45 năm phát triển kinh tế: Đảng mở đường, dân theo lối

05:04, 30/04/2021

Sau khi thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Vĩnh Long chung sức, chung lòng kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ nền kinh tế thuần nông, sản xuất manh mún và lạc hậu; thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Vĩnh Long đã tận dụng các điều kiện sẵn có, nắm bắt từng cơ hội, vượt qua mọi khó khăn để vực dậy nền kinh tế- xã hội lúc bấy giờ đang trì trệ, đói nghèo.

(VLO) Sau khi thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Vĩnh Long chung sức, chung lòng kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ nền kinh tế thuần nông, sản xuất manh mún và lạc hậu; thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Vĩnh Long đã tận dụng các điều kiện sẵn có, nắm bắt từng cơ hội, vượt qua mọi khó khăn để vực dậy nền kinh tế- xã hội lúc bấy giờ đang trì trệ, đói nghèo.

Nhìn lại chặng đường 45 năm, nhất là thành quả của 35 năm đổi mới, nhiều bài học về vận dụng phù hợp tình hình, điều kiện thực tiễn địa phương; về giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc… cùng những kinh nghiệm quý giá rút ra từ thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển kinh tế Vĩnh Long, sẽ là hành trang quý báu để tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Kỳ 1: Vực dậy từ nền kinh tế thuần nông, nhỏ bé và lạc hậu

Vĩnh Long định hướng khai hoang, cải tạo đồng ruộng để khắc phục khó khăn sau chiến tranh và sớm thoát khỏi tình trạng đói nghèo.
Vĩnh Long định hướng khai hoang, cải tạo đồng ruộng để khắc phục khó khăn sau chiến tranh và sớm thoát khỏi tình trạng đói nghèo.

Sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, trong 10 năm đầu cùng với cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1975- 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo từng bước xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật và quan hệ sản xuất mới, phát triển kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp.

Khắc phục hậu quả chiến tranh- thoát đói nghèo

Đất nước thống nhất tạo niềm tin, sự phấn khởi to lớn trong toàn dân. Tuy nhiên, chiến tranh đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Riêng Vĩnh Long lúc đó vết thương chiến tranh vẫn chưa liền da, nền kinh tế chỉ thuần nông, lạc hậu. Công nghiệp (CN) chủ yếu là tiểu thủ CN còn nhỏ bé, thiếu cân đối, chỉ tập trung ở thị xã, vùng ven và vài thị trấn.

Hoạt động thương mại vẫn chưa thích ứng với thị trường và nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp dân cư. Nhiều lao động không có việc làm, một bộ phận dân cư không có đất sản xuất, đời sống rất khó khăn. Cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng vừa thiếu vừa lạc hậu và đã bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng.

Gọi đây là thời kỳ kinh tế hẹp hòi, ông Đặng Văn Quảng (Mười Quảng)- Bí thư Đảng ủy Ty Thương binh (1976- 1980)- cho rằng bởi hoạt động bán buôn hầu như không có, sản xuất kinh doanh nhiều bó buộc. Đời sống rất chật vật.

Thương nghiệp chỉ bao cấp, phục vụ cán bộ là chính. Ông nhớ như in việc xếp hàng mua theo định suất, mua một ống quẹt diêm cũng phải “xin giấy”. Mà hàng hóa chỉ có những thứ tối thiểu nhất: gạo, xà bông, đường, bột ngọt… nhưng có khi xếp hàng tới phiên mình lại hết hàng.

Thật khó tưởng tượng nổi hồi ấy, cả tỉnh Vĩnh Long chỉ có một số ngành nghề như xay xát, lò gạch, lò đường, sửa chữa cơ khí, cưa xẻ gỗ quy mô rất nhỏ; nghề dệt thủ công con thoi- chủ yếu dệt khăn tắm, vải mùng.

Với lại, ông Phạm Văn Khôn- nguyên Trưởng Ty Công nghiệp (1978- 1982)- bảo đó là “diện mạo kinh tế” của Vĩnh Long một thời.

Ông Phạm Văn Khôn nhớ lại: “Lúc đó kỹ thuật sản xuất rất thô sơ, gọi là các ngành “tiểu CN”, nhỏ lẻ vì chủ yếu làm bằng tay chân. Máy móc chưa xuống ruộng nhiều đâu”.

Năm 1981- 1985, quán triệt Chỉ thị 100/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh tập trung xây dựng các tập đoàn sản xuất mới gắn liền với thực hiện cơ chế khoán sản phẩm; đồng thời thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Bí thư, Nghị quyết 154 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông báo số 44 và Chỉ thị số 35 của Ban Bí thư, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo thực hiện công tác điều chỉnh ruộng đất theo phương châm “nhường cơm xẻ áo”; thực hiện Quyết định số 25, 64 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 146 của Hội đồng Bộ trưởng, tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt việc giao nộp sản phẩm và chế độ lương khoán, khoán sản phẩm, tạo điều kiện cho sản xuất CN- tiểu thủ CN phát triển.

Ông Nguyễn Văn Đời- kinh qua nhiều cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ty Canh nông Cửu Long rồi quyền Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (1992- 1994)- cho biết tỉnh ta đã định hướng khai hoang, cải tạo đồng ruộng để khắc phục khó khăn sau chiến tranh và sớm thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm.

Theo đó, nhân dân tích cực khai hoang phục hóa để tăng diện tích trồng lúa, kịp thời giải quyết vấn đề lương thực; đẩy mạnh công tác thủy lợi, thâm canh tăng vụ… Giai đoạn 1981-1985, tổng sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn, tăng 48%.

Đây thực sự là bước ngoặt có tính chất quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế đối với một tỉnh thuần nông như Vĩnh Long. Song song, phát triển cây màu lương thực, cây CN, cây ăn trái… đã góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân.

Vừa khôi phục, vừa xây dựng ngành CN

Đứng trước đòi hỏi cấp bách, Đảng bộ Vĩnh Long định hướng, chỉ đạo: Vừa khôi phục vừa xây dựng ngành CN nhằm phát triển sản xuất, tăng nhanh khối lượng hàng hóa cho tiêu dùng; ra sức khôi phục và phát triển sản xuất, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp đi đôi với “phát triển CN nhẹ và CN- tiểu thủ CN. Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh…”.

Từ thực trạng mà “cả tỉnh không có lấy một cơ sở CN, các ngành tiểu thủ CN sản xuất từ nguyên liệu địa phương không phát triển được.

Gạch ngói là ngành nghề công nghiệp đầu tiên ở Vĩnh Long.
Gạch ngói là ngành nghề công nghiệp đầu tiên ở Vĩnh Long.

Nguyên liệu sản xuất, phụ tùng thay thế cho các loại máy nông nghiệp, giao thông vận tải đều phải nhập ngoại và ngày càng khan hiếm, gây khó khăn cho việc phục hồi và phát triển sản xuất”- ông Phạm Văn Khôn nói rằng trong gian khó càng phải nỗ lực gấp trăm ngàn lần, vậy nên: “Chúng tôi đi đó đây, các nước tiên tiến, nhờ có cán bộ, kỹ sư giỏi nên học hỏi về cải tiến máy cày, máy xới đưa xuống ruộng để phục vụ sản xuất. Rồi dần dần máy in gạch, máy đánh tơi xơ dừa, máy ép đường... ra đời”.

Ông Nguyễn Văn Đời- quyền Chủ tịch UBND tỉnh (1992- 1994)

Điều đáng quý là Đảng bộ nói và dân tin, dân làm theo, bởi vì khi triển khai quyết sách gì phải nói đi đôi với làm.

Ông Phạm Văn Khôn nói ngắn gọn vậy nhưng để làm được điều đó là cả một quá trình dài, từng bước.

CN- tiểu thủ CN của Vĩnh Long khôi phục lại sản xuất từ các cơ sở tiểu thủ CN tư nhân, tiến hành lập và xây dựng mới một số xí nghiệp quốc doanh làm nòng cốt phát triển.

Với nhiều giải pháp tích cực, CN- tiểu thủ CN Vĩnh Long đã hình thành và phát triển nhanh với các ngành sản xuất chủ yếu là cơ khí, vật liệu xây dựng, gỗ, giấy, đường, dệt, may mặc cùng các ngành thủ công mỹ nghệ đan lác, dệt chiếu thảm…

Nhiều xí nghiệp quốc doanh được thành lập hoặc tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới như: xí nghiệp cơ khí- gạch ngói Thái Bình, đông lạnh 30/4, sành sứ Tam Bình, nhà máy đường Tam Bình, các trạm sửa chữa cơ khí phục vụ sửa chữa máy nông nghiệp ở các huyện.

Ông Trần Nam Thành- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương nghiệp (1975- 1981)- là người góp công lớn trong việc xây dựng và phát triển nhà máy đường tại huyện Tam Bình lúc bấy giờ, hồi tưởng: “Ban đầu làm đường phải kéo bằng sức trâu, rồi làm thủ công, năng suất đâu có bao nhiêu mà cực lắm.

Dần dần, nhờ được cấp trên hướng dẫn, học hỏi, tìm tòi, cải tạo máy móc thêm nên năng suất cũng được nâng lên. Ngành đường ở Vĩnh Long từng có tiếng một thời”.

Năm 1981- 1985, quán triệt Chỉ thị 100/CT-TW tỉnh tập trung xây dựng các tập đoàn sản xuất mới gắn liền với thực hiện cơ chế khoán sản phẩm; đồng thời thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Bí thư, Nghị quyết 154 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông báo số 44 và Chỉ thị số 35 của Ban Bí thư, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo thực hiện công tác điều chỉnh ruộng đất theo phương châm “nhường cơm xẻ áo”… tạo điều kiện cho sản xuất CN- tiểu thủ CN phát triển.

Theo đánh giá của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn này kinh tế của tỉnh chủ yếu khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển theo hướng “cân đối khép kín”, chủ yếu giải quyết tiêu dùng tại chỗ.

Tuy nhiên, với việc thực hiện chủ trương của Đảng và nỗ lực sản xuất của nhân dân, kinh tế của tỉnh đã đạt được một số thành tựu cơ bản, phát triển tương đối đồng đều trên các lĩnh vực và có ý nghĩa quan trọng cho quá trình phát triển ở các giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy

Đất nước hòa bình thống nhất, càng hân hoan phấn khởi trước đại thắng càng nâng cao trách nhiệm. 2 nhiệm vụ trong tình hình mới là phải nhanh chóng đảm bảo điều kiện cần thiết như điện, nước, vệ sinh, đi lại, mua bán… cho người dân thị xã; còn ở nông thôn thì đưa dân về ruộng vườn cũ xây tổ ấm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Trong tinh thần phấn khởi, Đảng bộ và nhân dân ta đã cùng vượt qua khó khăn, xây dựng lại xóm làng bằng tranh tre, nứa lá, cầu khỉ… Đó là những vấn đề rất cấp bách và quan trọng cho đời sống lúc bấy giờ.

Kỳ sau: Phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh