Tổng cách ly để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

08:05, 25/05/2019

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang tiếp tục bùng phát và có chiều hướng lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi và cuộc sống người dân. Tình hình đó đòi hỏi phải xác định rõ những bất cập và khó khăn trong thực tiễn chống dịch để có giải pháp ngăn chặn dịch hiệu quả.

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang tiếp tục bùng phát và có chiều hướng lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi và cuộc sống người dân. Tình hình đó đòi hỏi phải xác định rõ những bất cập và khó khăn trong thực tiễn chống dịch để có giải pháp ngăn chặn dịch hiệu quả. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh DTLCP về vấn đề này.

 Cán bộ thú y huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) tuyên truyền cho người dân về dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: HOÀNG KHÁNH
Cán bộ thú y huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) tuyên truyền cho người dân về dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: HOÀNG KHÁNH

Phóng viên: Sau hơn ba tháng nỗ lực phòng, chống; đến nay DTLCP vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện đã có 40 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch bệnh, đáng lo ngại hơn là DTLCP đã xuất hiện tại các tỉnh chăn nuôi trọng điểm ở phía nam. Qua kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo chống dịch, đồng chí có thể phân tích nguyên nhân chính khiến công tác dập dịch chưa đạt hiệu quả như mong muốn?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Có thể nói, ngay sau khi DTLCP xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 8/2018, Ban Bí thư T.Ư Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể và sát sao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện tại nhiều địa phương, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường. Tại nhiều nơi, kỹ thuật tiêu hủy không bảo đảm, lợn bệnh được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện thô sơ, không có bạt hay ni-lông để lót, che đậy, dẫn đến các chất thải, phân lợn, các loại dịch, tiết rơi vãi ra môi trường. Tại một số địa phương, còn tình trạng chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy và thiếu nguồn bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh; mức thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh thấp hơn so ngày công thực tế, chỉ 100 nghìn đồng/ngày trong khi thị trường lao động bình quân từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/ngày; do vậy, việc huy động các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Thú y cơ sở ở nhiều tỉnh, thành phố không đủ lực lượng để kiểm soát, tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Một số địa phương vẫn còn lơ là, chưa quán xuyến và coi trọng nhiệm vụ dập dịch trong thời gian gần đây...

Vi-rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường, trong các sản phẩm thịt lợn và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày. Thêm vào đó, quy mô chăn nuôi ở nước ta có hơn 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, mật độ lại rất cao; đặc biệt trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trái quy luật từ đầu năm đến nay (hai tháng 3 và 4 trời nóng, trở lạnh vào tháng 5, mưa phùn kéo dài...), vi-rút DTLCP rất thuận lợi để lây lan, gây bệnh. Việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn yếu tố lan truyền mầm bệnh như chuột, gián và các loại côn trùng khác để cắt đứt các nguồn lây nhiễm lại rất khó khăn; hiện chưa có thuốc điều trị, vắc-xin phòng bệnh. Vì thế, biện pháp quan trọng bây giờ là phải tổng cách ly vùng dịch thì mới ngăn chặn được triệt để.

Phóng viên: Theo đồng chí, để có thể dập dịch hiệu quả thì các địa phương phải thực hiện các giải pháp gì?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh DTLCP mở rộng lây lan còn rất cao, có khả năng xuất hiện ở những địa phương chưa có dịch và tái phát tại những địa phương đã hết dịch; đặc biệt nguy hiểm là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung với quy mô và số lượng lợn lớn, gây hậu quả khó lường. Tính đến ngày 23-5, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 40 tỉnh, thành phố; buộc phải tiêu hủy là hơn 1,7 triệu con lợn. Trong đó, tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã có 28 xã của 15 huyện thuộc bảy tỉnh có dịch, với số lợn phải tiêu hủy lên tới 5.304 con.

Vì vậy, các địa phương cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh DTLCP, phù hợp tình hình cụ thể ở địa phương mình. Tổ chức phòng, chống bệnh DTLCP, huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,… khi cần thiết), chủ động giám sát, phát hiện sớm và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, chấm dứt ngay tình trạng để lâu, vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch; tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp chôn hủy lợn bệnh DTLCP giáp với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh, nâng cao hơn nữa việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp, rõ ràng cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch; phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, huy động các lực lượng đủ mạnh tham gia hỗ trợ khi cần thiết.

Trong quá trình chỉ đạo, chúng tôi thấy rằng, những tỉnh nào nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tỉnh đó giảm được nhiều thiệt hại.

Các phương tiện truyền thông cần tích cực thông tin về Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng, Chỉ thị 04/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo đúng tinh thần chỉ đạo để các cơ quan, địa phương phối hợp các bộ, ngành tổ chức tốt, triệt để việc phòng, chống bệnh DTLCP.

Phóng viên: Theo đồng chí, với lượng lợn bị tiêu hủy như vậy thì chúng ta có lường trước tình hình nguồn cung thịt lợn trong tháng tới và dịp cuối năm? Cần có giải pháp gì để gỡ khó cho người chăn nuôi, các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hiện ngành chăn nuôi lợn của nước ta có quy mô hơn 28 triệu con, tương đương 3,8 triệu tấn thịt lợn, chiếm 72% tổng sản lượng thịt của cả nước. Nếu không sớm ngăn chặn dịch bệnh, tới đây giá thịt lợn sẽ có thể tăng cao, vì nguồn cung không còn. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài chính bàn với các bộ, ngành, địa phương tìm phương án hỗ trợ hoặc nguồn kinh phí để bảo đảm kịp thời chống dịch. Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải sắp xếp lại các cơ sở giết mổ. Nếu cơ sở giết mổ nào bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm thì được phép thu mua lợn ở các cơ sở nếu kết quả kiểm tra âm tính với DTLCP, kể cả trong vùng dịch. Sau khi giết mổ xong, phải kiểm tra lại lần nữa, nếu âm tính với DTLCP thì có thể lưu thông và bán ra thị trường cả trong và ngoài vùng dịch. Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Công thương xây dựng cơ chế hỗ trợ để huy động các doanh nghiệp đầu tư kho trữ đông thịt lợn để có thể bình ổn giá vào các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tái cấu trúc ngành chăn nuôi, phải đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản... để bù đắp khi thiếu hụt sản phẩm thịt lợn, nhằm phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân; xây dựng Đề án tái phát triển đàn lợn khi bệnh DTLCP được khống chế; đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi, liên kết sản xuất chuỗi thịt lợn an toàn. Vừa qua, để giữ được đàn giống gốc cụ kỵ, ông bà và có điều kiện phát triển sản xuất, tái đàn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp đề nghị nâng cấp an toàn sinh học của các cơ sở chăn nuôi đàn giống gốc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo QUANG MINH/NDĐT

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh