Chủ động phòng cháy, chữa cháy

07:04, 27/04/2021

Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 3 năm qua, cả nước xảy ra hơn 10.900 vụ cháy, trong đó có 118 vụ cháy lớn (1,08%). Tuy vậy, các vụ cháy lớn đã gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm hơn 82% thiệt hại các vụ cháy.

 

Tại tỉnh Vĩnh Long, lực lượng chữa cháy tại chỗ thường xuyên được tập huấn, tham gia hội thao nâng cao trình độ, xử lý kịp thời khi xảy ra cháy nổ.
Tại tỉnh Vĩnh Long, lực lượng chữa cháy tại chỗ thường xuyên được tập huấn, tham gia hội thao nâng cao trình độ, xử lý kịp thời khi xảy ra cháy nổ.

(VLO) Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 3 năm qua, cả nước xảy ra hơn 10.900 vụ cháy, trong đó có 118 vụ cháy lớn (1,08%). Tuy vậy, các vụ cháy lớn đã gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm hơn 82% thiệt hại các vụ cháy.

Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Bộ Công an cho biết, mặc dù các vụ cháy lớn chỉ chiếm 1,08% nhưng thiệt hại về người và tài sản là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất lớn về kinh tế và môi trường.

Giai đoạn 2018- 2020, các vụ cháy lớn làm chết 30 người, 72 người bị thương. So giai đoạn trước, số người chết và bị thương do cháy lớn tuy có giảm nhưng tăng về số vụ và thiệt hại tài sản tăng hơn 150 tỷ đồng.

Địa bàn xảy ra cháy lớn chủ yếu ở các thành phố trực thuộc trung ương, đô thị hóa nhanh, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu dân cư tập trung.

3 năm qua, cơ quan chức năng ghi nhận 25 vụ cháy tại cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, 16 vụ cháy tại cơ sở da giày, dệt may, 15 vụ tại cơ sở sản xuất bao bì, mút xốp, còn lại là tại các kho, bãi hàng hàng hóa, vật tư, hóa chất,…

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong số 118 vụ cháy lớn thì cơ quan điều tra thống kê có đến 65 vụ (55,1%) xảy ra vào thời điểm ngoài giờ làm việc, trong đó có 38 vụ xảy ra vào 2 ngày cuối tuần.

Đây là thời điểm một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm ngừng hoạt động và có rất ít người nên báo cháy muộn, không xử lý kịp thời dẫn đến cháy lớn.

“Trong số 118 vụ cháy lớn thì có 22 vụ báo cháy muộn trên 20 phút, 39 vụ báo cháy muộn trên 10 phút. 25 vụ cháy xảy ra tại các cơ sở cách trụ trụ sở cảnh sát PCCC trên 10km, vượt quá “thời gian vàng” báo cháy dưới 10 phút”- Đại tá Nguyễn Minh Khương thông tin.

Trong khi đó, thời gian trung bình để dập tắt các vụ cháy lớn là 11,5 giờ, nhưng cũng có vụ phải kéo dài nhiều ngày liên tục như vụ cháy tại Công ty TNHH Thực Nghiệp Dệt Kangna (Tiền Giang) vào ngày 29/4/2018 và đến 4 ngày sau mới được không chế.

Với tính chất nghiêm trọng, phức tạp của vụ cháy, Công an Tiền Giang phải đề nghị Công an tỉnh Long An và Bến Tre chi viện phương tiện, cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy. Vụ cháy gây thiệt hại 6.000 tấn bông, 150 tấn sợi bị cháy cùng một số trang thiết bị máy móc, tổng giá trị khoảng 286 tỉ đồng.

Huy động toàn dân tham gia PCCC

Theo Bộ Công an, trong 3 năm qua, công an các địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đối với công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả chính sách, pháp luật về PCCC.

Đến nay, cả nước có 54/63 tỉnh- thành đã phê duyệt và triển khai các dự án, đề án về quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Hiện cả nước có hơn 47.000 trụ nước, hơn 16.000 bể, ao, hồ, kênh, mương với hơn 700 bến lấy nước chữa cháy tại các khu công nghiệp và khu đô thị. Số vụ chữa cháy mà bị thiếu nước, không có nguồn nước tại chỗ, xe chữa cháy phải truyền nước đã giảm từ 87% vào năm 2009 xuống còn 58% vào năm 2020.

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC đã hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng, huấn luyện, củng cố hơn 44.000 đội dân phòng, hơn 179.000 đội PCCC cơ sở.

Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng này trong việc phát hiện, xử lý các sự cố cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh.

Thống kê giai đoạn 2018- 2020, có trên 50% số vụ cháy nổ được lực lượng chữa cháy tại chỗ cứu chữa, ngăn chặn cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần kiếm chế sự gia tăng số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển của xã hội.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các địa phương đã chú ý công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

Nổi bật là phong trào “3 có” (có aptomat, có đèn pin, có phương tiện chữa cháy), phong trào “3 biết” (biết xử lý các tình huống, biết kiến thức PCCC, biết sử dụng bình chữa cháy), phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”,…

Song song đó, nhiều đơn vị, địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo trong công tác PCCC như: nhân dân tự phá dỡ, giải tỏa nhà cửa tạo khoảng cách an toàn PCCC, hiến đất làm đường, mở rộng ngõ, hẻm cho xe chữa cháy hoạt động; đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị máy bơm, xe mô tô, bình chữa cháy,… góp phần phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an- yêu cầu lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ phối hợp ngành điện lực, các tổ chức đoàn thể, khu dân cư, lực lượng dân phòng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vào từng nơi kiểm tra an toàn PCCC.

Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng các phương án PCCC lớn, huy động nhiều lực lượng, phương tiện liên ngành, liên vùng, liên địa phương, liên tuyến tham gia và áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật trong phòng ngừa, cảnh báo sớm.

“Trong công tác tuyên truyền phòng cháy lớn, nội dung cần cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, hết sức thiết thực, có clip minh họa, tập trung vào các kiến thức an toàn trong sử dụng điện, gas, hóa chất, các giải pháp thoát hiểm, thoát nạn.

Bên cạnh, phổ biến các kỹ năng nhằm nâng cao khả năng sinh tồn của con người khi xảy ra các sự cố”- Thiếu tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Trong 118 vụ cháy lớn xảy ra 3 năm qua, nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về điện (65,2%), sự cố thiết bị, máy móc (4,2%), bất cẩn trong hàn cắt (2,5%), tự cháy (1,7%), vin phạm quy định về PCCC trong việc sử dụng điện (1,7%), một số vụ cháy chưa rõ nguyên nhân đang được điều tra (18,6%).

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh