Nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5)

Khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân

Cập nhật, 05:54, Thứ Bảy, 01/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Phát huy vai trò của người lao động trong thời kỳ mới, những năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đã và đang không ngừng phấn đấu vươn lên, ngày đêm ra sức thi đua lao động sản xuất, khẳng định vai trò tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa (CNH- HĐH) đất nước…

Máy cắt dây viền của anh Trần Hoàng Anh, Công ty TNHH 1TV Kisso- Châu Thy đã mang lại hiệu quả rất cao trong quá trình sản xuất của công ty.
Máy cắt dây viền của anh Trần Hoàng Anh, Công ty TNHH 1TV Kisso- Châu Thy đã mang lại hiệu quả rất cao trong quá trình sản xuất của công ty.

Lao động giỏi, lao động sáng tạo

Đến thăm Công ty TNHH 1TV Kisso- Châu Thy trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19 nhưng tình hình sản xuất vẫn diễn ra như ngày thường.

CNLĐ các khâu làm việc từ cắt, ráp, cuộn, ủi  sản phẩm… vẫn đều tay làm việc sao cho đạt năng suất và chất lượng, góp phần cùng công ty hoàn thành các đơn hàng.

Bà Trần Thị Thanh Hằng- Phó Giám đốc công ty- cho biết, mới thành lập hơn 3 năm nay nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty đã dần đi vào ổn định. “Có được kết quả đó chính là nhờ công sức đóng góp không nhỏ của CNLĐ. Họ đã ra sức sản xuất, hỗ trợ và sẻ chia cùng công ty”.

Đưa chúng tôi tham quan các sáng kiến của mình, anh Trần Hoàng Anh phấn khởi giới thiệu, đây là máy cuộn vải, còn đây là máy cắt dây viền. Những công cụ này đã phục vụ cho quá trình sản xuất dễ hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí lao động.

Theo anh, trong quá trình phụ trách bộ phận sản xuất công ty, anh thấy công đoạn cắt dây viền gặp khó khăn, thường hay bị động và tốn nhiều chi phí do phải vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh gia công. Thêm nữa, nếu gia công không kịp tiến độ thì hàng sẽ bị rớt.

Từ đó, anh bắt đầu học hỏi trên Internet và tự mày mò để làm ra những máy này. “Cho đến khi đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả rất cao vì sản xuất thuận lợi, giải quyết việc làm công nhân hiệu quả hơn. Đặc biệt, tiết kiệm cho công ty khoảng 400 triệu đồng/năm”- anh nói.

Thời gian qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã được CNVCLĐ nhiệt tình tham gia. Minh chứng cho điều này là số lượng các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, kinh doanh được áp dụng vào thực tiễn sản xuất ngày càng tăng.

5 năm qua, đã có gần 240 tập thể và hơn 18.830 cá nhân có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích được ứng dụng đem lại hiệu quả thiết thực, tổng kinh phí làm lợi trên 287 tỷ đồng. 

Tiêu biểu phải kể đến Công ty TNHH Tỷ Xuân, Công ty TNHH BohSing, Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam… CNLĐ tích cực thi đua tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng tháng, khen thưởng cuối năm trên trăm tỷ đồng.

Thêm nữa, CNLĐ đã có không ít sáng kiến kinh nghiệm mang lại hiệu quả tiết kiệm và làm lợi cho doanh nghiệp hơn 600 triệu đồng.

Tương tự tại Công ty CP May Vĩnh Tiến, CNLĐ phấn khởi tham gia sản xuất lao động hiệu quả, năng suất cao với 100% CNLĐ đăng ký thi đua “Bông hồng năng suất”.

Không chỉ vậy, “CNLĐ nhất là bộ phận kỹ thuật có nhiều sáng kiến cải tiến mà hiệu quả của nó mang lại là không nhỏ”- ông Nguyễn Xuân Nam- Giám đốc điều hành, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty CP May Vĩnh Tiến nói.

Như sáng kiến “Máy xả dây viền” của anh Trần Thanh Bình ở bộ phận bảo trì điện có thể thay thế công việc của 6 người. Rồi từ khi đưa máy vào vận hành, sản phẩm làm ra không bị co rút, đẹp hơn.

Anh chia sẻ: “Tôi rất vui khi sáng kiến của mình được áp dụng và mang lại lợi ích như thế. Thời gian tới, tôi cũng sẽ tiếp tục tìm ra những sáng kiến, cải tiến mới trong công việc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Vươn lên đáp ứng yêu cầu mới

Công nhân lao động Công ty CP May Vĩnh Tiến lao động hiệu quả, năng suất cao.
Công nhân lao động Công ty CP May Vĩnh Tiến lao động hiệu quả, năng suất cao.

Xuất phát điểm từ vị trí công nhân trực tiếp sản xuất nhờ tích cực lao động, nâng cao tay nghề, được công ty tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng quản lý mà chị Huỳnh Thanh Nguyên đã trở thành Tổ phó quản lý chuyền tại Xí nghiệp 1 ở Công ty CP May Vĩnh Tiến.

Chị cho biết, việc học tập nâng cao trình độ, tay nghề vừa là quyền lợi, là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập vừa thực hiện trách nhiệm của mình với công ty.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, bên cạnh việc tổ chức phong trào thi đua trong sản xuất kinh doanh, công ty còn tổ chức phổ biến pháp luật về luật lao động, tuyên truyền an toàn vệ sinh lao động. Cùng với đó là thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, công nhân đa kỹ năng…

Sự quan tâm, tạo điều kiện của công ty cùng tinh thần cầu tiến của CNLĐ đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi.

“Đa phần sau khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng CNLĐ có nhận thức, trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên rõ rệt, phục vụ hiệu quả yêu cầu công việc, góp phần đáng kể trong thực hiện nhiệm vụ công ty”- ông Nguyễn Xuân Nam đánh giá.

Theo liên đoàn lao động tỉnh, toàn tỉnh có hơn 83.000 CNVCLĐ. Bình quân mỗi năm có trên 10.000 lượt CNVCLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ về mọi mặt; trên 30.000 lượt CNVCLĐ tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghề nghiệp.

Nhờ vậy, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề đội ngũ CNVCLĐ ngày càng nâng cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH- HĐH đất nước. 

Để bắt kịp xu thế hội nhập, hàng năm Công ty CP Dược phẩm Cửu Long đã tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về thời gian cho CNLĐ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hoàng- Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty- cho hay, tùy theo từng bộ phận, yêu cầu công việc mà có các lớp riêng phù hợp. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.700 lượt CNLĐ tham gia các lớp tập huấn này.

Và “những kiến thức, kinh nghiệm mà CNLĐ được tiếp thu đã giúp thực hiện tốt công việc chuyên môn, đảm bảo an toàn lao động, hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh theo kế hoạch tháng, năm và góp phần đưa công ty ngày một phát triển thêm”.

Những năm gần đây, đội ngũ CNVCLĐ tỉnh nhà đã năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại, từng bước đảm đương và làm chủ những công việc có trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao.

Tuy nhiên, để thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi mỗi người lao động phải tự xây dựng cho mình kế hoạch học tập về từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp yêu cầu của quá trình sản xuất, công tác ở đơn vị, doanh nghiệp.

Cùng với đó, phải không ngừng nỗ lực vươn tới mục tiêu làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cao…

Đánh giá về những đóng góp của CNLĐ tại chương trình “Tết sum vầy” năm qua, ông Nguyễn Văn Liệt- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đã khẳng định, trong sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà hôm nay có phần đóng góp công sức không nhỏ của đội ngũ CNLĐ. Ông mong muốn, CNLĐ tiếp tục tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào lao động sáng tạo; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH- HĐH để xây dựng đất nước, địa phương, doanh nghiệp ngày càng vững mạnh và phát triển.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ