Mặn xâm nhập sớm, sâu và cao

Cập nhật, 10:53, Thứ Ba, 17/12/2019 (GMT+7)

Từ ngày 8/12/2019, nước mặn đã xuất hiện tại Vũng Liêm và sau đó độ mặn tiếp tục tăng cao tại hầu hết các trạm đo. So với dự báo của ngành chuyên môn và diễn biến mặn của mùa khô năm trước, năm nay mặn đã xâm nhập sớm và độ mặn cao hơn. Nhiều khả năng mặn sẽ còn xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) sử dụng nước mưa dự trữ thay cho nước máy vì ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) sử dụng nước mưa dự trữ thay cho nước máy vì ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Mặn đến sớm, sâu và cao hơn dự báo

Những ngày qua, độ mặn đo được tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) liên tục tăng, đỉnh điểm đo được trên dưới 10‰.

Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nếu so với kịch bản xâm nhập mặn được ngành chuyên môn xây dựng thì mùa khô năm nay mặn đã xâm nhập sớm 15 ngày và độ mặn cao hơn gấp đôi so dự báo.

Với việc mặn xâm nhập như hiện nay, phạm vi khả năng ảnh hưởng được xác định diện tích nhiễm mặn khoảng 33.000ha toàn tỉnh, trong đó nhiều nhất là Vũng Liêm 17.000ha, kế đến là các huyện Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình. Diện tích bị hạn do thiếu nước là 68.972ha, trong đó bao gồm diện tích lúa Đông Xuân, lúa Hè Thu và cây lâu năm.

Mặn cũng gây ảnh hưởng đến 31 trạm cấp nước trong toàn tỉnh (Vũng Liêm 17 trạm, Tam Bình 9 trạm, Trà Ôn 4 trạm và Mang Thít 1 trạm), 66.264 hộ dân ảnh hưởng do nguồn nước nhiễm mặn và 26.400 hộ dân nông thôn không có nước máy sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (ấp Phú An- xã Trung Thành Đông) cho biết những ngày qua, do nước mặn xâm nhập nên nước máy bà đang sử dụng cũng bị mặn nên bà chỉ dùng cho tắm giặt, còn nấu ăn thì bà xài nước mưa dự trữ. Mà nước mưa thì cũng không nhiều, nếu tình trạng mặn kéo dài thì nước mưa cũng không còn để dùng.

Ở gần đó, bà Trần Ngọc Yến cho hay, hôm rồi nước mặn đến mức bà nấu cháo mà không cần phải nêm muối cũng đã... vừa ăn. Mặc dù cũng nghe thông báo về nước mặn xâm nhập nhưng không nghĩ là mặn đến sớm như vậy.

Từ khi nước mặn xâm nhập, bà Yến tạm thời “cắt nước” mấy công mít và tứ quý, đợi khi độ mặn giảm bà mới dám tưới để bảo đảm không gây hại cây trồng. Riêng mấy công ruộng chuẩn bị xuống giống Đông Xuân muộn của gia đình bà Yến thì cũng đang trong tình trạng chờ nước. Mặn kéo dài thì nhiều khả năng khu vực bà sản xuất không thể xuống giống kịp thời vụ.

Ông Nguyễn Văn Lợi- Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho biết: Sau 38 năm công tác, ông chưa thấy năm nào tỉnh Vĩnh Long lại chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn sớm vào tháng 12. Cụ thể, chưa có năm nào trong tháng 12, tại cống Nàng Âm độ mặn cao 8,2‰, vàm Vũng Liêm 6,6‰.

Theo quy luật nhiều năm thì Vĩnh Long chịu ảnh hưởng mặn từ tháng 2- 5, cao điểm độ mặn thường xuất hiệu vào tháng 3- 4. Nhưng trong vài năm gần đây, quy luật này đã biến đổi, mặn xâm nhập sớm hơn và độ mặn cao hơn. Ông Nguyễn Văn Lợi cũng đưa ra nhận định, tình hình hạn- mặn trong mùa khô này sẽ diễn ra gay gắt, xấp xỉ và có khả năng cao hơn cả đợt hạn- mặn lịch sử 2016.

Chủ động giải pháp ứng phó

Vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh triển khai kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2019- 2020 nhằm đảm bảo nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là 26.400 hộ dân nông thôn không có nước máy sử dụng, hơn 30.000ha lúa Hè Thu, 3.500ha rau màu ở các huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Theo kế hoạch này, chú trọng việc xây dựng kế hoạch phòng chống, triển khai kịp thời, tuyên truyền rộng rãi để các ngành, các cấp và người dân chung tay thực hiện ứng phó. Điều hành việc đóng cống ngăn mặn kịp thời, tích trữ nước tối đa trong hệ thống kinh, rạch. Đồng thời khuyến cáo sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả và đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, lựa chọn cây trồng chịu hạn tại một số vùng xa nguồn nước.

Đối với giải pháp công trình, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo tập trung ưu tiên đầu tư nạo vét kinh mương, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ, củng cố bờ bao ngăn mặn trữ ngọt, duy tu sửa chữa cống, bộng, nâng cấp mở rộng các trạm cấp nước tập trung đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt và sản xuất.

Toàn tỉnh dự kiến thực hiện 83 công trình thủy lợi gồm nạo vét kinh tạo nguồn, kinh rạch nội đồng, duy tu sửa chữa cống và hỗ trợ bơm tát với tổng kinh phí khoảng 98 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 9 công trình, diện tích phục vụ 18.000ha, kinh phí 46,5 tỷ đồng.

Ngân sách tỉnh thực hiện 26 công trình, diện tích phục vụ 4.500ha, kinh phí 16 tỷ đồng. Ngân sách cấp huyện thực hiện 48 công trình, diện tích phục vụ 5.600ha, kinh phí 18 tỷ đồng và cải tạo và sửa chữa 27 công trình cấp nước kinh phí 8,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó là kinh phí hỗ trợ bơm tát 8.284ha, cấp bột xử lý nước, khai thác 10.000 giếng khoan hiện có trong toàn tỉnh.

Ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và huyện theo dõi sát diễn biến, mặn, tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nắm rõ vùng chung tay ứng phó. Ngành chuyên môn cần có kế hoạch cung cấp nước sinh hoạt, hướng dẫn người dân trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh nguồn nước.

Địa phương xây dựng phương án sản xuất phù hợp trước mắt và lâu dài trên cơ sở rà soát thực tế, chú trọng huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh trong phòng chống hạn, mặn.

Hướng xâm nhập mặn vào tỉnh Vĩnh Long

Hướng sông Cổ Chiên, ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Dài (Vũng Liêm). Trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Cổ Chiên như Cái Hóp, Nàng Âm, sông Vũng Liêm, rạch Trường Định và sông Măng Thít, ảnh hưởng đến các xã thuộc 2 huyện Vũng Liêm và Mang Thít.

Hướng sông Hậu, ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Mây (Trà Ôn). Trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Hậu như rạch Tân Dinh, Rạch Chiết, Mương Điều, Rạch Tra, rạch Bang Chang, sông Trà Ôn, ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Trà Ôn và một phần huyện Tam Bình.

 

 

Bài, ảnh: LÊ SƠN