Mang Thít

Tận dụng lợi thế, kêu gọi đầu tư

Cập nhật, 13:51, Thứ Tư, 28/03/2018 (GMT+7)

Những năm qua, tận dụng lợi thế có sẵn từ vị trị địa lý đến những chính sách hỗ trợ đầu tư, huyện Mang Thít đang dần chuyển mình với các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…

 

Hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ giúp Mang Thít sẽ là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư.Ảnh minh họa
Hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ giúp Mang Thít sẽ là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư.Ảnh minh họa

 

Tận dụng lợi thế

Huyện Mang Thít nằm về phía Đông Nam của tỉnh Vĩnh Long, phía Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Bến Tre, phía Nam giáp với huyện Vũng Liêm, phía Tây giáp với huyện Long Hồ và phía Tây Nam giáp với huyện Tam Bình. Trung tâm huyện chỉ cách TP Vĩnh Long hơn 20km theo hướng QL53.

Huyện còn có sông Cổ Chiên và sông Măng Thít là 2 tuyến giao thông thủy quốc gia và quốc tế của ĐBSCL. Trên đường bộ có QL53, Đường tỉnh 902, 903, 909 là các tuyến giao thông quan trọng nối Mang Thít với các trung tâm kinh tế của 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Đây là điều kiện thuận lợi về đường giao thông thủy, bộ để thu hút đầu tư, nhất là các cụm công nghiệp và đặc biệt là tuyến công nghiệp Cổ Chiên nằm trên địa bàn huyện.

Để tận dụng lợi thế và mời gọi đầu tư, huyện cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành công thương trong năm 2018. Qua đó, tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng tạo điều kiện cho các ngành kinh tế có lợi thế phát triển ổn định và bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành chế biến nông- thủy sản, sản xuất gạch ngói, gốm sứ, đóng tàu, may mặc. Đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường…

Theo ông Phạm Phương Nam- Chánh Văn phòng UBND huyện, hiện Đường tỉnh 907 đã được khởi công qua đoạn thị trấn Cái Nhum.

Sau khi hoàn thành, Đường tỉnh 907 nối liền Thiện Mỹ (Trà Ôn) đến Đường tỉnh 909- Hòa Tịnh (Mang Thít) hứa hẹn sẽ giúp cho vùng lõi của huyện khởi sắc, tạo điều kiện tốt hơn để giao thương với các vùng kinh tế khác trong và ngoài huyện.

Về tiềm năng phát triển du lịch, trong những năm gần đây, trên địa bàn xã Chánh Hội và Tân An Hội thường xuyên thu hút được du khách.

Tại đây, du khách sẽ tận hưởng những làn gió mát, đặc biệt là môi trường sinh thái còn lưu giữ nét tự nhiên. Bên cạnh đó, có thể tham quan, chiêm ngưỡng các di tích lịch sử văn hóa như Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang, đình Bình Phước, Long Mỹ, Tân Thắng,…

Song song đó, dọc tuyến sông Cổ Chiên là làng nghề sản xuất gạch gốm- cũng là điểm nhấn quan trọng để thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế.

Chủ tịch UBND huyện Mang Thít đã có quyết định ban hành kế hoạch phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đưa du lịch Mang Thít cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại…

Điều kiện thuận lợi cả về đường sông lẫn đường bộ giúp cho địa phương có nhiều phương án kêu gọi đầu tư.
Điều kiện thuận lợi cả về đường sông lẫn đường bộ giúp cho địa phương có nhiều phương án kêu gọi đầu tư.

Xác định tiềm năng để thu hút đầu tư

Ngoài lợi thế sản xuất nông nghiệp cho giá trị cao, huyện Mang Thít xác định sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là thế mạnh thứ 2 trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định xã hội.

Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp, các ngành nghề được tập trung kêu gọi đầu tư gồm: chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, lương thực, thực phẩm; vật liệu xây dựng, gốm mỹ nghệ; đóng tàu, xà lan; may mặc, da giày gia công; sửa chữa cơ khí; thủ công mỹ nghệ…

Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên cho biết, huyện đã tập trung chỉ đạo tổ chức sắp xếp lại sản xuất, quy hoạch lại các làng nghề truyền thống và phát triển thêm các ngành nghề mới: “Đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư chiều sâu, tăng cường đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã chất lượng”.

Ngoài việc xác định những điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, huyện cũng đã nhận rõ các khó khăn và tình hình thực tế tại địa phương để định hướng kêu gọi đầu tư. Ông Nguyễn Văn Diên nhấn mạnh, những ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư sẽ là chế biến thức ăn thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng…

Chủ tịch UBND huyện cũng kiến nghị được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Đường tỉnh 907 đoạn qua huyện Mang Thít; nâng cấp, cải tạo Đường tỉnh 902 và xây cầu Quới An để nối liền Mang Thít với huyện Vũng Liêm. Từ đó sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Tuyến công nghiệp Cổ Chiên phát huy tối đa lợi thế “2 mặt tiền: thủy- bộ”.

Huyện Mang Thít hiện có một số dự án kêu gọi đầu tư, là: Dự án Trung tâm Thương mại thị trấn Cái Nhum với diện tích 30ha, vốn kêu gọi đầu tư là 600 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện đang kêu gọi đầu tư Cụm công nghiệp An Định để tạo quỹ đất sạch nhằm giúp cho các nhà đầu tư mới về các ngành may mặc, giày da, chế biến… Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.600 tỷ đồng, tại xã An Phước.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY