Làm sao để gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp?

01:11, 02/11/2017

Trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, phương hướng năm 2018, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đóng góp rất nhiều vấn đề, trong đó làm sao để gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp được nhiều đại biểu cho ý kiến.

 

Trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, phương hướng năm 2018, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đóng góp rất nhiều vấn đề, trong đó làm sao để gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chuyển biến rất chậm, phần lớn là các mô hình phát triển nhỏ lẻ, tự phát, sức cạnh tranh kém tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững. Ảnh: THANH BÌNH (TP Vĩnh Long)
Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chuyển biến rất chậm, phần lớn là các mô hình phát triển nhỏ lẻ, tự phát, sức cạnh tranh kém tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững. Ảnh: THANH BÌNH (TP Vĩnh Long)

Phải có một nhạc trưởng điều hành

Theo nhiều đại biểu, hiện nay mô hình sản xuất, quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, gắn với chuỗi giá trị mạng lưới phân phối giá trị gia tăng, an toàn sản phẩm... dù có tổ chức thực hiện nhưng chưa có tiến bộ gì nhiều so với yêu cầu thực tế.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (đơn vị tỉnh Tiền Giang) đề nghị Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư một cách có hiệu quả hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối.

Bởi nếu có mạng lưới phân phối tốt thì đưa vào chuỗi mới giúp được nông dân tiêu thụ sản phẩm, từ đó tránh được tình trạng giải cứu nông sản như thời gian gần đây.

ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (đơn vị tỉnh Hà Tĩnh) đặt vấn đề, Chính phủ và các bộ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội, trước Thường vụ Quốc hội nhưng chậm điều chỉnh các chính sách, vào cuộc để tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh như giải cứu cho nông sản, nêu giải pháp thì hay nhưng cuối cùng cơ bản là nông dân vẫn tự chịu và tự cứu.

Đầu vào của sản xuất cũng chưa thay đổi, vẫn giá cao từ khâu giống, phân bón, thức ăn cho gia súc còn nông sản phẩm trong chuỗi liên kết vẫn còn lúng túng, dư thừa, giá cả vẫn bấp bênh, phần thiệt thòi vẫn là người sản xuất và người nông dân.

Vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, vấn đề tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhiều cử tri rất bức xúc và liên tục kiến nghị nhiều lần.

Thực tiễn là vẫn còn chồng chéo giữa các bộ ngành và địa phương, thiếu vai trò nhạc trưởng để điều hành, để chịu trách nhiệm rõ ràng, cụ thể nên kết quả các chủ trương hầu hết là chậm, không đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong bối cảnh hội nhập nhanh chóng như hiện nay.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (đơn vị tỉnh An Giang) đề nghị, Chính phủ cần quan tâm công tác rà soát pháp lý, phân công trách nhiệm, phân cấp kiện toàn bộ máy một cách rõ ràng, cụ thể để nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện, nhằm đạt thành công các chủ trương mà Chính phủ ban hành.

Cần giải quyết tốt 3 điểm nghẽn

Phát biểu thảo luận vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm 3 vấn đề, cũng là 3 vấn đề điểm nghẽn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Đó là phải tiếp tục hạ lãi suất tín dụng sâu hơn, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Bởi, hạ lãi suất tín dụng sẽ huy động được các nguồn lực trong xã hội, tạo việc làm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nâng cao được chất lượng tăng trưởng, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trong hội nhập.

Ngoài ra, phải tập trung cho vấn đề khoa học công nghệ, nhất là công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp như giống cây con.

Theo đó, Nhà nước sẽ đứng ra đặt hàng với các viện nghiên cứu để sản xuất các loại giống cây con chủ lực và chuyển giao cho nông dân.

Đồng thời, phải quan tâm đầu tư đến kho bảo quản nông sản để gắn sản xuất với tiêu thụ, nhằm khắc phục quy luật muôn đời của thị trường “được mùa mất giá”.

Song song đó, tập trung đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn để nâng cao năng suất lao động.

Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, thì nông dân vẫn tư duy sản xuất nhỏ theo truyền thống thì khó có thể thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3 vấn đề trên chính là nút thắt trong sản xuất nông nghiệp, nếu giải quyết tốt 3 vấn đề này thì nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta sẽ có bước tiến mới và nông dân sẽ thoát khỏi cảnh phập phòng lo sợ với điệp khúc “được mùa, mất giá” đã và đang xảy ra từ nhiều năm nay.

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (đơn vị tỉnh Bình Phước) cho rằng, hiện nay Chính phủ khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Để thực hiện tốt điều này, cần phải sớm sửa đổi hạn mức giao đất, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất quy định tại Điều 129, 130 của Luật Đất đai năm 2013 và các chính sách pháp luật có liên quan, đó cũng là mong muốn của các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, tổ chức, người nông dân hiện nay.

TÂM- THI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh