu sạt lở tiếp.

Đối với điểm sạt lở tại sông Vũng Liêm, ông Lưu Nhuận, cho biết: “Sau khi sạt lở xảy ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát vị trí sạt lở để xác định mức độ thiệt hại, qua đó đề ra biện pháp xử lý.

Đồng thời, khuyến cáo người dân tháo dỡ, di dời vật kiến trúc trong phạm vi sạt lở để giảm tải; tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở; không nên gia cố khắc phục ngay tại thời điểm này vì sạt lở vẫn còn đang tiếp diễn. Đồng thời, tại các điểm xảy ra sạt lở trên địa bàn tỉnh, tổ chức khảo sát hiện trạng khu vực sạt lở, đề ra giải pháp khắc phục và thực hiện các thủ tục cần thiết. Trước mắt sẽ tập trung rà soát, tư vấn khảo sát, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Bài, ảnh: THẢO LY