Ngăn chặn lợi dụng chính sách khoanh, xóa nợ thuế để trục lợi

08:10, 27/10/2019

Xử lý nợ thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng phải phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Đó là một trong những nguyên tắc được quy định trong dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách... đang được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Xử lý nợ thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng phải phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Đó là một trong những nguyên tắc được quy định trong dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách... đang được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Khách hàng đến giao dịch tại Cục Thuế tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN.
Khách hàng đến giao dịch tại Cục Thuế tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN.

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TP Hồ Chí Minh, việc ban hành các quy định pháp luật về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) phù hợp với thông lệ quốc tế. Hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều có cơ chế để thực hiện việc xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi. 

“Việc xử lý nợ thuế sẽ giúp cho bảng cân đối ngân sách được rõ ràng, minh bạch hơn. Đồng thời, cơ quan quản lý và cán bộ quản lý thuế cũng giảm bớt thời gian để theo dõi, quản lý những khoản nợ không còn đối tượng thu", ông Nguyễn Đức Nghĩa nói. 

Đối với người nộp thuế, ngoại trừ các trường hợp cố tình chây ỳ, hầu hết các khoản nợ thuế phát sinh cần xử lý đều do yếu tố khách quan như: Người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc do doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, bị thiên tai, bất khả kháng... Khi các khoản nợ đọng được xóa bỏ, sẽ giúp cho người thừa kế không còn bị liên đới trách nhiệm nợ, giúp cho người góp vốn, người đại diện pháp luật được giải phóng nghĩa vụ pháp lý để tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh khác đóng góp cho xã hội. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng nhấn mạnh: Khi xử lý nợ cũng cần lưu ý: Thứ nhất, trước khi đề xuất áp dụng cơ chế xóa nợ thuế cho các đối tượng, cơ quan thuế cần có sự phối hợp với các đơn vị hỗ trợ khác như kiểm toán, ngân hàng, quản lý tài sản… Từ đó, xác định thực tế khách quan của các khoản nợ thuế, loại trừ các hành vi tẩu tán tài sản trước khi tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai, đối với người mất tích, việc xử lý chỉ nên ưu tiên thực hiện bằng biện pháp khoanh nợ. Bởi vì, trong trường hợp người bị xem là mất tích trở về thì các khoản nợ sẽ bị khôi phục toàn bộ. Điều này nhằm tránh các trường hợp bỏ trốn khỏi địa phương để lạm dụng chính sách xóa nợ thuế của nhà nước.

Thứ ba, đối với người mất năng lực hành vi dân sự, việc xử lý cũng chỉ nên ưu tiên thực hiện bằng biện pháp khoanh nợ. Bởi vì, trong trường hợp người bị xem là mất năng lực hành vi dân sự hồi phục lại, thì các khoản nợ sẽ bị khôi phục toàn bộ nợ gốc. Do bệnh tật là có yếu tố khách quan, vì thế không nên tính tiền chậm nộp với đối tượng này để thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

Xử lý tiền thuế nợ không có nghĩa là xóa nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế. Theo dự thảo, trường hợp đã được xoá nợ, nếu phát hiện việc xoá nợ không đúng quy định, hoặc người nộp thuế quay trở lại sản xuất kinh doanh, thì phải nộp vào ngân sách khoản đã được xoá. 

Đề cập tới vấn đề này, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là quy định có tính phòng ngừa gian lận và tiêu cực, cũng như dự liệu một thực tế có khả năng xảy ra. Nói cách khác, là một biện pháp phòng ngừa lách luật để trốn thuế. Một doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hoàn toàn có thể tạm dừng hoạt động, nộp hồ sơ xin giải thể, thậm chí bị ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng sau đó, vẫn có khả năng quay lại hoạt động bình thường. Nếu quay lại hoạt động, thì tư cách người nộp thuế vẫn còn tồn tại và sẽ không thuộc trường hợp được xóa nợ thuế. Quy định này là cần thiết và trong văn bản luật phải có những quy định mang tính dự liệu và phòng ngừa như vậy.

“Cần có thêm các quy định về cơ chế giám sát tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình thực hiện để tránh gian lận, tiêu cực. Bất kỳ khiếu nại hoặc tố cáo nào liên quan phải được xử lý và trả lời công luận một cách kịp thời, công khai”, Luật sư Hà Huy Phong nói.

Trước đó đề cập về tình hình nợ đọng thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế. Về nguyên nhân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong số nợ đọng thuế nêu trên, theo thống kê, đánh giá của cơ quan quản lý thuế, là do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ, không còn khả năng nộp NSNN.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh