Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công: Khi dân không có thông tin, thì bi kịch kêu cứu không bao giờ chấm dứt

07:10, 30/10/2019

Ngày 30/10/2019, trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công đã có những ý kiến đề xuất những giải pháp nhằm huy động nguồn lực cho mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định và nâng cao đời sống người dân, đặc biệt nhất là nông dân.

Ngày 30/10/2019, trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công đã có những ý kiến đề xuất những giải pháp nhằm huy động nguồn lực cho mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định và nâng cao đời sống người dân, đặc biệt nhất là nông dân.

Theo đại biểu Lưu Thành Công, rào cản lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường.

Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp thông tin trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Trở ngại lớn nhất của nông dân hiện nay không phải là vốn, không phải là kỹ thuật canh tác mà là thông tin.

Nông dân chỉ biết lao động ngoài đồng ruộng, trên nương rẫy tạo ra các sản phẩm nông nghiệp mà không hề biết những thông tin về thị trường.

Nông dân hiện nay chỉ nhận được thông tin qua những kênh không chính thống từ các đại lý thu mua, từ các thương lái, không hề có một tư vấn nào khác về thị trường nên họ không có được những quyết định chính xác về cách thức sản xuất của mình đúng theo các quy luật của kinh tế thị trường.

Chừng nào những thông tin chính thống về giá cả thị trường chưa đến được với nông dân thì bi kịch kêu cứu hàng nông sản sẽ còn tiếp diễn và không bao giờ chấm dứt.

Việc này Chính phủ phải có trách nhiệm bằng mọi cách phải đưa cho được những thông tin này đến tận người dân để biết mà quyết định giống vật nuôi cây trồng, sản lượng, thời vụ cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Một rào cản thứ hai trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Một thực tiễn đòi hỏi mà nhiều năm qua chúng ta chưa giải quyết được và cần phân biệt rõ khái niệm tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất.

Tích tụ ruộng đất là gắn với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nông dân sẽ mất quyền sở hữu đất sau khi chuyển nhượng.

Quản lý nhà nước của ta hiện nay là cấm tích tụ ruộng đất để đầu cơ, kinh doanh. Ngược lại, làm sao Nhà nước khuyến khích cho được mô hình tập trung ruộng đất liên kết những mảnh đất khác nhau của nhiều người để cùng đạt được mục tiêu khai thác có hiệu quả.

Chúng ta khuyến khích những mô hình tập trung ruộng đất có quy mô phù hợp với năng lực, trình độ sản xuất hiện nay do một nông dân hoặc một hợp tác xã đứng ra thuê lại để canh tác.

Nhà nước phải có những cơ chế đặc thù cho loại hình này như miễn thuế hoặc có thể áp dụng một số chính sách bảo hộ, ưu đãi đặc biệt khác.

Nếu rào cản này được tháo gỡ thì sẽ tác động rất lớn đến nông nghiệp như dễ dàng tiếp nhận công nghệ mới, tiếp cận vốn tín dụng, hình thành nền sản xuất nông nghiệp lớn với chuỗi giá trị cao.

Một rào cản nữa trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là tư duy kinh tế nhỏ lẻ. Làm sao chuyển cho được tư duy kinh tế tỉnh sang tư duy kinh tế vùng, nâng cao vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm.

Từ lâu chúng ta đã quy hoạch và xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung, miền Nam, ĐBSCL.

Nhưng hiện nay chúng ta chưa phát huy được quy hoạch này, các tỉnh thì cứ dàn hàng ngang để phát triển, mạnh ai nấy làm, mỗi tỉnh làm một kiểu thiếu liên kết để hình thành nền sản xuất hàng hóa lớn, thậm chí còn có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Hiện nay chúng ta chưa phân quyền rõ tỉnh nào sẽ làm đầu tàu trong liên kết vùng. Khi phân bổ nguồn lực thì Chính phủ cũng chưa quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế vùng nên phân bổ riêng lẻ cho từng địa phương trong đầu tư phát triển.

Chính phủ cần đầu tư một số mô hình sản xuất nông nghiệp mới theo hướng tôn trọng tự nhiên, thích ứng với thiên nhiên thân thiện với môi trường, hiệu quả cao, tạo lòng tin cho nông dân nhằm chuyển dần tư duy phát triển nông nghiệp thuần túy là trồng lúa, sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển sản xuất theo số lượng, sang chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn với chuỗi giá trị và xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt nam.

Cử tri ĐBSCL hết sức hoan nghênh Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Và việc phát triển bền vững vùng ĐBSCL là một yêu cầu cấp bách hiện nay không chỉ cho vùng mà vì lợi ích chung của cả nước, của tiểu vùng sông Mekong và của cả cộng đồng quốc tế. Nhưng trong thực tế thì Nghị quyết 120 này đi vào cuộc sống rất chậm.

Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành trung ương kết hợp với địa phương sớm có một chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ. Trên cơ sở đó kiện toàn lại việc quy hoạch phát triển bền vững ĐBSCL theo Luật Quy hoạch năm 2017 làm căn cứ cho các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển địa phương mình trên tổng thể chung hài hòa với sự phát triển của cả vùng.

Xác định rõ sản phẩm chủ lực phù hợp với cấu tạo địa hình của từng nơi. Giải quyết dứt điểm các vấn đề còn chồng chéo, mâu thuẫn mang tính chất chung liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.

Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thành lập BCĐ hoặc Ban điều phối để thực hiện cùng một lúc 2 nhiệm vụ: chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 120 và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo liên kết phát triển vùng nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương phát huy, khai thác tối đa vị thế của ĐBSCL trong quá trình phát triển kinh tế chung của cả nước.

TÂM THI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh