Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại, hiểu rõ hơn về cuộc đời và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, hiểu thêm về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ cách đây 77 năm, để các thế hệ hôm nay học tập, phấn đấu và cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh- thành thắp hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Dương Thu |
- Kính thưa: Đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Kính thưa: Đồng chí: Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long
- Kính thưa: Các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng,
- Thưa quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể đồng bào, đồng chí!
Hôm nay, hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi của chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa VI, khóa VIII và IX; một người chiến sĩ cộng sản trung kiên; một nhà lãnh đạo tài năng, bản lĩnh, sáng tạo, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và của quê hương Vĩnh Long.
Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại, hiểu rõ hơn về cuộc đời và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, hiểu thêm về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ cách đây 77 năm, để các thế hệ hôm nay học tập, phấn đấu và cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, tôi xin trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng- Nhà nước, quý mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, quý vị đại biểu và đồng chí, đồng bào lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Kính thưa các đồng chí và toàn thể quý đại biểu!
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, nhưng được nhiều người hay gọi với tên gần gũi, trìu mến: Sáu Dân hay Chín Hòa.
Đồng chí sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm- Vĩnh Long- một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.
Vũng Liêm còn được biết đến như một chiếc nôi khởi nguồn cho sự bùng nổ và thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long có vai trò trực tiếp tham gia lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt.
Năm 1938, khi vừa tròn 16 tuổi, đồng chí hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế, năm 17 tuổi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau đó làm Bí thư Chi bộ, huyện ủy viên và tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm. Trong cuộc khởi nghĩa này, đồng chí Phan Văn Hòa (tức đồng chí Võ Văn Kiệt), chỉ huy trận đánh chiếm Bắc Nước Xoáy, nay thuộc xã Tân An Luông, Vũng Liêm, đánh chìm 2 chiếc phà, chiếm gọn đồn địch và treo cờ đỏ sao vàng tung bay trên sông Măng Thít làm cho bọn địch kinh hoàng, hoảng sợ.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, với tư chất thông minh, dũng cảm, năng động, sáng tạo, đồng chí được Đảng tin tưởng giao nhiều trọng trách:
Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Từ năm 1955 và trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí làm Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Bí thư Khu ủy T4 (Sài Gòn- Gia Định), Bí thư Khu ủy Khu 9, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, năm 1960 làm Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương, năm 1972 là Ủy viên Trung ương chính thức.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, trên mọi cương vị công tác, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu, ác liệt nhất, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, đánh bại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại của cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách như: Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, sau đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 1976 đến năm 1982 là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, từ năm 1982 đến năm 1997 là Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (các khóa V, VI, VII, VIII), từ tháng 12/1997- 4/2001 đồng chí được cử làm Cố vấn BCH Trung ương Đảng, là đại biểu Quốc hội khóa VI, VIII, IX.
Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí luôn cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng- an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.
Trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Trung ương, cũng như Chính phủ, với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Thời điểm là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tổ chức thực hiện nhiều chủ trương lớn một cách kiên quyết, triệt để và rất cụ thể về đổi mới.
Đồng chí đã dành nhiều thời gian đi thực tế mọi miền đất nước, tận mắt chứng kiến những đổi thay, bất cập của cuộc sống, kịp thời có ý kiến góp ý với lãnh đạo các tỉnh, thành phố về định hướng phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn có những ý tưởng lớn, táo bạo, nhưng dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và dám chịu trách nhiệm, kiên quyết tổ chức thực hiện bằng được những ý tưởng đó với mục tiêu vì nước, vì dân.
Ngày nay nhân dân ta vẫn còn nhớ đến nhiều công trình mang đậm “dấu ấn” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ chủ trương có ý nghĩa quyết đoán, sáng tạo, đột phá, đến sự năng động, quyết liệt trong điều hành thực hiện.
Đó là chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, chuyển từ vùng châu thổ nhiễm mặn nặng nề, năng suất rất thấp, mỗi năm chỉ cấy được một vụ, sang vùng có năng suất cao; đó là việc xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc- Nam góp phần điều hòa lượng điện trong cả nước;
hay đó là việc xây dựng đường Bắc Thăng Long- Nội Bài, mở rộng cửa ngõ Thủ đô Hà Nội,... các công trình mang tính chiến lược, là đòn bẩy quyết định cho sự phát triển tăng tốc về kinh tế- văn hóa- xã hội của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới.
Đối với ĐBSCL, đồng chí luôn dành sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sát sao đối với vùng đất nặng nghĩa tình này.
Trên cơ sở khoa học và tổng kết thực tiễn, đồng chí đã chỉ ra yếu kém cơ bản của vùng đó là: Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi chậm phát triển, trình độ dân trí thấp.
Từ đó, đồng chí chỉ đạo 3 mũi đột phá lớn mang ý nghĩa quyết định để phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng có sản lượng hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu lớn nhất nước.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí, nhiều công trình giao thông trọng điểm của vùng đã được xây dựng như: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, sân bay quốc tế Cần Thơ,... cơ sở hạ tầng giao thông ở nông thôn có nhiều chuyển biến, từ cầu khỉ, đường đất được trải nhựa hoặc bê tông hóa; hệ thống thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm xá từ tuyến huyện đến xã đã từng bước kiên cố và chuẩn hóa; nhiều công trình nhà vượt lũ được xây dựng; nông thôn từng bước được công nghiệp hóa và đô thị hóa, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.
Những đột phá trên đã góp phần quan trọng đưa ĐBSCL ngày càng phát triển theo hướng bền vững, tạo điều kiện để vùng đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.
Trong những năm không còn giữ trọng trách trong Chính phủ cũng như không còn là Cố vấn BCH Trung ương Đảng, đồng chí vẫn nặng lòng với nhiều vấn đề trọng đại về quốc kế, dân sinh và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho Bộ Chính trị và Chính phủ.
Với quê hương Vĩnh Long, dù ở nơi đâu, với cương vị nào, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng nặng lòng của người con xa quê.
Đồng chí thường xuyên về thăm quê ở Trung Hiệp- Vũng Liêm, thăm đồng đội cũ và những gia đình đã nuôi giấu, chở che mình trong những năm tháng ác liệt của 2 cuộc kháng chiến.
Thăm hỏi, động viên các đơn vị sản xuất kinh doanh giỏi; dành nhiều thời gian trao đổi, làm việc với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, cũng như những việc cụ thể, thiết thực, cả những kinh nghiệm quý báu trong quá trình công tác của bản thân và những mô hình sản xuất kinh doanh, quản lý tốt ở trong và ngoài nước đều được đồng chí giới thiệu, hướng dẫn và góp ý... đồng chí luôn theo sát tình hình chuyển biến của tỉnh.
Từ những chỉ đạo gợi mở của đồng chí, Vĩnh Long đã tập trung đột phá đồng thời cả hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống thủy lợi và giáo dục đào tạo; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng, khắc phục tình trạng thuần nông, độc canh cây lúa, cải tạo vườn tạp, phát triển cây ăn trái đặc sản;
ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế... giúp cho Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đẩy mạnh phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội ở địa phương, đạt kết quả khá toàn diện trong nhiều năm qua.
Học tập tấm gương vì nước vì dân của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đã và đang tập trung thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;
xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vững vàng về tư tưởng chính trị, lành mạnh về đạo đức lối sống;
sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy tính năng động sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Kỷ niệm 95 năm ngày sinh của đồng chí Võ Văn Kiệt, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nguyện học tập, phấn đấu phát huy tinh thần yêu nước, cách mạng, nỗ lực xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đây là quyết tâm và cũng là sự tri ân của Đảng bộ, dân và quân Vĩnh Long đối với các bậc cách mạng tiền bối nói chung và cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nói riêng.
Nhân buổi lễ kỷ niệm trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, tôi kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh ta phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, phấn đấu học tập tấm gương hy sinh, cống hiến, sáng tạo đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội lần thứ X của tỉnh đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long giàu đẹp và phát triển bền vững.
(*) Nhan đề do tòa soạn đặt.
(Trích bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại lễ kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và 77 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin