Vẫn cứ lo chuyện được mùa thì rớt giá…

03:07, 06/07/2017

Ngày thứ hai kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh (khóa IX), đại biểu thảo luận tại tổ và hội trường. Vấn đề được "bàn" nhiều nhất vẫn là lĩnh vực nông nghiệp, với chuyện trồng cây gì nuôi con gì để không luẩn quẩn điệp khúc cứ được mùa thì rớt giá…

 

 

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường.
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường.

Ngày thứ hai kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh (khóa IX), đại biểu thảo luận tại tổ và hội trường. Vấn đề được “bàn” nhiều nhất vẫn là lĩnh vực nông nghiệp, với chuyện trồng cây gì nuôi con gì để không luẩn quẩn điệp khúc cứ được mùa thì rớt giá…

* Nông nghiệp được “quan tâm” nhiều…

ĐB Lê Văn Tiều (TP Vĩnh Long) bày tỏ băn khoăn, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp nhưng vấn đề đầu ra gặp nhiều khó khăn. Ông dẫn chứng ngay chuyện trồng ổi ở 4 xã của TP Vĩnh Long, chỉ 4 tháng thu hoạch nhưng cung vượt cầu, có lúc dưới 1.000 đ/ký, không đủ tiền  mua… bọc.

ĐB này đặt vấn đề, ngoài ổi thì các cây trồng ở các địa phương không khéo cung lại vượt cầu, vấn đề tiêu thụ sẽ ra sao. Ngành nông nghiệp có hướng trồng cây gì, nuôi con gì để giúp nông dân?

ĐB Bùi Văn Nghiêm (Vũng Liêm) thừa nhận trong 6 tháng đầu năm “chúng ta có những mặt được nhưng cũng còn những hạn chế cần tập trung chỉ đạo và nhìn nhận để có sự quan tâm trong 6 tháng cuối năm”, đó là tình hình nông nghiệp.

Việc đầu tư cho mô hình còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên không kiểm soát được dịch bệnh. Trong sản xuất, việc bố trí lịch thời vụ chưa đảm bảo. Mặt hàng có giá thì tập trung sản xuất mà “có nhiều cái không” là không quy hoạch, không quản lý, không dự báo, không kiểm soát.

ĐB Nguyễn Đắc Phương (TP Vĩnh Long) cũng thừa nhận bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều gam màu sáng nhưng “tôi vẫn băn khoăn đây là năm  thứ 2 kinh tế tăng trưởng dưới 5% và đặc biệt sản xuất nông nghiệp vẫn nằm ở vị trí âm.

ĐB này cho rằng chúng ta làm tốt phòng thiên tai, còn “tránh” thì chậm, chúng ta xác định 3 cây, 3 con rồi… nhưng giải pháp thì chậm, sản xuất nhỏ vẫn là phổ biến, đầu tư còn manh mún.

ĐB Phùng Văn  Mười (Vũng Liêm) thì nêu nguyên nhân ảnh hưởng đến giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp đó là chúng ta có chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng manh mún, hiệu quả chưa cao.

Khắc phục tình trạng tự phát. Cứ thấy chỗ nào làm ăn được thì đổ xô lên làm. Điển hình là cây cam. Cây chỉ bằng cùm tay là có trái thì làm sao có chất lượng, rồi giá cả không ổn định. Nhà vườn vất vả nhưng giá không bao nhiêu.

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường.
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường.

ĐB Lê Văn Lập (Vũng Liêm) đồng tình nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.  Ngoài “dư âm” của hạn mặn thì hàng loạt sản phẩm nông nghiệp như heo hơi, gia súc gia cầm, trái cây rớt giá.

Trong đó heo hơi giảm sâu và lâu ảnh hưởng đến chăn nuôi và đời sống của người dân. Đại biểu đề xuất tỉnh nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản sau thu hoạch.

*Giải pháp nào cho đầu ra nông sản?

ĐB Võ Ngọc Thơ (Bình Tân) cho rằng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã xây dựng được một số mô hình có  hiệu quả và  góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, còn một số khó khăn như vấn đề nâng cao giá trị sản phẩm phát triển bền vững, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, được mùa mất giá dù có chính sách khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp; năng suất thiếu ổn định do tình hình sử dụng giống kém chất lượng, trong quá trình canh tác liên tục đã gây ra nhiều sâu bệnh, chi phí đầu vào lại cao.  

ĐB này kiến nghị xem xét lại quy hoạch việc nhân giống, bố trí kinh phí phù hợp thực hiện công tác giống, làm sao nâng cao được chất lượng giống. 

Quan tâm các sản phẩm chế biến trong nông nghiệp; quan tâm hỗ trợ trong việc thực hiện tái chứng nhận các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP. 

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Mai (Long Hồ) cho rằng mặt hàng chăn nuôi, trong đó heo rớt giá thê thảm. Ngành nông nghiệp phối hợp với công thương có trách nhiệm nhưng đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ tình hình này.

Việc vận chuyển mua bán nông sản còn gặp khó, cần quan tâm thực hiện các công trình thủy lợi đảm bảo. Đẩy mạnh nâng cao năng lực, hiệu quả của tổ hợp tác, hợp tác xã;  tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao...

Theo ĐB Phùng Văn  Mười (Vũng Liêm), ngành nông nghiệp có đề án rồi, có “3 cây, 3 con” rồi nhưng thực tế thì chưa hiệu quả và đề nghị phải có thí điểm, mỗi cây, mỗi con phải có 1 điểm, phải đảm bảo đầu tư hiệu quả, từ đó mới có mô hình.

ĐB Nguyễn Văn Nhỏ (Long Hồ) đồng tình  để gỡ khó cho nông nghiệp cần có giải pháp đồng bộ, có sự liên kết 4 nhà. Trong đó Nhà nước là quan trọng nhất.

ĐB Nguyễn Văn Thả (Tam Bình) cho rằng chúng ta không thiếu mô hình nhưng nông dân chưa liên kết với nhau mà mạnh ai nấy làm.

Để không luẩn quẩn chuyện được mùa rớt giá thì vai trò kinh tế hợp tác là rất quan trọng, kế đến là vấn đề chế biến. Làm được điều này cần tăng cường thông tin về diện tích, số lượng cây trồng vật nuôi, có chính sách ưu đãi nhà đầu tư, vấn đề an toàn thực phẩm…Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nữa là cần phân rõ mô hình là ai, nhân rộng mô hình là ai?

ĐB Ngô Ngọc Hải (TP Vĩnh Long) đặt câu hỏi sau dưa hấu, thịt heo, chuối già  chúng ta giải cứu gì nữa? Ngành chức năng sẽ làm gì để giúp  người sản xuất không bị thiệt thòi bởi đầu ra không ổn định? ĐB đề nghị tỉnh cần quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao; quy trình nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp sạch; đồng thời hình thành chuỗi cung ứng các sản phẩm sạch phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Bài, ảnh: PHONG-ANH

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh