Điểm sáng từ xứ rẫy

02:01, 06/01/2021

Cà phê buổi sáng, anh Sáu "tổng kết" một năm trồng khoai với giọng điệu hồ hởi: "Coi lại thì một năm có quá nhiều biến động về thiên tai bão lũ và dịch bệnh nguy hiểm, làm ngưng trệ ảnh hưởng đến đời sống toàn xã hội. Một năm lạ lùng thiệt anh Hai Lúa, nhưng quê mình cũng có chút niềm vui nhỏ là xứ rẫy mình sống ổn".

(VLO) Cà phê buổi sáng, anh Sáu “tổng kết” một năm trồng khoai với giọng điệu hồ hởi: “Coi lại thì một năm có quá nhiều biến động về thiên tai bão lũ và dịch bệnh nguy hiểm, làm ngưng trệ ảnh hưởng đến đời sống toàn xã hội. Một năm lạ lùng thiệt anh Hai Lúa, nhưng quê mình cũng có chút niềm vui nhỏ là xứ rẫy mình sống ổn”.

Hai Lúa tui chia sẻ niềm vui thắng lợi của vùng khoai lang lớn nhất nước của quê mình.

Anh Sáu là người đã gắn bó với củ khoai gần 30 năm nay, tính luôn thời ông già của anh Sáu nữa thì gọi là những người trồng khoai lâu đời hàng đầu xứ rẫy này.

Anh Sáu nhiều lần tâm tình, dù cho củ khoai trên thị trường có giá lên xuống thất thường, nhưng tựu trung lại những ai đeo theo nó trường kỳ thì bù qua, sớt lại vẫn có thể ổn định kinh tế gia đình.

Với riêng anh Sáu, ngoài 15 công khoai đất nhà, anh còn thuê đất thêm mấy chỗ, trồng khoai với anh đã trở thành một quy trình bài bản rồi. Năng suất khoai thì bảo đảm do ứng dụng kỹ thuật, nên vụ nào cũng rất cao.

Ngay cái chuyện lên giồng ngày nay cũng đã hoàn toàn khác hồi xưa, thay vì lên những liếp dài lớn, thì ngày nay bà con lên liếp khoai càng nhỏ càng tốt.

Bởi khoai cho ra củ nhiều nhất ở 2 đầu liếp, càng vào giữa thì củ ít lại, do đó kỹ thuật liếp nhỏ là ưu tiên hàng đầu trước khi nói đến chuyện phân thuốc cho củ khoai được tròn to bóng bẩy dễ dàng đạt chất lượng xuất khẩu. Xóm khoai với những người trồng diện tích lớn như anh Sáu đều xây nhà to hực hở.

Anh Sáu nhắc chuyện hồi xưa, xứ mình trồng khoai chủ yếu bán lẻ cho người trong nước mình ăn. Vậy nên hồi đó mới có câu chọc ghẹo mấy cô bán khoai lang: “Khoai làng mỗi củ mỗi sùng. Mấy cô khùng khùng đi bán khoai lang”.

Câu đùa cợt, nhưng cũng nói lên thân phận củ khoai, người bán khoai và cả người trồng khoai hồi xưa khó bề làm giàu. Ngày nay đã khác rồi. Mỗi khi vào vụ, cả cánh đồng, cả xóm làng trở nên rộn ràng nhộn nhịp như tết vậy.

Hàng dọc dài những chiếc xe tải to đùng chờ ăn hàng, chở củ khoai xứ mình đi xuất ngoại, nhu cầu lượng khoai lang hàng năm rất lớn, đã tạo cho “kinh tế khoai lang” mình trở nên khấm khá, tạo nhiều việc làm thường xuyên, ổn định quanh năm. Vị thế những “ông chủ” trồng khoai giờ cũng khác xưa rồi.

Gần đây có một hướng đi mới mà bấy lâu nay nông dân hằng mơ ước, đó là ứng dụng công nghệ khoa học vào hậu sản xuất, đó là công nghệ chế biến, làm tăng giá trị nông sản lên gấp nhiều lần.

Củ khoai lang cùng với nhiều loại cây trái quê mình đang được chế biến thành nhiều thực phẩm có mẫu mã cạnh tranh, là điều rất mừng.

Đến đây, lớp nông dân già như Hai Lúa tui và anh Sáu chẳng hạn, rất cần đến năng lượng, trí tuệ, sự sáng tạo và tầm nhìn xa hơn của những trí thức trẻ.

Niềm vui nhân lên gấp bội khi những người trẻ ấy cũng chính là con cháu của nông dân xứ mình. Họ được ăn học đàng hoàng, có kiến thức đa ngành sẽ là sức mạnh tổng hợp “nối dài” chuỗi giá trị của nông sản quê mình.

Giữa những bộn bề lo toan, giữa những bất an về dịch bệnh, niềm vui xứ rẫy cũng chính là điểm sáng của một năm qua nhìn lại. Mong mỏi sao cho trên đà thành công này, chúng ta sẽ tiếp nối nhiều thành công lớn hơn trong sản xuất nông nghiệp khi bước vào một năm mới.

Hailua@.com

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh