Trong phiên thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề xuất đã là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì phải có ưu tiên đặt biệt; phải có độ mở để tạo một sân chơi mới hấp dẫn hơn với các đối tác trong quá trình vận hành đơn vị này.
Trong phiên thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề xuất đã là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì phải có ưu tiên đặt biệt; phải có độ mở để tạo một sân chơi mới hấp dẫn hơn với các đối tác trong quá trình vận hành đơn vị này.
* Đại biểu Trần Văn Rón, đơn vị tỉnh Vĩnh Long
Đây là vấn đề ta có chủ trương và định hướng từ nhiều nhiệm kỳ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn chậm, giống như chúng ta chưa dám bứt phá. Việc Chính phủ trình dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt lần này xem như điều kiện để thực hiện bước đột phá đối với vấn đề này.
Qua nghiên cứu tờ trình, theo tôi dự án luật cần thể hiện sự đặc biệt hơn hiện nay về mặt hành chính, trong đó tránh được tầng nấc của hành chính, vận hành gọn nhẹ, xử lý công việc nhanh; về kinh tế cũng phải có sự đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế hiện nay.
Tuy nhiên, trong một số điều của dự án luật còn quy định liên quan đến các bộ ngành hướng dẫn, theo tôi muốn phát triển mà còn phụ thuộc vào các bộ ngành hướng dẫn tiếp nữa thì không khéo tiếp tục sinh ra nhiều tầng nấc.
Theo đó, nên xây dựng một bộ khung, từ đó có hướng dẫn khung để tổ chức thực hiện, nếu có bộ khung mà hướng dẫn không có lại phụ thuộc từng bộ, từng ngành nữa sẽ rất khó khăn.
Riêng ngành tư pháp thì phải đảm bảo xây dựng quy định tương đương, còn tương đương thế nào thì về mặt này ngành chuyên môn phải tính, nghĩa là khi có sự việc xảy ra cấp đặc biệt này phải xử lý cho được mang tính chất quan hệ quốc tế, nếu không lại xin ý kiến tỉnh, xin ý kiến Trung ương thì không ổn.
Về kinh tế, phải tính tới phương án ưu tiên, chứ phát triển tràn lan và không có định hình khung nhất định thì cũng không ổn.
Về mặt quốc phòng thì phải đặc biệt quan tâm và quản lý chặt chẽ, còn tất cả các mặt khác thì nên mạnh dạn mở ra cho cấp này phát triển. Về mặt quản lý nhà nước, theo tôi nếu đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương thì sẽ tốt và phù hợp hơn.
* Đại biểu Lưu Thành Công, đơn vị tỉnh Vĩnh Long
Tôi đồng tình với tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, dự án luật cũng theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Đến thời điểm này chúng ta mới thực hiện đã quá chậm, cả thế giới hiện có khoảng 4.500 khu kinh tế hành chính kinh tế đặc biệt rồi, có nơi thành công cũng có nơi không thành công.
Theo tờ trình của Chính phủ, mục đích của việc thành lập các đơn vị hành chính đặc biệt này tạo điều kiện mở rộng về kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh, về đối ngoại… để các nơi này phát triển nhanh hơn, trên cơ sở đó tổng kết thực tiễn và áp dụng cho cả nước.
Qua nghiên cứu dự án luật, tôi thấy độ mở chưa nhiều, còn rất nhiều quy định khó thực hiện khi chúng ta hình thành các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này.
Theo tôi, chúng ta đã quyết định mở thì phải chấp nhận những mặt trái của nó chứ không thể nào lưng chừng như dự thảo luật quy định cả về kinh tế lẫn chính trị, hành chính.
Chúng ta có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các đơn vị này còn 108 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên trong 108 ngành nghề này cũng chưa mở, tôi đề nghị chỉ giữ lại những ngành nghề liên quan đến quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, còn lại tất cả ngành nghề phải mở rộng để tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài đến kinh doanh.
Có như thế mới theo đúng tinh thần của dự án đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, cũng như tạo một sân chơi mới, đầy sức hấp dẫn đối với các đối tác nước ngoài.
Về đơn vị hành chính, tôi thống nhất phương án có trưởng đơn vị hành chính và các cơ quan chuyên môn, nhưng tôi thấy có sự bất hợp lý là trưởng đơn vị hành chính do Thủ tướng bổ nhiệm, tất cả các hoạt động theo hướng dẫn của bộ ngành Trung ương, ngân sách cũng do Trung ương đầu tư có mục tiêu nhưng lại trực thuộc tỉnh. Theo tôi cần xem lại quy định này, nếu quy định như thế, vậy tỉnh quản lý cái gì trong khi người đứng đầu do Thủ tướng bổ nhiệm, tất cả các hoạt động theo hướng dẫn của bộ ngành Trung ương, ngân sách cũng do Trung ương đầu tư… Mặc dù Bộ Chính trị đã quyết định rồi nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề xuất các khu hành chính kinh tế đặc biệt nên trực thuộc Trung ương thì mới có thể phát triển tốt. Nếu quy định trực thuộc tỉnh như dự án luật thì việc hình thành các đặc khu này xong theo tôi nó cũng như thế thôi chứ không có gì mới hơn.
Ngoài ra, trong dự thảo luật tôi thấy thiếu một điều, luật quy định trưởng đơn vị hành chính, các cơ quan chuyên môn… giống như “hiến pháp” của đơn vị đó cho nên luật cần quy định rõ luôn thể chế chính trị của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này là như thế nào?
Trong đó, tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị ở đây hoạt động như thế nào cần phải quy định cụ thể, rõ ràng. Nếu luật làm rõ các vấn đề trên thì các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mới có triển vọng phát triển tốt.
TÂM THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin