Mùa mưa bão, triều cường đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung. Huyện Vũng Liêm bên cạnh các giải pháp công trình là các dự án hạ tầng thủy lợi triển khai đồng bộ, thì giải pháp phi công trình cũng đẩy mạnh sâu sát tới người dân để phục vụ và đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp.
Mùa mưa bão, triều cường đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung. Huyện Vũng Liêm bên cạnh các giải pháp công trình là các dự án hạ tầng thủy lợi triển khai đồng bộ, thì giải pháp phi công trình cũng đẩy mạnh sâu sát tới người dân để phục vụ và đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp.
Lắp đủ mỗi cống bộng có 2 nắp quạt để chủ động nước ra vô. Đập Mười Hiệp ở ấp Nước Xoáy, xã Tân An Luông. |
Xã Tân An Luông thống kê thiệt hại với công tác xuống giống vụ Thu Đông ở 3 ấp Đập Sậy, Nước Xoáy và Ấp 8 do đợt mưa lớn hồi giữa tháng 8 rồi là 35ha với tỷ lệ 30- 70%.
Toàn huyện Vũng Liêm, mưa lớn thời điểm trên đã gây ngập úng và chết giống lúa mới gieo sạ vụ này tổng cộng 233ha (12ha thiệt hại trên 70%, 221ha thiệt hại từ 30- 70%) ở các xã Tân An Luông, Trung Ngãi, Trung Nghĩa.
Ngoài ra, mưa những ngày qua cũng tác động đến một phần diện tích lúa Thu Đông giai đoạn chín ở xã Hiếu Phụng, Hiếu Thuận, song không lớn.
Ông Nguyễn Văn Sang- Chủ tịch UBND xã Tân An Luông- cho biết: Toàn xã có 12 ấp và vụ này có 3 ấp Đập Sậy, Nước Xoáy và Ấp 8 xuống giống vụ Thu Đông sớm và bị ảnh hưởng thời tiết như trên. Đến nay bà con cơ bản đã khắc phục xong.
Năm 2018, xã Tân An Luông khảo sát thấy 20 đoạn đê bao có nguy cơ thấp, tràn, sạt lở. Xã đã phân cấp các đoạn thấp, tràn cho các ấp khắc phục; các đoạn sạt lở nhỏ do xã tự sửa chữa.
Còn 5 tuyến sạt lở lớn với chiều dài 210m ở ấp Gò Ân, Nước Xoáy, Ấp 5, Ấp 7, do kinh phí hạn hẹp nên phải đề nghị huyện hỗ trợ.
Các năm qua, bằng nguồn khen thưởng nông thôn mới và cấp bù thủy lợi phí, UBND xã đã tự gia cố và khắc phục các tuyến đê bao, cống đập thường xuyên bị sạt lở.
Tuy nhiên, các điểm này nằm dọc 2 tuyến sông lớn là Măng Thít và Rạch Dầy có lượng ghe tàu qua lại thường xuyên nên bờ bao liên tục bị xói mòn và hư hỏng.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, xã còn thực hiện các công trình thủy lợi dài hơn 2.800m, đào đắp hơn 4.000m3.
Thi công công trình thủy lợi ở xã Quới An. |
Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm- cho rằng: Bên cạnh các giải pháp công trình, ngành tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp phi công trình để bảo vệ, đảm bảo phục vụ an toàn sản xuất.
Đó là việc cập nhật thông tin tình hình thời tiết từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, gửi đến ban chỉ huy các xã để phổ biến đến bà con.
Ví như hôm mùng 8 âl, kế hoạch Quới An, Trung Chánh, Trung Thành Tây, Tân Quới Trung sạ lúa Thu Đông, nhưng do cập nhật tin tức các ngày mưa bão vừa qua đã khuyến cáo nông dân dời xuống giống vào mùng 10 âl, để đảm bảo an toàn cho hơn 3.000ha lúa.
Ngoài ra còn là tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về cách phòng dịch hại trong mùa mưa bão, các biện pháp bảo vệ vùng sản xuất lúa, vùng cây ăn trái an toàn.
Ông Nguyễn Văn Sang cho hay, vụ Thu Đông ngoài 3 ấp xuống giống, nhiều ấp còn lại “cắt vụ” để tập trung sản xuất vụ Đông Xuân.
Để làm được việc này, xã cùng các ngành xuống ấp họp dân lấy ý kiến và kết quả quá nửa thống nhất thì sẽ thực hiện “cắt vụ” để xả lũ.
Theo đó, có 2 đợt ngâm đồng để lấy phù sa, tới cuối tháng 9 âl sẽ cho nước ra để xuống giống vào lối mùng của tháng 10 âl.
Theo ngành chuyên môn, tính toán “cắt vụ” trên tinh thần khuyến cáo chung. Tập trung sản xuất đúng khuyến cáo sẽ vừa có thể tránh hạn và xâm nhập mặn, hạn chế phân thuốc, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng... để bà con có lời hơn trên đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, về công trình xã đã rà soát, tính toán kỹ đê bao, thủy lợi ngay lúc này, từ vận động nhân dân cùng làm cũng như đề xuất huyện hỗ trợ. Từ kinh phí cơ sở, xã đã khảo sát và lắp đủ mỗi cống bộng có 2 nắp quạt để chủ động nước ra vô.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp- PTNT, toàn huyện hiện có 8.059 máy bơm nước, 5.834 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 1.572 dụng cụ sạ hàng, 835 máy cày xới, 345 máy gặt đập liên hợp, 8 máy gặt lúa xếp dãy, 188 máy kéo rơm, 79 lò sấy lúa. Số lượng máy móc trên, hàng năm trong sản xuất lúa đảm bảo cơ giới hóa 100% khâu làm đất và 100% khâu thu hoạch. |
Theo ông Dương Ái Đạo, phía ngành chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đảm bảo hệ thống đê bao cống bộng, khuyến cáo người dân xuống giống đúng lịch thời vụ.
Người dân canh tác cần quan tâm về thủy lợi, đảm bảo phương tiện phục vụ sản xuất, chăm sóc hạn chế dịch hại, chú ý mưa bão có thể ảnh hưởng năng suất.
Thời gian qua, hầu hết các xã đã xuống giống đồng loạt theo kế hoạch nên lúa Thu Đông trên địa bàn huyện không ảnh hưởng nhiều do lũ.
Tuy nhiên, có 3 xã là Trung Nghĩa, Trung Ngãi, Tân An Luông xuống giống lúa bị ảnh hưởng bởi lượng mưa kéo dài kết hợp với triều cường gây thiệt hại.
Bên cạnh đó, còn một số diện tích màu Thu Đông chưa thu hoạch có khả năng ảnh hưởng lũ triều cường ở những nơi màu luân canh dưới ruộng, tập trung chủ yếu ở các xã Hiếu Nhơn, Hiếu Thành, Trung Thành Tây.
Để chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, huyện tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê bao, cống bộng ở những nơi kém an toàn với lũ, những nơi có nguy cơ xảy ra tràn, bể, sạt lở và hướng dẫn các xã, thị trấn cắm biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ sạt lở ở thị trấn Vũng Liêm và các xã Thanh Bình, Quới Thiện, Tân An Luông, Quới An, Hiếu Phụng
. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó với mưa bão, triều cường và lũ dâng lên nhanh, vận động di dời các hộ sống ven sông, nơi có nguy cơ sạt lở.
Huyện cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống lũ như rà soát các tuyến đê bao, cống đập xung yếu có biện pháp khắc phục kịp thời, giảm thiệt hại thấp nhất đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Hiện trên địa bàn Vũng Liêm 7 công trình thủy lợi do tỉnh đầu tư đang được thi công. Huyện thi công 12/13 công trình thủy lợi bức xúc chống hạn và xâm nhập mặn phục vụ 1.420ha đất sản xuất nông nghiệp, đạt 81% tổng khối lượng. Tại các xã thực hiện tổng cộng 177 công trình thủy lợi nội đồng (nạo vét kinh, nâng cấp bờ vùng, tu sửa đập) với tổng chiều dài hơn 48.000m, tổng khối lượng đất đào đắp trên 84.000m3, đạt 105% kế hoạch. |
Bài, ảnh: THÁI- SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin