Xin kể chuyện vui: Nhiều kiều bào cho biết, khi đi "shopping" siêu thị mua hàng thời trang, rất vừa ý khi mua được hàng mình vì mẫu mã đẹp, kích cỡ vừa vặn.
Xin kể chuyện vui: Nhiều kiều bào cho biết, khi đi “shopping” siêu thị mua hàng thời trang, rất vừa ý khi mua được hàng mình vì mẫu mã đẹp, kích cỡ vừa vặn. Còn mua làm quà gửi về cho bạn bè, người thân ở quê nhà lại luôn phải xem rất kỹ nhãn mác.
Lý do là rất dễ gặp phải hàng “made in Vietnam”, bởi hàng may mặc Việt Nam hiện có mặt khá nhiều ở các quốc gia phát triển, mà giá cả thì rất đa dạng, từ hàng bình dân cho tới cao cấp. Bà con kiều bào chỉ sợ mua “hàng mình” gửi về cho “ta” thì uổng công chở củi về rừng vậy mà…
Còn chuyện không vui là vầy, người Việt mình đã thấm đẫm hồn quê, nên dẫu có sống mấy mươi năm ở xứ người cũng chỉ thương món quê mình, “nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” đến nao lòng là vậy!
Nhưng đi siêu thị toàn gặp gạo thơm “made in Thái Lan”, nước mắm Phú Quốc “made in Thái Lan”, thậm chí cọng rau muống, cọng ngò gai cũng “made in Thái Lan”, cà phê, trà lá… cũng vậy.
Mặc dù tiếng Việt ghi rõ rành rành (cũng có khi sai chút đỉnh nhưng bà con thường… bỏ qua) làm bà con kiều bào xúc động tưởng như gặp hương vị quê nhà; song ở phía dưới cuối hộp lại ghi… made in Thái Lan hoặc Trung Quốc gì đó. Vậy là vừa mua về ăn vừa tức!
Cái chuyện tức này không chỉ nằm ở chỗ không được thưởng thức món quê hương đúng nghĩa mà còn tức hơn vì sao gạo, cá, mắm khô xứ mình nhiều quá mà… sao chưa chen chân vô được chợ xứ người? Trong khi đó, ở chợ quê nông sản vẫn đang ế thừa, nhiều khi còn cần phải “giải cứu”.
Cuộc “giải cứu nông sản” có lẽ đang rất cần, vô cùng cần sự có mặt của các nhà hoạch định, các ngành quản lý chất lượng (từ khâu sản xuất) và các doanh nghiệp chế biến nông sản (sao cho đúng chuẩn, bảo quản được lâu, đa dạng mặt hàng…) cũng như thiết kế mẫu mã đẹp, bắt mắt.
Riêng bà con nông dân, có lẽ phải đặt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu khi sản xuất hàng hóa- đấy cũng là cách để tự “giải cứu” nông sản của mình. Bởi nếu không có vùng nguyên liệu sạch, thì câu chuyện thừa đồng ế chợ vẫn sẽ còn.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin