Ngày 8/11/2019, ngày cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tiếp tục với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo và làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng.
Ngày 8/11/2019, ngày cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tiếp tục với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo và làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng.
Trả lời về công tác quản lý báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay đang quy hoạch các cơ quan báo chí, khi quy hoạch lại sẽ cấp lại giấy phép và trong giấy phép đó làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí một, tránh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích như hiện nay.
Theo Bộ trưởng, hiện cả nước có 868 cơ quan báo chí, gồm báo, tạp chí, đài phát thanh- truyền hình.
Trước thực tế này, Trung ương phải sắp xếp lại theo hướng mỗi một tờ báo, mỗi một tạp chí, mỗi một đài phát thanh đều cần có những lĩnh vực chuyên sâu của mình để phản ánh được toàn cảnh xã hội Việt Nam.
Và trong năm 2019 sẽ quy hoạch xong các cơ quan báo chí của khoảng 40 hội; đến năm 2020 sẽ thực hiện xong quy hoạch, báo chí của các bộ, ngành và địa phương.
Giải trình làm rõ thêm các nhóm vấn đề, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số.
Trung ương đã xác định cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải cách giáo dục- nhất là cải cách hành chính- thì hiện đại hóa nền hành chính được xác định là 1 trong 6 trụ cột trong cải cách hành chính nhà nước.
Về vấn đề kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho rằng, Đảng đã khẳng định đây là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Trung ương gần đây đã có một nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân. Hiện lĩnh vực này đóng góp tới 40% GDP cả nước.
Điều đó có nghĩa không có sự phân biệt giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước. Về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Thủ tướng khẳng định, phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND cùng các cơ quan rà soát, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…
Về năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ, Thủ tướng xác nhận còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán ở một số bộ, ngành, địa phương cả về tư duy lẫn hành động trong quản trị nhà nước.
Thủ tướng sẽ chỉ đạo rà soát trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương.
Nhắc đến việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhìn nhận, hiện còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và bờ sông, bờ biển sạt lở nghiêm trọng...
Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành sớm các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL; đặc biệt cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai vào quý I/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện. Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL.
Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.
TÂM THI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin