Chiều 29/5/2019, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tham gia đóng góp nhiều vấn đề cử tri quan tâm.
Chiều 29/5/2019, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tham gia đóng góp nhiều vấn đề cử tri quan tâm.
* Đại biểu Lưu Thành Công: Trước tiên tôi đề nghị cần đánh giá kỹ tác động của dự án luật này vì nó liên quan đến rất nhiều đối tượng lao động, người sử dụng lao động, vì nếu không đánh giá kỹ, không lấy ý kiến rộng rãi có thể khi luật đi vào thực tiễn cuộc sống thì không thể áp dụng được.
Đóng góp cụ thể cho dự án luật, đối với quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động (Điều 35), tôi đề nghị phải mở rộng quyền của người lao động và không quy định điều kiện người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng nhằm tạo điều kiện tốt nhất người lao động tìm việc làm khác khi họ cảm thấy việc làm của họ không phù hợp.
Theo đó, luật chỉ cần quy định người lao động báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian như thế là đủ.
Đối với quy định mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa (Điều 108), luật quy định bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 400 giờ trong một năm.
Theo tôi, quy định này có tính nhân văn rất cao nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người lao động, tuy nhiên, trong thực tiễn việc làm thêm là nhu cầu rất thực của người lao động.
Điển hình như công nhân trong các khu công nghiệp, lương tháng khoảng 4,5 triệu đồng và họ rất có nhu cầu làm thêm để tích lũy. Do vậy, tôi đề nghị không nên quy định cứng vấn đề này mà nên quy định để người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau về làm thêm giờ.
Đối với tuổi nghỉ hưu, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động của luật, theo quan điểm của tôi đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, nghĩa là tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60 tuổi, đối với nữ là 55 tuổi. Nếu theo đề xuất của Chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 tuổi (theo lộ trình) sẽ có nhiều người không đồng tình, nhất là những người làm việc trong các ngành độc hại, nặng nhọc.
Điển hình như giáo viên, mà cụ thể là giáo viên mầm non, gần 60 tuổi mà vẫn phải đi dạy thì tôi thấy không phù hợp và không có sức hấp dẫn đối với học trò, giáo viên cũng không còn hứng thú để truyền đạt cho học sinh.
Qua tham khảo ý kiến tại địa phương, nhiều giáo viên cho rằng nếu nhà nước quy định thì chấp hành nhưng bản thân không hài lòng. Do vậy, tôi đề nghị phải khảo sát, đánh giá thật kỹ để phù hợp với thực tiễn, và đáp ứng được yêu cầu về mặt tư tưởng, quan điểm của những người trực tiếp lao động.
* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Đối với quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban hợp tác hai bên tại nơi làm việc, đây là điều hoàn toàn mới khi bổ sung thêm một tổ chức mới đại diện cho người lao động cùng với tổ chức Công đoàn và tổ chức đại diện cho người lao động.
Như vậy, Ban hợp tác hai bên tại nơi làm việc là tổ chức thứ ba trong đơn vị sử dụng lao động có chức năng đại diện cho người lao động hoạt động độc lập. Tôi đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn vị trí, vai trò, cũng như mục đích, ý nghĩa của việc thành lập tổ chức này.
Bởi vì, qua nghiên cứu dự thảo luật thì tổ chức này cũng mang tính đại diện để đảm bảo về quyền lợi cho người lao động. Như vậy, khi thành lập có đảm bảo tính khả thi và hiệu quả hoạt động so với hai tổ chức kia như thế nào và có tác động ra sao đối với người lao động và người sử dụng lao động.
Đối với quy định về thời giờ làm việc bình thường (điều 106), dự thảo luật quy định thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn từ một đến hai giờ đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, theo tôi đây là một quy định rất nhân văn hướng tới bảo đảm sức khỏe cho người lao động ở các môi trường nặng nhọc, độc hại.
Đối với quy định Thủ tướng Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trên cả nước. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm tạo sự thống nhất chung, tuy nhiên tôi đề xuất cơ quan soạn thảo cần tính tới đặc thù về thời tiết, địa hình các địa phương, đặc thù của các ngành nghề, cá bộ phận lao động khác nhau ở các cơ quan, đơn vị.
Vì nếu không có những đánh giá cụ thể cũng như chưa có sự thống nhất, nhịp nhàng về giờ giấc bắt đầu cũng như kết thúc giữa các ngành nghề, các lĩnh vực khác nhau của người lao động sẽ gây rất nhiều khó khăn. Ví dụ, cán bộ công chức tan tầm khoảng 17 giờ 30, nhưng con cái tan học khoảng 16 giờ 30- 17 giờ, khi đó việc sắp xếp các mối quan hệ giữa công việc xã hội với gia đình rất khó khăn.
Tôi đề nghị, thời gian làm việc thì không quy định cụ thể trong Bộ Luật lao động mà được quy định ở các văn bản hành chính để cho phù hợp với từng đối tượng như đã phân tích trên.
Đối với quy định mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, hiện nay nhu cầu mở rộng khung giờ làm thêm là có thực nhằm tạo sự linh hoạt cho người lao động cũng như người sử dụng lao động vì nhiều lý do, trong đó có việc giải quyết các đơn hàng đột xuất cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động...
Theo tôi, khi đã quy định điều này trong luật cần có những quy định chi tiết để tránh hiện tượng chủ sử dụng lao động lách luật để vắt kiệt sức lao động, hay tính không đúng, không đủ tiền lương làm thêm giờ. Đồng thời, nghiên cứu quy định chi tiết những ngành nghề đặc biệt cần được làm thêm 400 giờ trong một năm.
Đối với quy định về tuổi nghĩ hưu, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, theo tôi khi ban hành, luật cần quan tâm quyền của người lao động là được quyền quyết định được nghỉ hưu sớm hay muộn đối với từng nhóm người lao động khác nhau.
Ngoài ra, ban soạn thảo cần quan tâm đánh giá tác động, nhất là tác động về kinh tế xã hội khi thông qua, nhất là phải lấy ý kiến của từng giới: Các chuyên gia, nhà khoa học, lao động phổ thông, đặc biệt là đối với các ngành nghề đặc thù, độc hại, nguy hiểm, giới nữ, trẻ… để chúng ta nghe ý kiến toàn diện và đầy đủ hơn, qua đó giúp việc ban hành luật tạo hiệu ứng xã hội tốt và tính khả thi cao khi ban hành.
TÂM HUỲNH (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin