Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Cập nhật, 19:05, Thứ Năm, 16/11/2017 (GMT+7)

Ngày 16/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Phiên họp diễn ra trong 3 ngày, từ 16- 18/11 và  được phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với các nội dung được chất vấn về công tác quản lý thuế, vấn đề quản lý nợ công...

Trả lời về vấn đề nợ công Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Quốc hội đã có giới hạn cho các chỉ tiêu về an toàn nợ công, đó là trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54% và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%, thời gian vừa qua chúng ta đã triển khai quyết liệt rất nhiều các giải pháp để tăng cường quản lý nợ công.

Ngoài ra, chúng ta đang thực hiện lộ trình cắt giảm bội chi, năm 2017 chúng ta bội chi 3,5% dự kiến đến năm 2020 xuống 3,4%.

Việc kiểm soát được bội chi là để gia tăng kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công, trong đó có giải pháp tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ.

Về việc quản lý hóa đơn thuế, bán hàng không xuất hóa đơn thuế ảnh hưởng tới thất thu ngân sách, ngành đang xây dựng nghị định về hóa đơn điện tử, hiện đã triển khai thí điểm ở một số tỉnh, địa phương và một số doanh nghiệp, kết quả bước đầu là tốt, Nghị định này sẽ trình Chính phủ trong năm nay sẽ ban hành.  

Người thứ hai trả lời chất vấn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, trả lời các nội dung chất vấn về việc điều hành chính sách tiền tệ; giải pháp trong xử lý nợ xấu; việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu…

Ông Lê Minh Hưng giải trình, căn cứ vào Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội của Quốc hội, ngành đã xây dựng kịch bản điều hành cho năm 2017 là tín dụng tăng trưởng ở mức 18% và có điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm tăng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát.

Giải pháp trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng- đây là nhiệm vụ trung tâm, ngoài ra thực hiện tốt các đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém… tất cả đều có lộ trình cụ thể, nếu quyết tâm thực hiện sẽ khắc phục được tình trạng này.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo mặt bằng chung của lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức từ  9- 10%, tỷ trọng cho vay bất động sản và BOT đang được kiểm soát rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, nhu cầu nguồn vốn hiện nay rất lớn, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo chặt chẽ và chỉ giải ngân đối với các tổ chức có năng lực thật sự, tránh phát sinh thêm nợ xấu gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế.  

TÂM THI