Theo Bộ Xây dựng, đô thị (ĐT) ĐBSCL có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, bộ mặt ĐT ngày càng khang trang, hiện đại và có bản sắc. Tuy nhiên, phát triển ĐT còn gặp nhiều thách thức.
Phát triển đô thị ĐBSCL cần duy trì bản sắc văn hóa lối sống sông nước, miệt vườn. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long. |
Theo Bộ Xây dựng, đô thị (ĐT) ĐBSCL có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, bộ mặt ĐT ngày càng khang trang, hiện đại và có bản sắc. Tuy nhiên, phát triển ĐT còn gặp nhiều thách thức.
Vừa qua, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức hội thảo: “Định hướng phát triển hệ thống ĐT, nông thôn vùng ĐBSCL” tại TP Cần Thơ nhằm tìm giải pháp khắc phục các tồn tại và giải quyết thách thức.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đây là hội thảo rất quan trọng nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý để thúc đẩy liên kết vùng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại hội thảo sẽ góp phần quan trọng để Bộ Xây dựng và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy hoạch của quốc gia và các cơ chế chính sách trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển ĐT trong thời gian tới”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, đồng thời đề nghị thảo luận sâu về các chính sách trong quản lý phát triển hệ thống ĐT và nông thôn vùng ĐBSCL; định hướng hình thành bộ khung, xác định mô hình phát triển, hình thái phát triển; thúc đẩy liên kết vùng, kết nối đồng bộ, hữu cơ giữa ĐT và nông thôn.
Cùng với đó là vấn đề hỗ trợ tài chính cũng như việc huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch hệ thống ĐT và nông thôn, đặc biệt là những dự án phát triển ĐT trọng điểm…
ĐBSCL hiện có 174 ĐT (gồm 1 ĐT trực thuộc Trung ương, 2 ĐT loại I thuộc tỉnh, 12 ĐT loại II, 9 ĐT loại III, 23 ĐT loại IV, còn lại là ĐT loại V). Tỷ lệ ĐT hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ĐT được quan tâm, đẩy mạnh.
Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế về nâng cấp ĐT, cấp thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, vẫn còn nhiều thách thức, thể hiện qua: tỷ lệ ĐT hóa và tốc độ ĐT hóa của vùng vẫn thấp hơn so cả nước; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải còn thấp và hầu hết đang sử dụng công nghệ lạc hậu… Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, lũ lụt, hạn mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo Viện Quy hoạch ĐT và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), xây dựng các khu định cư ĐT- nông thôn vùng ĐBSCL không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng và hội nhập kinh tế mà cần có trách nhiệm với hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với BĐKH và duy trì bản sắc văn hóa lối sống sông nước, miệt vườn Tây Nam Bộ.
Khái quát lịch sử ĐT vùng ĐBSCL có thể nhận diện sự khác biệt so với các vùng kinh tế xã hội khác, ĐT nông thôn ĐBSCL trong các thời kỳ đều gắn với xã hội trồng lúa, thương mại và chế biến lúa gạo.
Cấu trúc định cư ĐT ĐBSCL theo dạng “thành thị nông thôn” hay “đô thị nông nghiệp” tạo nên bản sắc đặc trưng vùng sông nước. Để ĐT hóa vùng ĐBSCL giai đoạn 2020- 2030, cần thiết kế thừa lịch sử phân bố dân số nhưng phát triển theo hướng công nghiệp hóa.
Phân bố dân cư ĐBSCL cần tập trung, không dàn trải để tiết kiệm hạ tầng và thích ứng biến đổi khí hậu, phát huy thế mạnh tự nhiên phát triển giao thông thủy. Đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới của cách mạng 4.0 trong phát triển ĐT, tăng cường liên kết vùng, gắn với hoạt động kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng.
Để phát triển đô thị bền vững, trong các quy hoạch cần quan tâm “dành chỗ cho nước”. Trong ảnh: Một góc TP Vị Thanh (Hậu Giang) bên kinh xáng Xà No. |
Phó cục trưởng Cục Phát triển ĐT (Bộ Xây dựng) Trần Thị Lan Anh đề xuất mô hình phát triển hệ thống ĐT- nông thôn vùng ĐBSCL là: phi tập trung, “nén”- chủ động “dành chỗ cho nước”.
Bên cạnh, cần đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái; liên kết ĐT- nông thôn theo tiểu vùng ngập để có giải pháp chống ngập và mô hình phát triển phù hợp. Trong đó, với ĐT xây dựng mới thì phát triển mở rộng ĐT, quy hoạch xây dựng ĐT mới trên vùng đất cao- không xây dựng sát bờ sông, bờ biển để tránh sạt lở.
Đồng thời, khuyến khích xây dựng mô hình nhà sống chung với lũ lụt như: nhà cao tầng, để rỗng tầng dưới hoặc kiểu nhà nổi. Đối với vùng ngập nông, áp dụng giải pháp tôn nền. Đối với vùng ngập sâu, chọn giải pháp xây dựng đê bao khoanh vùng.
Vụ Quy hoạch- Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đề xuất định hướng phân bố các ĐT trọng điểm theo 3 vùng hình thái. Trong đó, khuyến khích phát triển ĐT theo hướng phát triển ĐT nén, hạn chế mở rộng dàn trải, không hình thành vùng ĐT hóa, các dải ĐT hóa liên tục tại vùng giữa đồng bằng (chiếm 54- 56% dân số ĐT toàn vùng) và hạn chế quy mô phát triển của các ĐT tại vùng ngập sâu, chiếm 8-9% dân số ĐT toàn vùng và vùng ven biển, chiếm 36- 37% dân số ĐT toàn vùng. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin