Câu chuyện cuối tuần

Ở miền sông mà phụ tình sông

Cập nhật, 04:37, Thứ Bảy, 25/05/2019 (GMT+7)

Thật khó mà biết được ở ĐBSCL này có bao nhiêu dòng sông, bao nhiêu con rạch, biết mấy con kinh…

Chỉ biết ngàn đời qua, sông rạch đã miệt mài mang phù sa bồi đắp nên vùng châu thổ trù phú, rộng lớn và xanh tươi. Như Tố Hữu đã từng viết “Ai đi Nam Bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang”… rồi An Giang, Long Xuyên, Hà Tiên… những tên đất tên quê đâu đâu cũng gắn liền với sông nước. Ai ở miền sông này mà không từng nghe con nước lớn ròng hay ngóng theo mùa nước nổi.

Đôi lứa mượn sông nước lung linh làm cảnh mà trao tình: “Xuồng ai đi trước, giọt nước chảy ròng ròng/ Phải xuồng người nghĩa, quay vòng tôi hỏi thăm”. Nhưng em khỏi gọi anh cũng chậm chậm mà chờ… “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/ Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm”. Vậy là nên đôi chồng vợ, vậy là thành gia đình đầm ấm, thương yêu nên dù nghèo mà chưa bao giờ thấy khổ “Cha chài mẹ lưới con câu/ Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò”.

Rõ ràng, sông nước là nguồn cội, là đời sống, là linh hồn, là văn hóa, là quá khứ và tương lai của miền Tây Nam Bộ.

Quan trọng là vậy, thiết yếu là vậy nhưng rất tiếc “con sông không biết nói năng” lại có tấm lòng rộng lượng nên hễ bao nhiêu thứ cần vứt bỏ thì người ta thường… bỏ xuống sông. Gánh oằn vai đến nỗi nhiều con sông thoi thóp kêu cứu hãy trả lại dòng chảy, trả lại nước trong, trả lại mênh mông và êm đềm của ngày nào...

Có bao nhiêu sông đang thở dài và rồi sẽ có con sông nào “bị bôi đen” như sông Cái Lớn (Hậu Giang) nữa hay không?

Các nhà khoa học cho rằng, ĐBSCL là một trong những nơi có lượng nước ngọt dồi dào nhất Trái đất. Mỗi năm, đồng bằng nhận hàng trăm tỷ mét khối nước từ sông Mekong và hàng chục tỷ mét khối nước mưa, nên sẽ không bao giờ thiếu nước ngọt, không bị sa mạc hóa. Nhưng hiện nay chất lượng nước mặt rất thấp và ô nhiễm nguồn nước, khát phù sa là những vấn đề báo động cho sự phát triển của toàn vùng.

Nguyên nhân ô nhiễm là do quá nhiều nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, thủy sản xả trực tiếp ra sông. Rồi còn hàng triệu tấn phân bón, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp...

Biến đổi khí hậu, thủy điện đầu nguồn đã “làm khó” sông nước rồi, giờ lại thêm những người “bôi bẩn” dù đang sống bên sông, làm giàu nhờ vào sông...

Ở miền sông sao nỡ phụ tình sông!

PHƯƠNG NAM