45 năm phát triển kinh tế: Đảng mở đường, dân theo lối

Kỳ cuối: Tiến bước đến phát triển nhanh và bền vững

Cập nhật, 14:47, Thứ Sáu, 07/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Kết quả phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long năm 2020 và 5 năm 2015- 2020 cho thấy kinh tế của tỉnh đã bước vào giai đoạn ổn định, phục hồi, phát triển; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, các cơ chế chính sách phát triển kinh tế đang phát huy hiệu quả, khắc phục dần các tồn tại, hạn chế. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long tiếp tục định hướng nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Một góc TP Vĩnh Long lên đèn, nổi bật với công trình mới Đài PT-THVL. Ảnh: VÕ THÀNH NHÂN
Một góc TP Vĩnh Long lên đèn, nổi bật với công trình mới Đài PT-THVL. Ảnh: VÕ THÀNH NHÂN

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Ngày 31/12/2020, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Đây là sự ghi nhận và biểu dương xứng đáng đối với những đóng góp to lớn của “ý chí, nỗ lực vươn lên của tập thể” THVL và cũng là sự kiện làm nức lòng cộng đồng doanh nghiệp; được Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh đánh giá cao.

Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, THVL đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Các kênh THVL là sự lựa chọn đầu tiên trong lòng khán giả, được nhân dân trên mọi miền đất nước và cả kiều bào yêu thích.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đánh giá: Trong 10 năm qua, THVL luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí ở địa phương. Đài đã chủ động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến nâng cao chất lượng chương trình PT-TH.

Trong đó, thành tích nổi bật của THVL là đơn vị dẫn đầu khu vực và đứng thứ ba trong cả nước về thực hiện thành công cơ chế tự chủ tài chính; đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; hiệu quả hoạt động và doanh thu bình quân 1.400 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách địa phương cao thứ hai của cả nước; tích cực tham gia đóng góp an sinh xã hội và góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo gia đình chính sách và người nghèo của địa phương.

Để đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc này, theo Ban Giám đốc THVL, là do: “Đảng bộ đài đã dự báo đúng tình hình, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao đồng thời doanh thu gia tăng qua các năm kể cả những năm tình hình kinh tế Việt Nam suy giảm”.

Hơn nữa, năm 2002, PT-THVL đã mạnh dạn nhận thí điểm tự chủ tài chính theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Việc vận dụng và phát huy hiệu quả cơ chế tự chủ đã tạo bước phát triển vượt bậc, từ đơn vị thụ hưởng kinh phí ngân sách, THVL đã vươn lên không những tự trang trải chi phí hoạt động mà còn tích lũy để tái đầu tư hoạt động sự nghiệp…

Có thể nói, đây cũng chính là đơn vị điển hình cho tinh thần lao động sáng tạo, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp Vĩnh Long luôn vượt khó, biến thách thức thành cơ hội.

Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cũng đã tạo làn gió mới cho hoạt động và phát triển doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long- cho biết cùng với vai trò mở đường, định hướng của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm, bản lĩnh và trí tuệ của doanh nghiệp Vĩnh Long đã từng bước tự khẳng định mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

“Các kỳ đại hội Đảng đều khẳng định vai trò, định hướng phát triển kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước.

Nhiều chương trình quốc gia hướng đến phát triển doanh nghiệp như nâng cao năng suất- chất lượng, khuyến công quốc gia, chương trình OCOP, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách khuyến khích của địa phương… đang được đẩy mạnh và dần điều chỉnh để phát huy hiệu quả cao hơn”- ông Nguyễn Tường Nam nói.

Tầm nhìn chiến lược phát triển nhanh và bền vững

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: Thực hiện Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về các giải pháp phát triển bền vững kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020, các cấp ủy đảng đã quán triệt nghị quyết và cụ thể hóa vào chương trình hoạt động, xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện ở địa phương, đơn vị.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Để Vĩnh Long thực hiện đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; nhưng thời cơ và vận hội phát triển cũng rất tốt, rất rộng mở.

Tỉnh cần có giải pháp đột phá, quyết liệt để giải quyết vấn đề sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp; chuyển đổi theo hướng sản xuất quy mô lớn, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Tiếp tục dồn sức cho xây dựng nông thôn mới. Đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các khu- cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục chuyển đổi mô hình phát triển để hội nhập quốc tế và tham gia thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, đặc biệt chú trọng tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp.

Cùng với việc hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL, kinh tế Vĩnh Long tiếp tục phát triển, quy mô không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đầu tư phát triển càng tăng và sử dụng hiệu quả hơn, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội không ngừng được hoàn thiện và đồng bộ,...

Qua đó, đặt nền tảng và cơ sở để Vĩnh Long hoạch định đường lối phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025), tiếp tục đặt mục tiêu thực hiện cơ cấu kinh tế là “nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”, cùng với 3 khâu đột phá:

Một là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao.

Hai là, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch.

Ba là, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.

Ông Lữ Quang Ngời cho rằng, Vĩnh Long xác định động lực phát triển giai đoạn 2021- 2025 tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm.

Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, chất lượng và năng suất cao; phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân.

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cơ quan quản lý công và khu vực doanh nghiệp. Phấn đấu huy động vốn đầu tư giai đoạn 2021- 2025 đạt 83.000 tỷ đồng.

Tập trung cải thiện điểm số và thứ hạng PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Phấn đấu hàng năm có thêm 400 doanh nghiệp mới, trong nhiệm kỳ có 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Tôi cho rằng, để phát triển bền vững, tỉnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, môi trường xanh, sạch; định hướng Vĩnh Long thành trung tâm chuyển giao công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, trung tâm cung cấp giống có uy tín của vùng ĐBSCL; hướng Vĩnh Long thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL và cả nước.

Hơn nữa, phấn đấu để Vĩnh Long là tuyến điểm quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam; thúc đẩy Vĩnh Long thành tỉnh có mức độ ứng dụng công nghệ 4.0 hàng đầu tại vùng ĐBSCL vào công tác quản lý, điều hành và phát triển dịch vụ, thương mại.

Chúng ta cũng có thể kỳ vọng Vĩnh Long là một trong những tỉnh, thành phố có năng suất các yếu tố tổng hợp- TFP cao nhất vùng”- ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long

Đường lối, chủ trương, chính sách hỗ trợ, kiến tạo các môi trường, tầm nhìn về kinh tế vĩ mô là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Trong điều kiện quy mô nền kinh tế và năng suất lao động chưa cao, đòi hỏi mỗi nguồn lực đều phải được sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả. Khát vọng dân tộc tại mốc thời gian quan trọng vào các năm 2030 và 2045 được Đảng xác định cần phải có những nỗ lực rất lớn. Trong đó, cần có tư duy sáng tạo của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.


TRẦN PHƯỚC