Trong phiên thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có những ý kiến đóng góp cho các dự án luật này.
Trong phiên thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có những ý kiến đóng góp cho các dự án luật này.
* Đại biểu Lưu Thành Công:
Đối với dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), vấn đề tôi quan tâm thứ nhất là giải thích từ ngữ, tôi có cảm nhận ban soạn thảo quá lạm dụng việc giải thích từ ngữ, cụ thể như: tàu cá, giống thủy sản, thức ăn thủy sản… thì không cần phải giải thích.
Ngoài ra, quy định khai thác thủy sản là khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác.
Quy định như thế này thì không bao quát hết các khái niệm hiện có ở Nam Bộ, chẳng hạn như ở Nam Bộ có kết cấu địa lý giống như hồ, đầm, phá nhưng tên gọi thì khác, ở đây họ gọi là búng (búng Bình Thiên ở An Giang), lung (lung Ngọc Hoàng ở Hậu Giang), nhỏ hơn chút là cái đìa.
Theo tôi, luật không nên kể hồ, đầm, phá vào mà chỉ quy định là khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, sông và các vùng nước tự nhiên khác là đủ.
Tại Điều 75 quy định về thuyền viên tàu cá thì phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, theo đó Bộ Nông nghiệp và PTNT định biên an toàn đối với tàu cá, tiêu chuẩn thuyền viên, chuyên môn, chứng chỉ của từng thành viên.
Theo tôi luật nên cân nhắc điều này, vì nếu quy định như thế này thì chắc chắn là tàu cá chúng ta phải ngưng vì khó mà hoạt động đánh cá được. Bởi vì nghề đánh cá xưa nay là nghề truyền thống theo kiểu cha truyền con nối, không có đào tạo bài bản nên quy định như thế khó mà thực hiện.
* Đại biểu Phạm Tất Thắng:
Đối với dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), về quy hoạch lâm nghiệp, luật quy định quá dài và không cân đối, theo tôi việc quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia nên gọn lại và tập trung vào các nguyên tắc để lập, lấy ý kiến, thẩm định và thực hiện quy hoạch đó.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan quản lý nhà nước về quản lý rừng, thế nên việc giao cơ quan này vừa lập quy hoạch lại vừa thực hiện thẩm định quy hoạch đó là không khách quan, người ta thường ví von là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Theo tôi, việc giao Bộ Nông nghiệp lập quy hoạch là đúng còn việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch nên giao cho một cơ quan khác có vai trò quản lý gần gũi, như thế sẽ khách quan hơn.
Liên quan đến việc sửa đổi quy hoạch, luật chưa nêu rõ cơ quan nào chủ trì thực hiện vấn đề này, rồi quy trình thực hiện việc này ra sao, công bố lấy ý kiến như thế nào, áp dụng ra sao…
Nếu vấn đề này không được quy định cụ thể, chặt chẽ dễ dẫn đến hiện tượng khi chúng ta lập quy hoạch rất chặt chẽ nhưng khi sửa đổi quy hoạch rất dễ dàng, thậm chí có thể tùy tiện.
Một nội dung nữa ở Điều 58 có quy định về việc công bố tổ chức bảo vệ rừng chuyên nghiệp. Đọc nội dung này tôi thấy hơi băn khoăn, bởi vì hiện nay việc quản lý rừng chúng ta có lực lượng kiểm lâm, có công cụ hỗ trợ, có các quy định rất cụ thể của pháp luật và đôi khi việc quản lý rừng còn khó khăn.
Đối với các tổ chức bảo vệ rừng chuyên nghiệp này- là các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân lập ra được quy định trong luật nhưng chưa được quy định cụ thể về thẩm quyền, về chế độ, về điều kiện công cụ hỗ trợ, điều kiện hoạt động như thế nào liệu các tổ chức này có giữ được rừng hay không?
Liên quan đến vấn đề này, ở Điều 95 có quy định lực lượng kiểm lâm chỉ có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân ở những nơi mà nhà nước chưa giao, chưa cho thuê và những khu rừng đặc dụng phòng hộ quan trọng.
Nếu quy định như thế này thì đối với những khu rừng đã giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thì lực lượng kiểm lâm không có trách nhiệm.
Đối chiếu với Điều 58 như đã phân tích ở trên tôi rất băn khoăn, tôi đề nghị nên quy định ngoài chức năng của lực lượng kiểm lâm như đã nêu trên thì họ có nhiệm vụ quản lý luôn cả những khu rừng đã giao cho các tổ chức, doanh nghiệp.
TÂM- THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin