Vài ngày gần đây, Vĩnh Long có những cơn mưa trái mùa quý như vàng vì giải cơn khát nước do hạn, mặn. Nắng hạn trông mưa, nhưng khi có mưa, nhất là giai đoạn chuyển mùa thì còn mang tới nỗi lo sạt lở.
Hạn mặn gay gắt, nhiều nơi gặp khó khăn về nguồn nước tưới cho cây trồng và cả nước sinh hoạt. Trong ảnh: Ông Quách Văn Mười mở sẵn vòi để canh hứng nước nhưng nước máy cũng chỉ nhỏ giọt. |
Vài ngày gần đây, Vĩnh Long có những cơn mưa trái mùa quý như vàng vì giải cơn khát nước do hạn, mặn. Nắng hạn trông mưa, nhưng khi có mưa, nhất là giai đoạn chuyển mùa thì còn mang tới nỗi lo sạt lở.
Mưa vàng cứu khát
Những ngày qua, bên cạnh bản tin cập nhật số liệu đo mặn tại các trạm trong tỉnh, Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cũng đã phát hành những bản tin cảnh báo mưa giông trên địa bàn tỉnh. Đáng kể nhất là vào ngày 13/4, Vĩnh Long đã có mưa trên diện rộng với lượng mưa khá lớn. Những cơn mưa trái mùa quý giá giúp giải cơn khát mùa hạn, mặn.
Vườn sầu riêng của anh Nguyễn Văn Niêm (ấp Lăng, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) đã chịu cảnh khát nước đến nay đã gần 2 tháng, bởi nguồn nước ngọt để tưới thời gian qua rất khó khăn.
Vì từ khi mặn xâm nhập đến nay, độ mặn ngoài sông luôn ở ngưỡng gây hại cho sầu riêng nên nhiều nhà vườn nơi đây phải canh từng con nước, hiện nguồn nước trong mương vườn muốn khô kiệt. Nay có mưa xuống giúp cây đủ nước ngọt, rửa mặn trong mương vườn bao lâu nay.
Gần đó, vườn sầu riêng ông Nguyễn Văn Chung cũng đang trong giai đoạn cần có nước ngọt để phục hồi lại sau thời gian bị nước mặn xâm nhập gây héo lá. Những cơn mưa trái mùa này rất là quý vì giai đoạn này vườn sầu riêng của ông Chung đang độ phục hồi bộ rễ, lấy lại sức. Hiện ông Chung cũng đang tính đến chuyện tỉa cành, tạo tán, cưa bớt những nhánh đã chết để chăm sóc lại.
Ghi nhận tại một số nhà vườn có sầu riêng bị nhiễm mặn, nhiều hộ chưa có giải pháp hữu hiệu để trữ nước ngọt giúp cây chống chịu qua thời gian hạn, mặn nên những cơn mưa trái mùa như hiện nay là rất quan trọng, giúp nhà vườn giảm bớt áp lực thiếu hụt nguồn nước tưới.
Thời gian qua, mặn xâm nhập luôn duy trì ở mức gây hại cây trồng, nên công chôm chôm của ông Quách Văn Mười (ấp Bình Hòa 2, xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) còi cọc lá, mương thì khô cạn nước tưới. Gia đình ông Mười càng thêm lo lắng vì nước sinh hoạt cũng chỉ nhỏ giọt, canh hứng nước cả tuần mà không đầy một lu nên ông Mười mua nước thùng để dùng vào việc nấu nướng, còn tắm giặt thì múc nước sông.
Theo ông Mười, nước sinh hoạt thì có thể mua nước bình chứ vườn cây thì ngoài sông nước mặn là chịu chết, có mưa xuống thì nhà vườn nơi đây đỡ khổ.
Nguy cơ sạt lở giai đoạn chuyển mùa
Mưa trong mùa hạn đang giúp cho nhiều nhà vườn qua cơn khát bấy lâu nay, nhưng đang nắng hạn lại có mưa và nhất là giai đoạn chuyển mùa thì còn mang tới nỗi lo sạt lở. Bởi theo dự báo của ngành chuyên môn, nguy cơ sạt lở bờ sông sẽ gia tăng do hạn, mực nước sông hạ thấp, bờ sông trở nên cao hơn so với mặt nước, khiến bờ sông nặng và dễ sụp hơn.
Xác định sạt lở có thể diễn ra dữ dội vào đầu mùa mưa tới và nguy cơ này cần được cảnh báo sớm, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, trước mắt, người dân sống ven sông rạch và chính quyền địa phương cần tiên liệu rằng sạt lở có thể diễn ra dữ dội đầu mùa mưa. Đặc biệt chú ý các địa điểm sông cong, nơi bờ sông cao, đất nhiều cát, mái dốc quá hẳm để theo dõi chặt chẽ, di dời sớm và chuẩn bị lực lượng ứng cứu.
Một điểm sạt lở nguy hiểm dài 100m tại vàm Bà Đồng (ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình- Bình Tân). |
Trường hợp sạt lở xảy ra chỉ còn cách ứng phó tình huống và so sánh, chọn lựa phương án cho từng vụ sạt lở cụ thể. Chọn biện pháp công trình hay phi công trình, điều quan trọng là xem có bảo vệ được phần chân bờ sông hay không. Ở những nơi không thể bảo vệ thì chọn phương án rút lui, ưu tiên dùng kinh phí để tái định cư, ổn định đời sống sớm cho người dân.
Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho rằng, để ứng phó, khắc phục sạt lở thì cần có “phác đồ điều trị” cho từng điểm sạt lở, tính toán rõ, sạt lở kiểu gì thì khắc phục kiểu đó, tránh tình trạng tư vấn thiết kế các công trình đê kè quá lớn gây lãng phí và không phát huy được hiệu quả.
Chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, sạt lở, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- yêu cầu rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kiểm tra, rà soát hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, nhà yếu, dân cư vùng sạt lở nguy hiểm để có kế hoạch duy tu, sửa chữa, di dời sớm.
Bên cạnh xây dựng các phương án, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, khắc phục hậu quả, ổn định dân cư, các địa phương cần vận động người dân thực hiện biện pháp phi công trình như trồng cây chống, hạn chế sạt lở. Đẩy nhanh tiến độ cũng như tăng cường giám sát đầu tư cộng đồng trong thi công các công trình đê bao, thủy lợi để nâng cao hiệu quả ứng phó sạt lở cũng như phòng chống thiên tai nói chung.
Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, những ngày qua, tại các tỉnh ở Nam Bộ xuất hiện những cơn mưa tương đối lớn. Điều này rất ít xảy ra vào thời điểm tháng 4 và lượng mưa này được xem là lớn nhất kể từ đầu mùa khô tại Nam Bộ trong năm nay. Thông thường phải cuối tháng 5 qua đầu tháng 6 thì các tỉnh Nam Bộ mới bắt đầu bước vào mùa mưa. Tuy nhiên, giữa tháng 4, các tỉnh Nam Bộ đã có những cơn mưa trái mùa như những ngày qua trước mắt sẽ đem lại lợi ích khi các tỉnh đang bị thiếu nước trầm trọng. Cụ thể, mưa sẽ làm biến động nhẹ mực nước trên các sông rạch, làm loãng phần nào độ mặn tại các ruộng lúa, các hồ, giúp cây trồng được tưới mát sau thời gian nắng hạn kéo dài. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin