45 năm phát triển kinh tế: Đảng mở đường, dân theo lối

Kỳ 2: Phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Cập nhật, 05:48, Thứ Ba, 04/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Trong suốt thời kỳ đổi mới, từ năm 1986- 2010, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo thực hiện theo quan điểm, đường lối đổi mới về kinh tế của Đảng. Đó là: chuyển nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 5.626 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với năm 1985, tăng trưởng bình quân giai đoạn 1986- 2010 là 11,5%/năm.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 5.626 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với năm 1985, tăng trưởng bình quân giai đoạn 1986- 2010 là 11,5%/năm.

Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Xuất phát từ những sai lầm mang nặng tính chủ quan, duy ý chí, đã vi phạm quy luật khách quan, nóng vội trong cải tạo XHCN, đẩy nhanh quá mức xây dựng công nghiệp nặng, duy trì quá lâu cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, đã có nhiều chủ trương và biện pháp thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn trong cải cách giá cả, tiền tệ, tiền lương,… cho nên chỉ mấy năm sau khi thống nhất, thì đất nước đã lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội trầm trọng, nhất là sau cuộc Tổng điều chỉnh giá- lương- tiền (tháng 9/1985) đã dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực nặng nề.

Trước tình hình đó, với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng đã nghiêm khắc tự phê bình những sai lầm đã qua và đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đi vào thế ổn định và phát triển.

Các Đại hội VII, VIII, IX, X của Đảng (từ 1991- 2006) đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới do Đại hội VI khởi xướng.

Trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ Vĩnh Long đã xác định những chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế trong thời kỳ này.

Giai đoạn 1986-1990, từ nhiệm vụ đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, tỉnh đã tập trung nguồn lực để thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, trọng tâm, đó là: sản xuất lương thực- thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng và sản xuất hàng xuất khẩu.

Trong giai đoạn này, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 10 (khoán 10) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, chuyển từ khoán từng khâu đến nhóm và người lao động sang khoán theo hộ, xem hộ là một đơn vị kinh tế tự chủ.

“Sau thời gian xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông dễ dàng, thì các đơn vị có thể xuất khẩu, trong đó các mặt hàng hải sản và nông sản thực phẩm có trữ lượng lớn và giá trị xuất khẩu”- ông Phạm Văn Khôn- nguyên Trưởng Ty Công nghiệp- nhớ lại.

Đây là bước đột phá tiếp theo rất quan trọng để giải phóng sức sản xuất của từng hộ nông dân và các thành phần kinh tế khác ở nông thôn.

Giai đoạn 1991- 1995, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Vĩnh Long đã vận dụng các chủ trương, chính sách một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của địa phương; cơ chế quản lý mới được xác lập, hàng hóa, vật tư lưu thông theo quy luật giá trị và quy luật cung cầu của thị trường; sức sản xuất mới trong xã hội và động lực phát triển mới do cơ chế mới mang lại bắt đầu phát huy tác dụng.

Ông Trương Văn Sáu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy- cho biết: “Sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Long năm 1992, tỉnh ra sức xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển hạ tầng nông thôn, nâng cấp đường sá.

Ngay khi bắt tay kiến thiết xây dựng quê hương, lãnh đạo tỉnh sớm nhận ra định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Long lấy nông nghiệp làm nền tảng, đồng thời phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp- dịch vụ, tạo công ăn việc làm, giúp người dân khá lên”.

Giai đoạn 1996- 2000, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2010: “Vĩnh Long ra sức đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước nhất là công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn”. Từ đây, cơ chế chính sách và vốn đầu tư được xem là 2 yếu tố cơ bản quyết định cho tăng trưởng.

Bước vào thế kỷ XXI, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (2001- 2005) đã đề ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn này là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng thời đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp và thương mại- dịch vụ.

Bên cạnh việc tiếp tục huy động nguồn lực cho phát triển với tốc độ cao, yếu tố về hiệu quả của sự phát triển cũng bắt đầu được chú ý.

Trong khi đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (2006- 2010), tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại.

Tiếp tục phát huy thành quả của 20 năm đổi mới, với sự ổn định chính trị cùng với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển.

Trong suốt thời kỳ đổi mới, từ năm 1986- 2010, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà thực hiện theo quan điểm, đường lối đổi mới về kinh tế của Đảng.

Đến năm 2000, cơ bản “xóa cầu khỉ, đê bao khép kín kết hợp giao thông xe 2 bánh tới xã vùng sâu, vùng xa”- ông Trương Văn Sáu kể lại giai đoạn kiến thiết gian lao mà sôi nổi- “Trường học, trạm y tế dần ngói hóa. Điện lưới quốc gia được kéo tới, nước sạch cũng nối bước theo về nông thôn”.

Mở đường phát triển công nghiệp

Ông Trương Văn Sáu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy

Chủ trương của tỉnh là phải phát huy vai trò tự lực tự cường, phấn đấu đi lên bằng đôi chân của mình. Chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đúng nhưng làm thì không dễ. Để người dân đồng thuận chủ trương, cách làm, phương án đưa ra phải có lý có tình, có tấm lòng đối với nhân dân.

Sự kiện thông xe cầu Mỹ Thuận vào tháng 5/2000 mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp tạo thế tăng tốc đột phá cho nền kinh tế.

Điều kiện vật chất để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng thời, đây cũng là tiền đề quan trọng để Vĩnh Long hướng đến mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, quyết tâm xây dựng Vĩnh Long thành tỉnh trung bình khá trong khu vực.

Theo ông Trương Văn Sáu, giai đoạn 2001-2010 có thể coi là giai đoạn phát triển các khu- tuyến công nghiệp và cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến rất rõ nét.

Từ những quyết sách: “Vĩnh Long không phá thế nông nghiệp là không giàu được, phải đầu tư công nghiệp”, hay “tỉnh đã xác định phát triển công nghiệp sạch, lựa chọn ngành nghề ít ô nhiễm”… đã góp phần phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2010 cơ bản thích ứng với cơ chế thị trường và đã có bước tăng trưởng, phát triển khá tốt, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ hơn.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng nhanh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển, Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng và hình thành Khu công nghiệp Hòa Phú, Khu công nghiệp Bình Minh và Tuyến công nghiệp Cổ Chiên.

“Muốn lập khu công nghiệp phải thu hồi đất nông nghiệp, tạo quỹ đất sạch. Lúc ấy, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ cho chủ trương tất cả đất nông nghiệp thu hồi đều quy đất loại 1, áp dụng mức bồi hoàn cao nhất, nhờ vậy được người dân đồng tình cao.

Đây là khâu khó nhất trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tôi hay nói với anh em làm lãnh đạo cần nghiên cứu trong mỗi giai đoạn có khó khăn riêng, những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình phải giải quyết, vượt thẩm quyền phải kiến nghị Trung ương tháo gỡ.

Trong nhiều việc phải quyết đoán, dám nghĩ dám làm, vận dụng chính sách linh hoạt mới được”- ông Trương Văn Sáu nói, cứ điều gì có lợi cho dân, cho quê hương thì phải mạnh dạn làm.

Như vậy, sau gần 25 năm đổi mới, theo BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhận định: Kinh tế đã có nhiều thành tựu quan trọng, việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế góp phần đem lại tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các giai đoạn đạt mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ, tạo điều kiện vật chất để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để Vĩnh Long hướng đến mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, quyết tâm xây dựng Vĩnh Long thành tỉnh trung bình khá trong khu vực.

Từ năm 2001- 2011, hoạt động tín dụng, ngân hàng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, đóng vai trò là đòn bẩy hữu hiệu trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2011, số dư huy động đạt 11.224 tỷ đồng, gấp 16,7 lần so với năm 2000 và 296,2 lần so với năm 1992. Dư nợ cho vay đạt 13.417 tỷ đồng, gấp 7,3 lần so với năm 2000 và 125 lần so với năm 1992. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng hiện đại được quan tâm phát triển.

Kỳ sau: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC