Lũ sớm cộng với mưa bão liên tiếp xảy ra đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư gia cố các công trình thủy lợi giúp chủ động ứng phó thiên tai, góp phần bảo vệ sản xuất, dân sinh.
Lũ sớm cộng với mưa bão liên tiếp xảy ra đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư gia cố các công trình thủy lợi giúp chủ động ứng phó thiên tai, góp phần bảo vệ sản xuất, dân sinh.
Kiểm tra tiến độ gia cố đê bao dọc sông Bang Tra tại xã Thanh Bình (Vũng Liêm). |
Mưa nhiều, lũ sớm sản xuất khó
Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh vào cuối tháng 7, sau đó còn tiếp tục lên.
Chưa kể, diễn biến mưa bão phức tạp thời gian qua khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn.
Gần đây, do ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn khiến cho nhiều diện tích lúa Hè Thu giai đoạn thu hoạch bị sập. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã có gần 1.000ha lúa Hè Thu bị đổ ngã do mưa bão, trong đó, phần lớn lúa sập từ 70- 80%, cá biệt một số diện tích lúa sập 100%.
Theo đó, lúa sập xảy ra ở các xã Tân Long, Nhơn Phú, Chánh Hội (Mang Thít) với tổng diện tích khoảng 600ha. Diện tích còn lại nằm rải rác ở các địa phương lân cận như huyện Long Hồ và Tam Bình.
Hầu hết các ruộng lúa đang ở giai đoạn chín nhưng gặp mưa lớn trong nhiều ngày liền nên dễ bị ngã đổ và có nguy cơ giảm từ 30- 40% năng suất.
Bên cạnh đó, ruộng ướt, lúa sập nên rất khó thu hoạch máy gặt đập liên hợp khiến nông dân gặp nhiều khó khăn cho việc tìm nhân công để cắt tay.
Theo ông Trần Văn Bảy (xã Chánh Hội- Mang Thít), gần chục công lúa của ông bị sập hơn phân nửa diện tích, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng và rất khó bán. Trong khi, giá nhân công cắt tay hiện rất cao, từ 700.000- 800.000đ mỗi công nên tính ra vụ này ông không có lời.
Lúa Hè Thu năm 2017 đang độ cuối vụ, hiện các địa phương đã thu hoạch được hơn 52.260ha, diện tích còn lại không nhiều, khoảng 3.577ha. Đối với các diện tích lúa Hè Thu bị sập, ngành nông nghiệp cũng đã khảo sát, thống kê thiệt hại để xem xét hỗ trợ người dân.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo đối với diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch, người dân cần thăm đồng thường xuyên, sau các trận mưa lớn cần bơm thoát nước ở các chân ruộng thấp trũng để tránh tình trạng lúa bị ngập úng, đồng thời tập trung thu hoạch nhanh diện tích lúa Hè Thu bị sập để bảo đảm năng suất.
Chăm lo thủy lợi
Bên cạnh tình hình mưa bão ảnh hưởng đến sản xuất tại một số địa phương thì lũ sớm cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và dân sinh. Để chủ động ứng phó, thời gian qua, huyện Vũng Liêm đã triển khai nhiều công trình thủy lợi đặc biệt là 2 xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện.
Đáng kể nhất là 19 công trình gia cố đê bao dọc sông Bang Tra thuộc xã Quới Thiện (đoạn từ vàm Rạch Sâu đến vàm Rạch Vọp), 48 đoạn đê bao dọc sông Bang Tra (đoạn từ vàm Thanh Bình, xã Thanh Bình đến vàm Kênh Đào, xã Quới Thiện) cũng được gia cố đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long cũng đã và đang triển khai thi công 8 dự án kiên cố cống đập tại 2 xã cù lao này.
Vừa kiểm tra tiến độ thi công các công trình thủy lợi tại huyện Vũng Liêm, ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- cho biết, việc đầu tư gia cố các cống đập nêu trên góp phần bảo vệ vườn cây ăn trái, nhà cửa, chuồng trại, ao cá của dân trong khu vực trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, các xã- thị trấn của huyện cũng đã thực hiện công tác thủy lợi nội đồng, với 134 công trình, huy động 534 lượt người với 934 ngày công nạo vét 76 tuyến kinh, nâng cấp 24 bờ vùng, gia cố 34 đập.
Theo ông Nguyễn Văn Sang- Chủ tịch UBND xã Tân An Luông (Vũng Liêm), hiện nay một số công trình lớn, xã đầu tư vốn để tiến hành nạo vét. Riêng các đoạn nhỏ, xã cùng với nhân dân ở ấp, ở địa phương đó đóng góp để cùng thực hiện.
Còn tại huyện Trà Ôn, công trình thủy lợi nạo vét tuyến kinh nội đồng kết hợp giao thông nông thôn thuộc xã Xuân Hiệp được hình thành với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Công trình này sẽ góp phần chủ động nguồn nước chống phục vụ cho hơn 500ha lúa vụ Hè Thu trong cánh đồng mẫu; vườn cây ăn trái và tạo điều kiện lưu thông dễ dàng cho nông dân tại nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Út (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) cho biết, ở đây mùa nước lên là ngập tràn vườn tược, nạo vét con kinh, làm đường giao thông rồi thì không lo nước ngập ruộng, vườn cây trái của bà con ở đây nữa.
Theo ông Trần Quốc Trung- cán bộ nông nghiệp xã Xuân Hiệp, công trình này được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, khi được vận động thì nhân dân cũng hưởng ứng và thống nhất cao trong việc giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Từ đầu năm đến nay, bằng nguồn vốn của huyện, thị và địa phương quản lý, toàn tỉnh đã thực hiện 145 công trình thủy lợi nội đồng với tổng khối lượng đất đào đắp hơn 277.700m3. Trong đó có 110 công trình đã hoàn thành, góp phần cho nông dân chủ động được nguồn nước sản xuất và sinh hoạt.
Với cách làm hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác, xây dựng, nhất là thực hiện tốt phương châm xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng làm” các công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần quan trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, phát huy được hiệu quả công trình trong đợt cao điểm mùa mưa bão, lũ.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin