Cần xây dựng bệnh viện dã chiến quy mô lớn

08:07, 16/07/2021

Với diễn biến phức tạp của dịch COVID- 19 và số lượng F0 ngày càng tăng, cần phải thành lập bệnh viện dã chiến quy mô lớn hơn để quản lý, vận hành tốt hơn cũng như tập trung được nguồn lực, vật lực. 

Hiện ngành chức năng đang khẩn trương xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các khu công nghiệp.
Hiện ngành chức năng đang khẩn trương xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các khu công nghiệp.

Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2021, trong 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp cho 6 tháng cuối năm.

Theo đánh giá, những tháng đầu năm có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen và từ tháng 5 đến nay dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại với diễn biến ngày càng phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, mức độ nguy hiểm ngày càng cao đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội và đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Lo quá tải khu cách ly

Nội dung mà nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị lần này là công tác phòng chống dịch COVID- 19 tái bùng phát trở lại với diễn biến ngày càng phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng.

Theo đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ, dịch COVID-19 trên địa bàn huyện đang diễn biến rất phức tạp, nhất là khi phát hiện ca nhiễm tại Công ty TNHH Tỷ Xuân. Để đối phó với dịch bệnh, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, trong đó đã thành lập các chốt kiểm soát tại xã Thạnh Quới, Tân Hạnh, Lộc Hòa; kích hoạt 2 khu cách ly tại trụ sở UBND huyện (cũ), UBND xã Tân Hạnh (cũ). Tính đến 15/7, huyện Long Hồ có 56 ca F0, 438 ca F1, trên 1.000 F2.

Khó khăn hiện nay của Long Hồ là nếu diễn biến bệnh cứ tăng thêm nữa sẽ dẫn đến quá tải ở các khu cách ly. Hiện nay, cơ sở vật chất khu cách ly chưa đảm bảo và chỉ “có vỏ nhưng không có ruột”, thiếu giường ngủ, nhà vệ sinh… Đồng chí cho biết thêm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho chủ trương cách ly F1 tại nhà, với điều kiện hiện nay của huyện Long Hồ thì rất phù hợp. Ông đề nghị ngành y tế có hướng dẫn cụ thể là có cho phép thực hiện chủ trương này hay không, vì tới đây dự báo số ca F0, F1 sẽ còn tăng nữa và huyện gặp khó khăn trong việc tổ chức cách ly. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp đề nghị cho công nhân ở lại tại doanh nghiệp, đề nghị tỉnh chỉ đạo cụ thể.

Huyện Tam Bình cũng đang gặp khó khăn trong việc đối phó với dịch COVID- 19. Ghi nhận đến ngày 15/7, toàn huyện có 43 F0, 385 F1, 2.666 F2. Huyện đã phong tỏa 2 ấp Phú Thuận (xã Phú Thịnh) và Phú Yên (xã Tân Phú) với gần 500 hộ, khoảng 2.000 người.

Theo đồng chí Lê Tiến Dũng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình, huyện đã kích hoạt 2 khu cách ly có sức chứa khoảng 400 người và đang chuẩn bị kích hoạt thêm 1 khu nữa khoảng 200 người. Ngoài ra, huyện tập trung chỉ đạo củng cố lại BCĐ các cấp, tổ truy vết cộng đồng bước đầu phát huy hiệu quả trong việc tham gia truy vết. Tuy nhiên, theo thống kê hiện số người dân của huyện làm tại KCN Hòa Phú khoảng 10.000 người, nếu diễn biến của dịch tăng lên khoảng 20% nữa thì huyện gặp khó trong cách ly và điều trị.

Hầu hết các địa phương đang áp dụng giãn cách ở mức độ “nguy cơ rất cao” đều có khó khăn tương tự. Trước mắt để đối phó với dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, địa phương chủ động huy động tất cả nguồn lực sẵn có từ con người, cơ sở vật chất…

Cần chủ động lập bệnh viện dã chiến quy mô lớn

Báo cáo tình hình liên quan đến ổ dịch tại KCN Hòa Phú cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây, ông Phạm Thành Khôn- Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết, hiện nay số lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh là 44.200 người (có 277 người nước ngoài). Trong số này, có khoảng 7.000 lao động ngoài tỉnh, chủ yếu là tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và một số ở TP Cần Thơ. Hiện trong KCN Hòa Phú có 2 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động một phần; Công ty Tỷ Xuân tạm dừng toàn bộ để xét nghiệm cho công nhân; có 32 doanh nghiệp hoạt động bình thường. Thống kê ngày 13/7, số lượng công nhân đi làm là 11.000/44.200, chiếm 24,8%.

Theo ông Phạm Thành Khôn, khi xuất hiện ổ dịch trong KCN, đa số người lao động có tâm lý bất an, lo lắng. Cái khó hiện nay là có nhiều công nhân không chịu đến xét nghiệm, riêng đối với lao động ngoài tỉnh đã không cho qua tỉnh làm việc và thông báo với địa phương của các công nhân trên.

Liên quan việc điều trị bệnh, TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế- cho biết, với diễn biến phức tạp của dịch COVID- 19 và số lượng F0 ngày càng tăng, cần phải thành lập bệnh viện dã chiến quy mô lớn hơn để quản lý, vận hành tốt hơn cũng như tập trung được nguồn lực, vật lực. Hiện nay, tại các cơ sở cách ly điều trị F0 rất nhỏ lẻ, kéo theo đó là lực lượng điều trị phải xé nhỏ rất khó khăn.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng đề nghị, hiện lực lượng y tế rất mỏng vì phải phân tán, do đó các ngành, đoàn thể cần tích cực tham gia hỗ trợ ở những vị trí: đứng chốt, khoanh vùng… Đồng thời, các tổ phòng chống dịch cộng đồng cần tăng cường kiểm tra, giám sát người dân từ vùng dịch trở về địa bàn, vận động người dân cùng tham gia giám sát để có thể xử lý kịp thời. Đã qua, từ nguồn tin phản ánh của người dân, ngành đã truy vết và kiểm tra người từ vùng dịch trở về và phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Đối với việc cho cách ly F1 tại nhà, Bộ Y tế đã hướng dẫn rất cụ thể, ngành sẽ đề xuất với BCĐ tỉnh về vấn đề này.

Phát biểu chỉ đạo trong thời gian tới, đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- lưu ý: Cần tiếp tục tập trung cao nhất công tác phòng chống dịch COVID-19, đồng thời triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp để sớm đẩy lùi dịch bệnh tại KCN Hòa Phú, KCN Bình Minh, các địa phương có xảy ra dịch bệnh ngoài cộng đồng không để lây lan ra ngoài.

Ngoài ra, ngành y tế rà soát lại năng lực của ngành về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất để tham mưu kịp thời. Ngoài ra, có phương án huy động nguồn lực cùng tham gia: y tế học đường, cán bộ y tế về hưu, y tế tư nhân… Đối với các doanh nghiệp, nếu không đảm bảo các điều kiện chống dịch thì không cho hoạt động, công nhân chưa tham gia xét nghiệm thì không cho làm. Trường hợp doanh nghiệp đề nghị cho công nhân ở lại tại doanh nghiệp, nếu đảm bảo đủ các điều kiện thì khuyến khích.

Song song đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, ngoài chống dịch cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra; tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động tiếp cận các chính sách hỗ trợ một cách thuận lợi, kịp thời.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh