Tự hào truyền thống gia đình cách mạng

Cập nhật, 15:40, Thứ Năm, 27/07/2017 (GMT+7)

Những danh hiệu cao quí của Nhà nước được trao là sự ghi nhận xứng đáng đóng góp của các tập thể, cá nhân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây cũng là  niềm vinh dự, tự hào đối với các gia đình liệt sĩ, đồng thời cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón thăm hỏi đời sống gia đình chính sách Trương Văn Năm (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh)
Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón thăm hỏi đời sống gia đình chính sách Trương Văn Năm (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh)

Nhân dịp lễ 27/7, gia đình chú Trương Văn Năm (ấp Đồng Thạnh A, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) vinh dự có Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón đến thăm.

Căn nhà tường khang trang còn thơm mùi vôi vữa, kế bên là rẫy khổ qua xanh mát gần tới ngày thu họach.

Cô Hồ Thị Đúng- vợ chú Năm tay đan thoăn thoắt những dây lục bình làm thành cái chậu nhỏ xinh xắn cười tươi khi Bí thư Tỉnh ủy hỏi thăm đời sống gia đình: “Nhà tui có 14 công ruộng, 3 công rẫy. 3 con đứa làm công an, đứa bộ đội, đứa làm tại xã. Tranh thủ quởn đan thảm phụ hợ thêm tiền chợ, tui và con dâu đan ngày cũng kiếm gần 300 ngàn”.

Gia đình chú Năm là gia đình có truyền thống cách mạng. Cha chú và anh trai thứ 2 hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ chú là Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Định.

Bản thân chú cũng tham gia du kích xã. Khi đất nước thống nhất,  chú vượt qua mọi khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhờ siêng năng, vợ chồng chú tích cóp mua thêm ruộng, cố gắng nuôi con ăn học thành đạt.

Các con chú giờ có việc làm ổn định, có 2 người phục vụ trong công an, quân đội tiếp nối truyền  thống  cách mạng của gia đình. Cô chú rất tự hào và hạnh phúc.

Với ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao (79 tuổi, cán bộ hưu trí xã Hòa Bình- Trà Ôn)  thì những ký ức hào hùng về những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc luôn vẹn nguyên trong tim.

Gần 20 năm trong lực lượng vũ trang, chiến đấu ở những chiến trường ác liệt, ông chứng kiến hàng trăm đồng đội của mình ngã xuống, để giành lại nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Hòa bình trên mảnh đất Bưng Sẩm hứng chịu nhiều “vết thương” của bom dạn, cuộc sống của người dân tỉnh nhà nói chung và người dân xã Hòa Binh nói riêng vô cùng khó khăn.

Bản thân ông xuất phát từ một người nông dân nghèo nên ông tham gia cùng với chính quyên địa phương giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, những người hy sinh vi độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Bằng uy tín của mình, ông Mười Hai vận động xây dựng 8 căn nhà tình nghĩa; sửa nhà tình nghĩa; khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 500 gia đình chính sách; vận động học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo;…

Ông tâm sự:  “Ở tuổi 79 tôi đã có hơn 50 năm cống hiến cho xã hội và đến nay vẫn tiếp tục làm công việc ý nghĩa của đời mình. Những việc làm của tôi xuất phát từ tinh cảm với đồng chí, đồng đội, những người dã hy sinh để chúng ta được sống trong hòa binh hôm nay”.

Dịp 27/7, Tỉnh đoàn về thăm tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tuyết (xã Phú Lộc- Tam Bình).
Dịp 27/7, Tỉnh đoàn về thăm tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tuyết (xã Phú Lộc- Tam Bình).

Thương binh Nguyễn Văn Tân (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) - người bộ đội đặc công, cán bộ tiểu đoàn năm nào có hơn 40 năm chung sống với những di chứng để lại trên cơ thể sau 4 lần bị thương ở chiến trường.

Cha và 3 anh em trai của ông đều tham gia cách mạng nhưng ông là người duy nhất còn được hòa chung với đồng bào niềm vui ngày độc lập, bởi ba người còn lại đều đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ông Tân tự hào: “Đi làm cách mạng để toàn dân mình được hưởng ấm no và hạnh phúc, hỏng nghĩ vì quyền lợi cá nhân. Hòa bình, trở về đây Đảng, Nhà nước lo cho mình, tui thấy đó là niềm vinh dự đối với gia đình”.

Từng tham gia nuôi chứa cán bộ cách mạng của tỉnh nhà, công việc dẫu lắm gian nguy, nhưng bà Nguyễn Thị Tư (xã Hậu Lộc- Tam Bình)- vợ của liệt sĩ Trần Văn Biển, luôn sẵn sàng góp sức cho cách mạng.

Liệt sĩ Trần Văn Biển là con độc nhất của mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thại. Chồng hy sinh, mấy mươi năm qua, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, một mình gồng gánh nuôi 6 đứa con khôn lớn, trưởng thành.

“Gia đình mình là gia đình chính sách, gia đình cách mạng, thì mình phải gương mẫu, giáo dục cho con cháu noi gương theo ông bà, giữ gìn truyền thống cách mạng”.

Thượng úy Trần Thị Minh Nguyệt (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) vinh dự và tự hào khi bản thân được phục vụ trong quân đội tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình.

Chị tâm sự: “Bà nội tôi- Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mười (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) có người con duy nhất là ba tôi- liệt sĩ Trần Minh Chiến- hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Cha tôi hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy xác”.

Ngày cha hy sinh, chị Nguyệt 7 tuổi, em út vừa tròn tháng. Chị Nguyệt tự hào nói: “Gia đình sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống cách mạng, thể hiện lòng tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc bằng những việc làm hữu ích, thiết thực”.

Càng tự hào với truyền thống cách mạng của cha, anh; ngày nay, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thân nhân các gia đình liệt sĩ cũng không ngừng phấn đấu, vươn lên; luôn tích cực đi đầu trong các phong trào cách mạng của địa phương, đóng góp sức người, sức của cùng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG