Vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần sự chung tay của cộng đồng

10:01, 10/01/2018

Tuy có nhiều cố gắng nhưng hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn và dịch vụ ăn uống vẫn là rất lớn, nên cần lắm sự chung tay của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

 

Tuy có nhiều cố gắng nhưng hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn và dịch vụ ăn uống vẫn là rất lớn, nên cần lắm sự chung tay của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Cần nhiều điểm bán thực phẩm an toàn trên thị trường. Ảnh minh họa
Cần nhiều điểm bán thực phẩm an toàn trên thị trường. Ảnh minh họa

Còn nhiều việc để lo

Năm 2017, trên địa bàn huyện Long Hồ xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm làm 198 người bị ngộ độc; trong đó có 3 vụ ngộ độc tập thể với 193 người.

Để xảy ra tình trạng trên là do huyện có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (gọi chung là cơ sở); trong khi nguồn thực phẩm cung cấp có số lượng lớn, phải mua gom từ nhiều nguồn khác nhau, nên thường không đảm bảo VSATTP. Một số cơ sở có điều kiện chế biến thực phẩm còn đơn giản, không theo đúng quy định.

Trong một số trường học, công tác đảm bảo VSATTP cũng chưa đạt yêu cầu, do giáo viên dinh dưỡng mới được tuyển dụng hoặc chưa qua đào tạo, chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn. Đồng thời, ý thức giữ gìn vệ sinh dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em của một số phụ huynh còn hạn chế.

Một số địa phương trong huyện chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, trong đó việc đầu tư xây dựng bếp ăn theo chuẩn, nước sạch, công trình vệ sinh chưa được chú trọng, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý VSATTP trong trường học.

Một số trường học còn thiếu chặt chẽ trong việc ký hợp đồng mua bán thực phẩm sạch, an toàn, còn dùng bát nhựa, cốc nhựa cho học sinh ăn uống.

Giáo viên, cán bộ phụ trách dinh dưỡng không được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định; bếp ăn xây dựng chưa đúng quy cách, còn đặt khu chế biến thực phẩm gần nhà vệ sinh; còn dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm chín và sống; phòng ăn ẩm thấp; thậm chí có một số trường không có phòng ăn riêng cho học sinh. Đây cũng là những nguyên nhân dễ dẫn đến việc ngộ độc thực phẩm tập thể.

Mặt khác, các cơ sở chế biến thực phẩm không nằm tập trung mà rải rác, nhỏ lẻ nên khó kiểm tra, quản lý; hầu hết là những cơ sở nhỏ, trang thiết bị thô sơ, cơ sở vật chất hạn chế. Người mua bán thức ăn đường phố đa số là những hộ nghèo, chưa có kiến thức, hiểu biết và các quy định về VSATTP.

Ở Long Hồ chỉ mới có một vài hộ nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Trong ảnh: Mô hình trồng rau trong nhà lưới của chị Mai Kim Cương (ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu).
Ở Long Hồ chỉ mới có một vài hộ nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Trong ảnh: Mô hình trồng rau trong nhà lưới của chị Mai Kim Cương (ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu).

Làm sao để thực phẩm an toàn?

Để làm tốt công tác VSATTP, Long Hồ đã có nhiều giải pháp thiết thực, như: hội nghị triển khai tháng hành động vì chất lượng VSATTP; tổ chức tập huấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; thường xuyên tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tọa đàm, phát tờ rơi, tờ bướm, tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở kinh doanh có liên quan đến VSATTP.

Tuy nhiên, đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ- cho rằng: Công tác vận động, truyên truyền giáo dục là rất quan trọng nhưng cần có biện pháp chế tài đủ mạnh để răn đe những kẻ làm ăn gian dối, gây tổn hại sức khỏe cho người tiêu dùng.

Điển hình như, chuyện xử lý bơm nước vào heo trước khi cân, việc xử phạt hiện nay chưa thể gọi là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn được tình trạng này. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp một cách đồng bộ mới là giải pháp căn cơ.

Do đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 ngành: y tế, nông nghiệp và kinh tế hạ tầng huyện cùng các ban, ngành huyện có liên quan nhằm quản lý tốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý các sản phẩm không đảm bảo an toàn, thông qua hệ thống kiểm soát chuỗi đứng đầu doanh nghiệp, trường học để hiểu rõ sức khỏe của lao động, học sinh chính là tài sản, lợi nhuận, yếu tố quyết định thành công của đơn vị, doanh nghiệp.

Từ đó, có trách nhiệm xây dựng bếp ăn tập thể đúng quy chuẩn như: định kỳ kiểm tra sức khỏe nhân viên; không nhập nguyên liệu kém chất lượng; thường xuyên vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm nhằm nâng cao giá trị khẩu phần ăn…

Bên cạnh đó, người trực tiếp chế biến tại các bếp ăn tập thể phải được đào tạo cơ bản về VSATTP và luôn có ý thức trong việc lựa chọn nguyên liệu chế biến.

Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức và biết cách phân biệt thực phẩm an toàn một cách cơ bản.
Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức và biết cách phân biệt thực phẩm an toàn một cách cơ bản.

Theo ông Lê Minh Thiện- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Hồ, vấn đề phải từ gốc, đó là nơi sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn, bảo đảm cung cấp nguồn nguyên liệu sạch.

Tuy nhiên, ở Long Hồ hiện nay chỉ mới có một vài mô hình nông dân trồng trọt theo hướng an toàn tự phát, chưa có được sự quan tâm, đầu tư thích đáng từ các ngành, các cấp, cũng như đội ngũ kỹ thuật. Trong khi đầu ra thì còn quá khó khăn, dễ bị đánh đồng với sản phẩm đại trà.

Chú Mai Xuân Quang (61 tuổi, ở ấp Phước Trinh A, xã Phước Hậu) là một trong số ít nông dân luôn băn khoăn, trăn trở vấn đề sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, quan tâm vấn đề cải thiện nguồn đất ô nhiễm để hướng đến sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Với 15 công ruộng, chú Quang đang phối hợp với một công ty chuyên cung cấp các chế phẩm sinh học, để trồng “đối chứng” có ghi chép, theo dõi hiệu quả của việc sử dụng phân sinh học, nhằm giảm lượng tồn dư hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Trong hành trình xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn hiện nay, chúng ta rất cần có nhiều nông dân ý thức cao như vậy để giải quyết cái gốc của nguồn nguyên liệu an toàn.

Đồng thời, cần nâng cao ý thức của người tiêu dùng là học sinh trong các trường học, người lao động trong các doanh nghiệp cần có sự hiểu biết hành động đúng, thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh khu vực ăn uống. Đặc biệt, cần giám sát chất lượng bữa ăn của mình và “tẩy chay” những sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Là một huyện vùng ven TP Vĩnh Long, Long Hồ có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Tính đến cuối năm 2017, Long Hồ có 340 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 33 bếp ăn tập thể, 713 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

 

Bài, ảnh: MINH TRIẾT- NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh