Ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Nghị định chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020, thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ.
Ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Nghị định chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020, thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ.
Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe. |
Theo đánh giá của Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT), sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, các bộ, ngành địa phương đã triển khai nghiêm túc và có hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Việc thực hiện các quy định của nghị định cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, góp phần lập lại trật tự trong hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 86 cùng với những thay đổi về quy định pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, một số nội dung của nghị định còn bất cập.
Quy định về kinh doanh vận tải hợp đồng, du lịch còn bất cập cũng như việc chậm trễ trong ứng dụng công nghệ trong quản lý dẫn đến tình trạng một số đơn vị sử dụng xe vận chuyển hợp đồng tổ chức dịch vụ theo hình thức tuyến cố định, cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; hiện tượng “xe dù, bến cóc” ăn theo loại hình vận chuyển hợp đồng theo hình thức tuyến cố định bùng phát phức tạp ở hầu hết các địa phương.
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được ban hành phù hợp với những quy định mới của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho việc ứng dụng các phần mềm kết nối trong kinh doanh vận tải.
Nghị định số 10 gồm 7 chương 37 điều, tăng 2 chương và tăng 1 điều so với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Trong đó có một số nội dung quan trọng đáng chú ý với mục tiêu giải quyết được những vấn đề bất cập mà dư luận đang hết sức quan tâm.
Trước ngày 1/7/2020 đối với các bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 và trước ngày 1/7/2021 đối với các bến xe khách còn lại, phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và cung cấp thông tin (gồm: tên bến xe, tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, tuyến hoạt động, giờ xe xuất bến, số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Từ ngày 1/7/2022, trước khi xe xuất bến doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định thực hiện cung cấp nội dung (gồm: tên bến xe, tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, tuyến hoạt động, giờ xe xuất bến, số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên lệnh vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT.
Trước ngày 1/7/2022, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải cung cấp thông tin (gồm: tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, tuyến hoạt động, giờ xe xuất bến) trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe thông qua phần mềm của Bộ GTVT.
Từ ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch, trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT.
Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu là 6 x 20cm và phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe,…
Quy định lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải, cụ thể như sau: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông (ví dụ: ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác...) giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm; đồng thời giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ô tô.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin