Quê hương Vĩnh Long đẹp hơn, giàu có hơn

Cập nhật, 06:34, Chủ Nhật, 02/05/2021 (GMT+7)

 

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, nông dân được mùa, được giá, đời sống ngày càng no ấm.
Vụ lúa Đông Xuân năm nay, nông dân được mùa, được giá, đời sống ngày càng no ấm.

(VLO) Qua 46 năm kiến tạo quê hương, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2021), với những quyết sách mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, tỉnh Vĩnh Long đã chuyển mình đổi thay tích cực, đời sống người dân ngày càng nâng lên, thể hiện rõ nét nhất ở vùng nông thôn.

Chiến tranh lùi xa, quê hương đổi mới

Khi ông Nguyễn Văn Hùng còn nhỏ (nay đã 67 tuổi, ở ấp Thạnh Trí, xã Hòa Thạnh- Tam Bình), ông “đã được nghe các cô chú nói về cuộc chiến đấu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, để nhân dân được ấm no, hạnh phúc…”

Qua 46 năm thống nhất đất nước, nhìn lại những thành quả của ngày nay, ông bày tỏ: “Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và các vị tiền nhân đã qua…”. Bởi, sự đấu tranh, hy sinh của các thế hệ đi trước là “hoàn toàn xứng đáng” và sự gieo mầm ngày nào đến nay “đã đơm hoa kết trái”.

Hòa bình, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tỉnh đã cùng với cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo như lời căn dặn trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Vượt qua những gian khổ, vất vả và rút ra bài học sâu sắc của 10 năm đầu sau giải phóng, cùng với đó là quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã quyết tâm, nỗ lực, vượt qua khó khăn, kiên trì thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh đã tăng gấp 13 lần so năm 1985; GRDP bình quân đầu người tăng gần 22 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng gần 130 lần.

Kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu hơn. Khu vực kinh tế phi nông nghiệp phát triển nhanh với tỷ trọng từ 24,3% (năm 1985) lên 64,8% (năm 2020).

Cùng với đó, nguồn lực trong dân được phát huy, nhất là công nghiệp hóa- hiện đại hóa trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội không ngừng được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân từ thành thị đến nông thôn.

Song song với việc thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã có nhiều quyết sách quan trọng để kiến tạo đất nước, đặc biệt là vùng nông thôn- nơi từng được xem là “còn nhiều khó khăn, thiệt thòi so với thành thị”.

Trong đó, Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời đã làm nền tảng cho việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM)- một trong những chương trình mục tiêu quốc gia thành công nhất, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn với chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng lên, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

“Chương trình đi vào lòng dân và hiệu quả nhất”

Với khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, nên chương trình xây dựng NTM đã đem đến cho số người hưởng lợi rất đông. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, chương trình xây dựng NTM đã góp phần phát triển toàn diện nông thôn.

Đây cũng là chương trình “đi vào lòng dân nhanh và hiệu quả nhất”- bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- nhận định và cho rằng: “Thực hiện chương trình xây dựng NTM là sự kết hợp để phát triển tổng thể về kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh”.

Chúng tôi trở về thăm xã Hòa Thạnh- một trong những xã xây dựng NTM có mức khởi điểm rất thấp (chỉ đạt 3/19 tiêu chí) với địa bàn phức tạp, sông ngòi chằng chịt, người dân trước đây đi lại chủ yếu là xuồng ghe hoặc đi bộ, còn nhà nào giàu lắm mới có ghe máy chạy…

Qua gần 10 năm xây dựng NTM, Hòa Thạnh đã có bước chuyển mình đổi mới. Biểu hiện cụ thể và dễ thấy nhất là “bộ mặt của xã đã thay đổi hoàn toàn”- ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Từ trường học đến nhà văn hóa, đường giao thông, hệ thống thủy lợi… đều được xây kiên cố, khang trang; sản xuất nông nghiệp- tiểu thủ công nghiệp phát triển, hầu hết người dân đều có nước sạch, điện thắp sáng để sử dụng, an ninh trật tự được đảm bảo…

Tại xã Đông Bình (TX Bình Minh), một trong những xã thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn với 30% hộ dân trong xã là người Khmer tập trung ở ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2, đến nay đã có sự thay đổi đáng kể.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có TX Bình Minh hoàn thành xây dựng NTM, toàn tỉnh có 56/87 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 64,4%, trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2021, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu có thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 ấp đạt NTM kiểu mẫu.

Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình Nguyễn Văn Mễ nhớ lại, trước khi xây dựng NTM, một số nơi trong xã chưa có lộ đi, người dân toàn đi theo lối mòn mặt đê, mà đi bộ chứ không đi bằng xe đạp được, mỗi lần trời mưa phải “bấm chân mà đi” để không bị trợt té; nhà cửa thì thô sơ đến mức chỉ che bằng tấm bạt cũ kỹ; trường học, trạm y tế ở rất xa, trang thiết bị cũng rất thô sơ…

Thông qua chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao cũng như chương trình 135 về phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn, xã Đông Bình đã có sự đổi thay vượt bậc, những căn nhà tạm bợ ngày nào giờ được thay thế bằng những căn nhà tường khang trang, thậm chí mọi người còn “tranh nhau cất nhà đẹp” theo kiểu “hộ cất nhà sau muốn nhà mình đẹp hơn hộ cất trước nên cố gắng mần ăn để xây nhà có giá trị hơn”- ông Vita Valey- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phù Ly 1 nói.

Về xã Đông Bình hôm nay, cảnh “xắn quần, bấm chân đi đường” chỉ còn trong dĩ vãng, thay vào đó là những tuyến đường được đan hóa, nhựa hóa phẳng lỳ, nhiều người còn sắm xe đời mới 4 bánh để “di chuyển khỏi lo thời tiết”.

Trường học, trạm y tế… đã được xây kiên cố, đạt chuẩn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh cho người dân.

Hơn chục năm trước, thu nhập bình quân đầu người của xã Đông Bình chỉ khoảng 21 triệu đồng/năm thì đến năm 2020 đã tăng lên 49 triệu đồng/năm, gấp 2,33 lần, tương đương tăng 28 triệu đồng. Điều này cho thấy, chất lượng cuộc sống người dân trong xã đã nâng lên đáng kể.

Không dừng lại ở sự đổi thay đó, xã Đông Bình cũng là xã có đông đồng bào Khmer trong tỉnh xây NTM nâng cao đầu tiên.

Theo ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp PTNT, Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, thông qua chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ngày đổi mới, các công trình hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là trong xây dựng NTM nâng cao, đã tạo động lực lớn cho các xã vận động xã hội hóa đầu tư hệ thống đèn thắp sáng phủ rộng khắp nẻo đường, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; nhiều mô hình kinh tế nông thôn được đầu tư phát triển giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có TX Bình Minh hoàn thành xây dựng NTM, toàn tỉnh có 56/87 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 64,4%, trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2021, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu có thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 ấp đạt NTM kiểu mẫu.

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, người dân là chủ thể”

Những năm qua, chương trình xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến khá toàn diện về bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phong trào thi đua Vĩnh Long chung sức xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, nhận thức của nhân dân về vai trò chủ thể ngày càng rõ hơn. Từ đó sự tham gia đóng góp của người dân ngày càng nhiều.

Thời gian tới, cần phải xem xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, người dân là chủ thể; tiếp tục quan tâm và huy động nguồn lực cho chương trình, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa; đồng thời thực hiện tốt chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển kinh tế nông thôn...

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI