Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) chính thức đi vào hoạt động và vận hành theo hình thức cuốn chiếu, xây dựng xong đến đâu bàn giao để tiếp nhận bệnh nhân điều trị đến đấy.
Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) chính thức đi vào hoạt động và vận hành theo hình thức cuốn chiếu, xây dựng xong đến đâu bàn giao để tiếp nhận bệnh nhân điều trị đến đấy.
Bên trong bệnh viện dã chiến xây cấp tốc trên đầm lầy vừa đi vào hoạt động
Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) chính thức đi vào hoạt động và vận hành theo hình thức cuốn chiếu, xây dựng xong đến đâu bàn giao sử dụng đến đấy. Hiện bệnh viện tiếp nhận 2 block nhà và đang điều trị cho 100 bệnh nhân Covid-19 trung bình đến nặng.
Theo kế hoạch ban đầu, nơi đây sẽ tiếp nhận điều trị F0 nhẹ. Sau khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM diễn biến phức tạp, bệnh viện dã chiến số 13 nâng cấp điều trị từ cấp 3 đến cấp 5, trang thiết bị bên trong được điều chỉnh để phục vụ công tác cứu chữa.
Trong khu điều trị các giường bệnh bố trí thông thoáng, không vách ngăn và không dùng hệ thống điều hòa vì sẽ làm cho các luồng khí mang virus không được đối lưu, thông thoáng… Bệnh viện thay đổi toàn bộ quạt trần, thay vào đó là hệ thống hút, dẫn thoát khí về trung tâm.
TS-BS Lưu Quang Thùy (mặc áo xanh), Phó giám đốc trung tâm Gây mê - Hồi sức bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Bệnh viện hiện bố trí 500 giường gồm 200 giường vừa thở máy ô-xy xâm nhập, vừa thở máy ô-xy tầm cao, 200 giường thở oxy tầm thấp, 100 giường chuẩn bị cho bệnh nhân sắp xuất viện. Bệnh viện chủ yếu nhận bệnh nhân từ Trung tâm cấp cứu 115 hoặc từ các Trung tâm y tế do Sở Y tế TPHCM điều phối".
Hiện bệnh viện tiếp nhận 2 block nhà và đang điều trị cho 100 bệnh nhân nặng. Trong vài ngày tới, bệnh viện sẽ nhận bàn giao thêm block thứ 3.
GS- TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "11h trưa ngày 11/8, TPHCM chính thức bàn giao bệnh viện dã chiến số 13 cho 300 y bác sĩ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Từ 14h cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19. Hiện nay, số mặt sàn khu điều trị công suất tiếp nhận 500 bệnh nhân, thực tế tiếp nhận được 2 block nhà với khoảng 100 bệnh nhân, các block vừa bàn giao đang bố trí thiết bị y tế, block nào xong sẽ đưa vào phục vục công tác điều trị ngay".
Bệnh viện số 13 hiện đang có 40 máy thở, 30 máy thở ô-xy tầm cao. Hiện tại, do bệnh viện đang trong quá trình tiếp nhận và bàn giao các khu điều trị nên cứ 10 bệnh nhân có trung bình 18 nhân viên y tế phục vụ.
Lực lượng y tế đang cố gắng chữa trị tốt nhất cho các bệnh nhân đang thở máy để các bệnh nhân cai dần, giảm áp lực về máy thở. Trung bình, cứ 35 bệnh nhân thở tầm cao thì có 10 bệnh nhân hôn mê, phải đặt nội khí quản, chủ yếu rơi vào nhóm bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền.
Theo bác sĩ Trần Bình Giang, bệnh viện hiện có một bình chứa 20 tấn oxy lỏng, nếu hóa khí sẽ là 13 triệu lít khí. Mỗi bệnh nhân thở oxy tầm cao tiêu thụ 70 lít/phút, thở máy tiêu thụ 150 lít/phút. Thời gian tới, bệnh viện sẽ nâng số bình chứa lên để đạt 40 tấn ô-xy lỏng, 3 ngày bổ sung một lần, dự kiến đạt công suất 26 triệu tấn khí oxy.
Theo các nhân viên y tế tại khu C (Khu điều trị bệnh nhân nặng) cho biết, một số bệnh nhân trẻ, nhiều trường hợp tụt nồng độ oxy trong máu rất nhanh, thấy rất khỏe nhưng khi đứng dậy đi vài bước là xỉu.
Nhiều bệnh nhân độ tuổi trên dưới hai mươi nhưng do cơ địa yếu, chưa tiêm vắc xin hoặc mũi một quá gần ngày mắc nên kháng thể chưa đủ chiếm lượng không ít.
Bác sĩ Lê Nhật Huy, chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Hiện tại lực lượng bác sĩ chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm không nhiều. Lực lượng ở đây đa phần huy động các anh chị đến từ ngoại thần kinh, ngoại cột sống, ngoại chấn thương...".
"Môi trường điều trị này quan trọng nhất là nước và điện giải. Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng khi mà khứu giác và vị giác một số bệnh nhân bị mất nên việc động viên bệnh nhân cố gắng ăn, bổ sung dinh dưỡng là rất quan trọng. Chúng tôi có điều hai bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, một giám sát chế độ ăn cho bệnh nhân, một lo dinh dưỡng cho bác sĩ", bác sĩ Huy nói thêm.
Các y bác sĩ điều trị luôn ý thức một điều rằng bệnh nhân mắc Covid-19 đều cảm thấy rất cô đơn vì không có người thân bên cạnh. Chính vì thế, sự quan tâm, chăm sóc, động viên, biến mình thành người thân của bệnh nhân sẽ là liều thuốc tinh thần quan trọng.
"Những ngày qua ở đây tôi nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ, suốt 24/24h khi mình cần gì thì giơ tay là bác sĩ sẽ thấy, mọi việc cũng đều được hỗ trợ, muốn làm gì thì đều hỏi bác sĩ. Bản thân tôi thấy khỏe, phục hồi 80-90% nên rất hạn chế làm phiền y bác sĩ, để anh chị phục vụ mấy cô chú bị nặng phải thở máy.
Thấy mấy anh chị cực quá, tôi xót lắm. Tôi mang ơn các anh chị", Đ. xúc động.Nhận kết quả dương tính ngày 7/8, bạn N.M.Đ nhập viện ngày 11/8 với các triệu chứng mệt mỏi, đau họng... Sau 4 ngày điều trị, hôm nay Đ. đã khỏe hơn, nồng độ ô-xy trong máu đạt 100%, tinh thần thoải mái, có thể ngồi dậy chơi game trên smartphone.
"Bà con ai chưa bị thì cố gắng đừng để bị như tôi, khổ lắm. Chỉ thị 16 đã nêu rõ rồi, đừng tìm bất cứ một lý do gì để ra đường. Bà con có đi mua thực phẩm hay gì đó thì cố gắng bảo hộ, về nhà sát khuẩn.
Con virus này bây giờ không như ngày xưa, nó lơ lửng trong không khí, chỉ cần mình ra đường vô tình hít phải thì có khổ không. Bị mắc rồi làm khổ đất nước, làm khổ y bác sĩ, lời gan ruột của một người đã bị mắc Covid-19, mong bà con hãy nâng cao ý thức", ông Đỗ Đạt Tân (quận 12) bày tỏ quan điểm, nhờ phóng viên tuyên truyền.
"Hôm nay, tôi ăn thấy ngon, ngửi được mùi rồi. Tôi có thể cười tươi được như bây giờ chính là nhờ những vị ân nhân áo trắng này trực canh 24/24h. Bà con ơi, chịu khó đừng đi lung tung, ở yên một chỗ là yêu nước", ông Tân xúc động.
"Ca trực ban đêm thì trời mát, chúng tôi trực 8 tiếng. Với ban ngày, nhất là vào khoảng 12-17h thì anh em chỉ chịu được khoảng 6 tiếng đồng hồ vì khá nóng", một nhân viên y tế chia sẻ trong khi nghỉ ngơi giữa ca trực.
Nhóm y bác sĩ này kết thúc 6 tiếng đồng hồ ca trực ban ngày thì trời cũng sụp tối, tại khu vực cởi bỏ bảo hộ, một nữ bác sĩ chia sẻ: "Ban ngày mà không có mặc áo gi-lê giảm nhiệt bên trong chắc chúng tôi chịu không lâu được, ban đêm thì đỡ hơn".
Sau khi sát khuẩn toàn thân, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung bước vào bên trong khu vực thay khẩu trang, những vết hằn lộ rõ, hiện trên khuôn mặt của bà mẹ đã hai con tình nguyện vào TPHCM chống dịch.
"Tôi không ngờ Sài Gòn có ngày buồn đến thế, đau lòng quá. Tôi vào từ 5/8, chính thức tham gia chữa trị bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến 13 được 3 ngày. Khi tôi bón sữa và bánh cho một cụ ông, cụ nhìn tôi và rơi nước mắt. Tôi cảm nhận giọt nước mắt như muốn nói lời cảm ơn và như một sự tủi thân khi không có người thân bên cạnh. Đồng cảm với bệnh nhân, tôi và anh chị em cố gắng hết sức. Hạnh phúc lắm khi bệnh nhân nói món ăn hôm nay ngon quá", chị Nhung xúc động.
Theo Dân Trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin