Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng như các vụ AVG; Vũ "Nhôm"; Út "Trọc", Thép Thái Nguyên...
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng như các vụ AVG; Vũ "Nhôm"; Út "Trọc", Thép Thái Nguyên...
Phó Thủ tướng Phạm Bình Mình. Ảnh Quochoi.vn. |
Xử lý nghiêm hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng
Cuối giờ sáng 6.6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sau đó cập nhật tình hình kinh tế - xã hội và báo cáo thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm trong các phiên chất vấn.
Báo cáo trước Quốc hội về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Ông cho biết các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng (như các vụ: AVG; Vũ "Nhôm"; Út "Trọc", Thép Thái Nguyên…).
Cùng với đó, tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm…).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Các quy định của pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Ngoài ra, công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu hồi, xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp. Sự gương mẫu, tính quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn thấp.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa... Đồng thời, khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.
Vì sao chậm giải ngân vốn ODA?
Trong phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) chất vấn Phó Thủ tướng về tình trạng chúng ta thiếu nguồn lực để triển khai cơ sở hạ tầng nhưng việc giải ngân chậm, đặc biệt với nguồn vốn ODA. Bà hỏi việc này do tổ chức thực hiện hay do nguyên nhân khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh Quochoi.vn. |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận chất vấn này rất đúng. Ông thừa nhận thực tế giải ngân vốn ODA vừa qua có chậm. Theo đó, năm 2018 chỉ đạt 63,2% vốn kế hoạch. 5 tháng đầu năm 2019 tình hình giải ngân được thúc đẩy nhưng vẫn còn chậm.
Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân là khó khăn giữa nguồn vốn ODA và vốn đối ứng không được bố trí phù hợp. “Khi ký kết hiệp định vay vốn ODA thì các nhà cung cấp bao giờ cũng đề nghị có nguồn vốn đối ứng để giải quyết vấn đề liên quan đến mặt bằng sạch nếu xây dựng, các bộ, ngành cũng cam kết có vốn đối ứng nhưng khi thực hiện chưa được như mong muốn”, Phó Thủ tướng nói.
Nguyên nhân tiếp theo được Phó Thủ tướng nêu là các dự án về vốn ODA có tính chất khác nhau, có dự án giải ngân nhanh, có dự án chậm. Giai đoạn đầu thực hiện dự án mất thời gian khảo sát để triển khai, việc này rất chậm, cộng với việc lập kế hoạch lại chưa sát, nhất là dự án vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Phó Thủ tướng thông tin, giai đoạn 2016-2020 tổng số vốn ODA xây dựng dự án giao thông chiếm 50%. Ông cũng đề cập đến nguyên nhân về năng lực của các chủ dự án chưa đáp ứng. “Có những dự án, BQL dự án có năng lực triển khai được ngay nhưng cũng có dự án triển khai kém”, Phó Thủ tướng nói.
Theo C.NGUYÊN - Đ.CHUNG - T.TRUNG/LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin