Tam Bình chủ động ứng phó hạn mặn

09:02, 21/02/2020

Nước mặn xâm nhập vào các xã của huyện Tam Bình hơn 1 tháng nay, với độ nhiễm mặn có lúc trên 1‰ đe dọa sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với các cấp chính quyền, nông dân huyện Tam Bình đã có những giải pháp phòng chống hạn mặn.

 

 

Phóng viên cùng chị Trinh thăm vườn sầu riêng. Gia đình chị Trinh đang cố gắng bảo vệ vườn sầu riêng không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.
Phóng viên cùng chị Trinh thăm vườn sầu riêng. Gia đình chị Trinh đang cố gắng bảo vệ vườn sầu riêng không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Nước mặn xâm nhập vào các xã của huyện Tam Bình hơn 1 tháng nay, với độ nhiễm mặn có lúc trên 1‰ đe dọa sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với các cấp chính quyền, nông dân huyện Tam Bình đã có những giải pháp phòng chống hạn mặn.

Chính quyền chủ động

Đến thời điểm hiện tại, huyện Tam Bình đã chủ động ứng phó và chưa có thiệt hại cụ thể do hạn mặn gây ra. Địa phương đã có những biện pháp tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả hạn, mặn. Khai thác các giếng khoan ngầm đã có và dự trữ nước ngọt vào ao, hồ, bể,… khi thiếu nước tưới và nước sinh hoạt; hướng dẫn bà con trữ nước khi có xâm
nhập mặn.

Ông Hứa Văn Chiến- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình cho biết: “Ngay từ giữa tháng 12/2019, phòng đã có kế hoạch phòng chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh, đảm bảo sản xuất trên địa bàn huyện”.

Dự báo các ấp: ấp Nhứt, An Phong, An Thới, Đông Phú, Đông Hậu có diện tích hơn 1.000ha trong đó chủ yếu trồng cây ăn quả, rau màu và lúa có thể bị ảnh hưởng khi xâm nhập mặn do địa bàn cặp sông Măng sẽ bị ảnh hưởng bởi thủy triều.

Anh Trần Minh Hùng- cán bộ thủy lợi huyện Tam Bình- cho biết, cặp tuyến sông Măng, cán bộ nông nghiệp huyện đã cho tiến hành đo độ mặn ở 7 xã mỗi ngày. Qua hệ thống tin nhắn, thông tin độ mặn được nhắn kịp thời cho các trưởng ấp và nếu độ mặn trên 1‰ thì ngay lập tức các trưởng ấp sẽ yêu cầu người dân đóng cống, không lấy nước đó trữ để tưới cây.

“Để ứng phó với hạn, mặn, trước đó, người dân đã tiến hành nạo vét kinh mương, tận dụng ao hồ chứa nước ngọt, trữ nước ngọt trong túi cao su, áp dụng tưới tiết kiệm, có người còn kỹ đến mức tự mua bút đo độ mặn để kiểm tra nước trước khi tưới vì khổ qua, dưa leo, sầu riêng… mà tưới nước có độ mặn trên 1‰ thì chết hết”- anh Trần Minh Hùng cho biết.

Là một trong những xã nằm cặp tuyến sông Măng, dễ ảnh hưởng hạn mặn, Ngãi Tứ đã chủ động và thường xuyên cập nhật độ mặn, kịp thời thông tin đến nông dân.

Ông Lê Trung Toàn- Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ- cho biết: UBND xã phân công thành viên phụ trách từng ấp, mỗi ngày 2 lần đo độ mặn theo triều cường. Hiện các ấp đang thả nước ra sau đó đợi đầu con nước rong, độ mặn thấp thì thả nước vào mương, tưới phun đảm bảo nước dự trữ sử dụng được 15 ngày.

Trước đó, xã đã làm thủy lợi nội đồng để khai thông cống rãnh. Khó khăn của xã là nông dân chủ yếu trồng màu, mương chứa nước thường là các rãnh nhỏ, ít nước. Do đó, nếu hạn mặn kéo dài liên tục 20 ngày trở lên sẽ ảnh hưởng sản xuất.

Công trình thủy lợi để Tam Bình chủ động chống hạn mặn.
Công trình thủy lợi để Tam Bình chủ động chống hạn mặn.

Nông dân sẵn sàng

Ấp An Thới là một trong những nơi trồng rau màu nhiều nhất ở Ngãi Tứ. Theo những kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm trước, bà con nông dân vẫn an tâm xuống giống vụ màu mới trong tình hình hạn mặn đang xâm nhập.

6 công dưa leo của chú Trần Thanh Phú xanh rì, vừa bắt đầu ra hoa thì chú đang ráo riết chuẩn bị “xuống giống thêm 6.000 hột dưa leo nữa”. Chú Trần Thanh Phú kể: “Hạn mặn lịch sử năm 2016 lúc đó nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm, cứ bơm nước vô đại mà tưới. Hậu quả là ông Năm xóm trên trồng dưa hấu phải bỏ cả ruộng, dưa leo của tui rụi hết. Lúc đó dưa 9.000- 10.000 đ/kg mà không có trái nào để hái bán.

Bây giờ thì có nhiều kinh nghiệm hơn rồi, nước mới nhóm lên mà độ mặn dưới 1‰ là tụi tui bơm vô trữ chứ nước rong cao nhất là sẽ mặn lại thôi. Dưa leo phải tưới mỗi ngày 2 lần, nếu trữ lại thì tụi tui có thể tưới trong 10 ngày”.

Anh Lê Văn Đầm trồng 10 công dưa leo ở ấp An Thới giáp ranh với ấp Đông Thạnh. Nghe thông báo mặn về sớm, gia đình anh tranh thủ trữ nước ngọt để tưới dưa. Anh Đầm cho biết: “Mới vừa rằm tháng Chạp năm 2019 là độ mặn dữ nhất.

“Bí kíp” để nông dân biết nước mặn thì chỉ cần nếm thử nước hay xuống sông tắm mà cảm giác rít chịt cả người, cùng lúc đó xã đo độ mặn rồi gọi điện báo anh em ngưng ngay không được bơm nước vô. Chúng tôi đào mương, tận dụng ao hồ chứa nước ngọt nhưng còn một mong muốn lớn là con kinh An Thới chỉ mới có ống bọng phía bên ngoài thôi, chúng tôi mong được đầu tư có thêm ống bộng bên trong để giữ nước tốt hơn”.

Trong khi đó, vườn sầu riêng hơn 6.000m2 của chị Cao Thị Trinh (ấp Cây Bàng, xã Mỹ Thạnh Trung) đang gặp khó khăn vì thiếu nước tưới. Dẫn chúng tôi trong vườn cây gần 10 năm tuổi đang sung sức, cây sai trái có khoảng 40 trái. Chị Trinh cho biết: “Độ giữa tháng 4 là thu hoạch mà nước mặn vầy nên tui lo lắm”.

Màu rất dễ bị ảnh hưởng bởi nước mặn, người dân xã Ngãi Tứ mong được hỗ trợ trữ nước tốt hơn.
Màu rất dễ bị ảnh hưởng bởi nước mặn, người dân xã Ngãi Tứ mong được hỗ trợ trữ nước tốt hơn.

Mỗi ngày, vợ chồng chị Trinh đều cập nhật độ mặn theo thông báo từ ấp để bơm nước vào mương dự trữ. Chỉ tay vào những gốc sầu riêng, chị Trinh nói: “Tui mới bón phân hữu cơ cho cây đó, phân hữu cơ phải có độ đạm trên 80%. Sáng này mới tưới phun vì độ mặn là 0,07‰”.

Vợ chồng chị Trinh cũng vừa vét ao sâu hơn để trữ được nhiều nước. Chị đang đợi con nước rong mới chớm lên thả nước vào ao vì mới nghe thông báo độ mặn thấp. Chị cười nói thêm: “Hồi xưa, tui không biết làm đại theo kinh nghiệm, giờ nhà có mạng, cần gì lên coi kỹ sư người ta hướng dẫn hay lắm. Tôi mới xin mớ rơm, chuẩn bị che gốc sầu riêng để hạn chế thoát nước”.

Cùng với những kế hoạch chủ động ứng phó hạn mặn của chính quyền địa phương, nông dân huyện Tam Bình đã ý thức và chủ động bảo vệ nông sản trước những khó khăn
trước mắt.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, dự báo ảnh hưởng của hạn, mặn sắp tới nếu độ mặn vượt đỉnh mặn vào tháng 1/2020: Vụ Đông Xuân 2019- 2020 sẽ xuất hiện hạn mặn làm ảnh hưởng đến 2.909ha lúa, cây ăn trái, rau màu và 44,5ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 1.099ha lúa, 480ha rau màu và 1.330ha vườn cây ăn trái thuộc thị trấn Tam Bình và các xã Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ, Tường Lộc, Hòa Hiệp và Hòa Thạnh. Về thủy sản, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng 44,5ha chủ yếu nuôi cá tra; trong đó, ấp Đông Hậu (xã Ngãi Tứ): 32ha, ấp Cái Cui (Hòa Lộc): 12,5ha.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh