Mỗi công dân Việt Nam được sử dụng bao nhiêu hộ chiếu?

04:05, 29/05/2019

Đóng góp tại phiên thảo luật về hai dự án luật: Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị cần giải thích rõ thêm nhiều vấn đề, trong đó cần làm rõ công dân Việt Nam được sở hữu bao nhiêu hộ chiếu.  

Đóng góp tại phiên thảo luật về hai dự án luật: Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị cần giải thích rõ thêm nhiều vấn đề, trong đó cần làm rõ công dân Việt Nam được sở hữu bao nhiêu hộ chiếu.  

* Đại biểu Lưu Thành Công:

 

Đóng góp cho dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, tôi đồng tình quy định lực lượng dự bị động viên là một thành phần của quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo nên bổ sung thêm quy định về vai trò, vị trí, chức năng, quyền hạn của lực lượng dự bị động viên vào luật để chúng ta khẳng định thêm tầm quan trọng của lực lượng này trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Một vấn đề nữa là dự thảo luật quy định các đối tượng tham gia lực lượng dự bị động viên là công dân nam, Hiến pháp quy định mọi công dân đều có quyền tham gia bảo vệ tổ quốc, nếu chúng ta quy định chỉ là công dân nam liệu có vi hiến, cũng như liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, đề nghị ban soạn thảo xem xét lại.

Một vấn đề nữa là dự thảo luật chưa quy định quân trang của lực lượng dự bị động viên là như thế nào, từ trước tới nay tất cả các lực lượng cấu thành của quân đội nhân dân Việt Nam đều có quy định trang phục riêng. Vì vậy, tôi đề nghị nên quy định loại trang phục cho lực lượng dự bị động viên, để khi có diễu hành sẽ phân biệt được lực lượng này và đặc biệt là nâng tầm vị thế của lực lượng dự bị động viên cũng như khẳng định lực lượng này là một thành phần của quân đội nhân dân Việt Nam.

Đóng góp cho dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, tôi thống nhất quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử để tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý. Tuy nhiên, đề nghị phải đánh giá thêm tác động của những người đang sở hữu hộ chiếu xem họ có chấp nhận không (vì người ta sẽ có tâm lý lúc nào cũng bị theo dõi). Hiện nay, có khoảng 10 triệu công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu, nếu quy định tất cả mọi công dân Việt Nam thay đổi từ hộ chiếu bình thường sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử, như thế sẽ có khoảng 10 triệu hộ chiếu mới liệu họ có chấp nhận không?

Ngoài ra, luật quy định hộ chiếu là tài sản quốc gia, như vậy mỗi công dân Việt Nam được sở hữu bao nhiêu loại tài sản này? Hiện nay, có người đang sở hữu 3 hộ chiếu, gồm hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông thì có vi phạm luật không. Đề nghị, luật cần có chế định quy định rõ vấn đề này và nếu cho phép công dân sở hữu 3 hộ chiếu thì cần quy định thêm loại hộ chiếu nào sẽ sử dụng trong trường hợp nào.  

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh:

Hiện nay Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng, trong đó đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 170 quốc gia, mở rộng quan hệ thương mại 200 nước và ký kết hơn 1.000 điều ước quốc tế. Rõ ràng công tác quản lý xuất nhập cảnh sẽ góp phần giữ vững an ninh quốc gia, tạo môi trường thông thoáng để Việt Nam phát triển, hội nhập và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng trong thời gian qua.  

Tuy vậy, thời gian qua, công tác quản lý xuất nhập cảnh vẫn còn những hạn chế, bất cập, như hệ thống văn bản pháp luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam còn thiếu đồng bộ và chưa đảm bảo tính thống nhất trong các cơ quan nhà nước về quản lý xuất nhập cảnh.

Đóng góp cụ thể cho dự án luật Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đối với quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao và công vụ, dự thảo luật quy định rất chi tiết, do đó dự thảo luật rất dài. Tôi đề nghị nên rà soát lại các đối tượng để có sự cân đối giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, chính quyền và UBND các cấp… cho cụ thể, rõ ràng. Hiện nay, chúng ta đang tinh giảm bộ máy theo hướng tinh gọn và hiệu quả và nếu luật quy định thế này thời gian tới sẽ gặp khó khăn trong thực hiện, vì vậy đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết khi luật có hiệu lực thi hành. 

Đối với quy định về giấy tờ xuất nhập cảnh, hiện nay thực hiện theo Quyết định 58 của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng hộ chiếu ngoại giao, công vụ chỉ có 36 tỉnh, thành phố và 26 bộ ngành ban hành quy định, rõ ràng việc quản lý và sử dụng hộ chiếu không đảm bảo đúng quy định. Luật quy định, hộ chiếu là tài sản quốc gia, và cũng quy định rõ trình tự, thủ tục, quản lý và thu hồi hộ chiếu…

Tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung thêm quy định nguyên tắc sử dụng hộ chiếu, trách nhiệm của người sử dụng hộ chiếu, trách nhiệm của cơ quan cấp hộ chiếu… Hiện nay, một người được sử dụng bao nhiêu bộ chiếu? Ví dụ như đại biểu Quốc hội được cấp hộ chiếu ngoại giao, khi đi công tác chỉ được sử dụng hộ chiếu ngoại giao nếu như làm nhiệm vụ của Quốc hội, còn về tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ của tỉnh có được dùng hộ chiếu ngoại giao hay không?

Nếu không thì phải làm hộ chiếu công vụ, chưa kể có thể làm hộ chiếu phổ thông, như vậy một người được sử dụng tối đa là bao nhiêu hộ chiếu?  Đề nghị dự thảo luật phải làm rõ và quy định cụ thể trong luật nhằm đảm bảo tính minh bạch và tạo cơ chế để quản lý chặt chẽ, tránh các vi phạm như trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong các vụ án lớn khi một người sử dụng rất nhiều hộ chiếu.   

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang:

Đóng góp cho dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, về quy định UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp với quân đội nhân dân cùng cấp xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên (điều 42), đề nghị quy định thêm trách nhiệm của ban chỉ huy quân sự cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý, tạo nguồn lực lượng dự bị động viên cho đồng bộ trong giai đoạn hiện này.

Ngoài ra, luật cần quy định và làm rõ mối quan hệ và trách nhiệm của các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng đối tượng là lực lượng dự bị động viên. Qua nghiên cứu báo cáo của Bộ Quốc phòng về tổng kết thi hành Pháp lệnh lực lượng dự bị động viện, hiện nay lực lượng này đang tham gia hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp khá cao. Thời gian qua, việc kêu gọi, huy động lượng lượng dự bị động viên tham gia huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu luôn đạt tỷ lệ cao (trên 95%).

Tuy nhiên, qua thực tiễn sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ dự bị động viên trở lại sản xuất, thường lực lượng này không được đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình về lương, thưởng, đảm bảo đảm việc làm ổn định… (đặc biệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài).

Do vậy, phải có quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động của đối tượng là dự bị động viên, nhất là đảm bảo việc làm, phải bố trí ổn định và các chế độ lương, thưởng, quyền lợi chính trị (đối với đảng viên) sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ dự bị động viên.    

TÂM HUỲNH (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh