Sự kiện Giờ Trái Đất 2019: Thổi bùng nỗ lực vì Trái Đất xanh

04:03, 30/03/2019

Xuất phát từ thành phố Sydney, Australia từ năm 2007, Giờ Trái Đất đến năm đã lan tỏa tới hơn 7.000 thành phố thuộc 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Xuất phát từ thành phố Sydney, Australia từ năm 2007, Giờ Trái Đất đến năm đã lan tỏa tới hơn 7.000 thành phố thuộc 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: electrek.co)
Ảnh minh họa. (Nguồn: electrek.co)

Cuộc sống của con người phụ thuộc vào tự nhiên, từ không khí, nước sạch tới nguồn lương thực.

Trong khi đó, các hoạt động của con người tác động trực tiếp đến tự nhiên.

Tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người và sự cần thiết phải kết nối với “Mẹ Trái Đất” là lời nhắc nhở hằng năm của chiến dịch Giờ Trái Đất.

Không chỉ dừng lại ở việc hối thúc cộng đồng tiết kiệm năng lượng, Giờ Trái Đất còn nhấn mạnh những vấn đề nhức nhối toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, và tác động của chúng đối với con người.

Tiếp nối dòng chảy "Connect to Earth" (Kết nối với Trái Đất), Giờ Trái Đất năm 2019 một lần nữa thể hiện sự kết nối, đồng lòng, chung sức của cả cộng đồng quốc tế trong việc tiết kiệm năng lượng, cũng như cam kết thay đổi vì một tương lai bền vững, đúng như thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hối thúc mọi người nhân Giờ Trái Đất 2019 “Hãy tắt đèn và thổi bùng lên những nỗ lực vì một hành tinh lành mạnh."

Là sáng kiến do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund) khởi xướng từ năm 2007, Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế diễn ra hằng năm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng và tác động của biến đổi khí hậu.

Chiến dịch vận động các hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không cần thiết trong một giờ từ lúc 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 (giờ địa phương) vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm.

Xuất phát từ thành phố Sydney, Australia từ năm 2007, Giờ Trái Đất đến năm 2018 đã lan tỏa tới hơn 7.000 thành phố thuộc 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút hơn 2,2 tỷ người hưởng ứng trong tối tắt đèn.

60 phút tắt đèn mang ý nghĩa tượng trưng như “Giờ của sự đoàn kết toàn cầu” vì một vấn đề toàn cầu.

Một nghiên cứu đã được tiến hành năm 2014 nhằm đánh giá những thay đổi trong nhu cầu sử dụng điện tại 10 quốc gia trong 6 năm nhờ tác dụng của chiến dịch Giờ Trái Đất. Kết quả cho thấy sự kiện này giúp giảm trung bình 4% mức tiêu thụ điện năng.

Các tình nguyện viên ở Thành phố Hồ Chí Minh cổ động chiến dịch Giờ Trái đất 2019. (Ảnh:Hoàng Hải/TTXVN)
Các tình nguyện viên ở Thành phố Hồ Chí Minh cổ động chiến dịch Giờ Trái đất 2019. (Ảnh:Hoàng Hải/TTXVN)

Năm 2019 đánh dấu năm thứ 12 thế giới hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất.

Trong một giờ, hơn 3.000 công trình biểu tượng trên khắp thế giới, trong đó có nhà hát Opera tại Sydney, tháp Eiffel tại Paris, Kim tự tháp Ai Cập tại Cairo, cùng nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... khắp nơi trên thế giới đồng loạt tắt đèn hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Trong khi đó, nhiều sự kiện nổi bật được tổ chức giúp con người đoàn kết, tích cực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với chủ đề “Giảm thiểu, tái sử dụng, thay đổi cách chúng ta đang sống,” Giờ Trái Đất năm 2019 kêu gọi các cá nhân thay đổi hành vi, lối sống sinh hoạt như giảm sử dụng các sản phẩm nhựa, tái sử dụng, tái chế vật dụng, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, khuyến khích các hoạt động gây ra ít khí thải CO2 hay thúc đẩy giải pháp sống "xanh."

Giờ Trái Đất là một sự kiện xã hội có ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh con người đang đối mặt với thách thức có lẽ lớn nhất từ trước tới nay là biến đổi khí hậu.

Cả thiên nhiên và mọi sinh vật sống đã cảm nhận rõ rệt tác động của tình trạng Trái Đất ấm lên: những hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ và tần suất gia tăng, nguồn nước khan hiếm, cháy rừng, động vật hoang dã bị tuyệt chủng, san hô bị tẩy trắng...

Thủ phạm chính khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng được xác định là khí thải CO2. Trong đó, ngành năng lượng đóng góp không nhỏ vào lượng khí thải CO2 trên toàn cầu do nhu cầu tiêu thụ điện năng và việc sử dụng than đá gia tăng.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong năm 2018, lượng khí thải CO2 liên quan tới năng lượng đã tăng 1,7% so với năm 2017 lên 33 tỷ tấn, mức cao nhất trong 6 năm qua, trong đó khí thải từ hoạt động sản xuất điện năng chiếm gần 70%.

Do đó, chỉ một hành động nhỏ của mỗi người là tắt đèn và các thiết bị không cần thiết đã mang lại hiệu quả to lớn và hành động của nhiều người sẽ góp phần thiết thực bảo vệ Trái Đất.

Qua các năm, chiến dịch trên đã thu hút được đông đảo số lượng người tham gia trên toàn cầu và càng ngày càng được giới trẻ quan tâm. Thông qua mạng xã hội, các bạn trẻ đã giúp chiến dịch lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ tháng 1-3/2018, hơn 3,5 tỷ lần hiển thị các hashtagcủa chiến dịch #EarthHour, #connect2earth và nhiều cụm liên quan cho thấy mối lo ngại của nhiều người trẻ đối với sự sống trên hành tinh.

Chính họ cũng góp vào tiếng nói chung của cộng đồng, thúc đẩy các chính phủ áp dụng các chính sách và sáng kiến thân thiện với môi trường.

Trong thập niên qua, các chiến dịch Giờ Trái Đất đã gặt hái được không ít thành công, thúc đẩy nhiều sáng kiến và hành động bảo vệ môi trường cụ thể ở cả cấp quốc gia và quốc tế...

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái trên Trái Đất đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tác động của biến đổi khí hậu tùy thuộc vào hành động của chúng ta. Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sự sống của con người…

Mỗi năm, Giờ Trái Đất là dịp để cả thế giới bày tỏ quyết tâm cùng chung tay bảo vệ “sức khỏe” của hành tinh, thực sự trở thành biểu tượng “thắp lên” những “ngọn lửa” cam kết thay đổi hành vi trong dài hạn, vượt lên trên hành động tắt đèn điện trong một giờ./.

Theo Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh